QĐND - Mới đây, tôi cùng đoàn cán bộ, nhân viên Bệnh viện 105 (BV105) hành quân về bản Chang, xã Quốc Phong (Quảng Uyên, Cao Bằng) - nơi ra đời Đội Phẫu thuật chiến dịch số 5 phục vụ chiến dịch Biên Giới năm 1950 (tiền thân của BV105) để khám bệnh, tặng quà bà con địa phương. Thời tiết những ngày này ở các tỉnh vùng núi phía Bắc khá lạnh, nên khi triển khai kế hoạch cũng có nhiều ý kiến khác nhau, người nói hoãn lại, người bảo cứ đi. Đại tá Lê Anh Tuấn, Giám đốc bệnh viện tổ chức một cuộc họp gấp xoay quanh vấn đề: Cụ già và trẻ em từ các bản đến bệnh xá xã trong mưa liệu có an toàn! Nhưng hoãn lại thì biết bao giờ mới hết lạnh. Càng chậm càng có lỗi với đồng bào. Cuối cùng, giám đốc bệnh viện vẫn quyết định xuất quân. Anh nói: “Nếu vẫn rét hại, chúng ta chia thành nhiều tổ đến từng gia đình để thăm, khám”. Đại tá Nguyễn Văn Tưởng, Chính ủy bệnh viện nhắc thêm: “Về nơi mình ra đời là về nhà, nên mọi điều càng phải thiết thực. Vì thế, quà tặng đồng bào không phải để cho oai, cần chú ý thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh, ti vi, sách vở, quần áo chống rét. Thời gian làm việc tại “nhà” chỉ có một ngày, nên từng người, từng bộ phận phải tính toán để đạt hiệu suất cao nhất”.
Thế rồi, sau một ngày hành quân, chúng tôi có mặt tại Trạm xá xã Quốc Phong. Cái lạnh như được xua tan bởi tình cảm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương dành cho chúng tôi. Trước tình cảm đó, y sĩ Đỗ Thị Thúy không giấu nổi xúc động: “Lần đầu về nơi đơn vị được thành lập, tôi cứ thấy như lúc sắp được mẹ cho về thăm ông bà ngoại hồi còn nhỏ”... Mờ sáng hôm sau, rất đông bà con đã có mặt ở khu vực trạm xá xã để chờ được các thầy thuốc bộ đội khám bệnh. Công việc cứ cuốn đi, không ai nhớ ra là mình chưa kịp ăn sáng. Sau khi được các thầy thuốc khám bệnh, tư vấn cách chăm sóc mắt, bà Lý Thị Vảng, 85 tuổi, nói: “Được các con khám và hướng dẫn cách phòng bệnh, mế thấy vui lắm. Cứ vui là người sẽ khỏe thôi à”. Bà Là Thị Hạnh, đưa cháu Lý Thị Yến Vi 4 tuổi đến khám cũng được các thầy thuốc đón tiếp chu đáo, tận tình. Liên tục 10 tiếng đồng hồ, gần 400 người đã được các thầy thuốc của bệnh viện khám, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc.
Trong khi đó, tại trụ sở UBND huyện Quảng Uyên, lãnh đạo BV105 và đại diện UBND huyện Quảng Uyên ký kết chương trình phối hợp hoạt động thực hiện các nội dung kết hợp quân-dân y, khám bệnh, tư vấn sức khỏe cho đối tượng chính sách trong huyện; tăng cường trao đổi nghiệp vụ y tế; phối hợp tổ chức tuyên truyền văn hóa truyền thống... Ngay sau lễ ký kết, 1000 cuốn vở học sinh, 200 cuốn sách nghiệp vụ công tác đoàn, hơn 1000 bộ quần áo, 25 áo thanh niên tình nguyện và nhiều phần quà khác đã được đoàn trao tặng địa phương.
Ngày vui ngắn chẳng tày gang. Nghĩa nước tình nhà như níu bước chân những thầy thuốc bệnh viện. Người về “nói bằng mắt”! Người ở “nói bằng tay”... Ông Hoàng Văn Trọng, Chủ tịch UBND xã Quốc Phong cầm tay hết người này đến người khác, bịn rịn nói: “Năm 2009, Quốc Phong có 60% số hộ thuộc diện nghèo, đến nay chỉ còn 11%. Thành quả ấy có phần đóng góp không nhỏ của các thầy thuốc BV105. Người về, nhưng nghĩa tình ở lại...”.
PHẠM XƯỞNG