Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu và đồng chí Hồ Xuân Mãn thăm mộ đồng chí Trần Văn Khám, tại nghĩa trang TP Huế

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu trước khi trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng là một vị tướng. Trưởng thành từ chiến sĩ, chiến đấu ở nhiều chiến trường ông đã để lại cho đồng đội không ít kỉ niệm và ngược lại, ông in đậm không quên một đồng đội, ân nhân nào, dù đó là bà mẹ chiến sĩ ở một “Quán cơm chiến sĩ” vùng giáp ranh hay người công vụ ở Bộ Tư lệnh tiền phương những ngày chiến tranh ác liệt nhất.

Trong chuyến công tác đầu tiên trên cương vị Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, tại tỉnh Cà Mau ngay sau cơn bão số 5 (cuối năm 1997), đồng chí Lê Khả Phiêu đã đến thăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở một phường nghèo của thành phố Cà Mau. Mẹ có một người con trai duy nhất, một đại đội phó thuộc bộ đội chủ lực đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhà nước đã làm nhà tình nghĩa tặng mẹ, nhưng cơn bão lớn đó đã san phẳng cả nhà và vườn cây ăn quả của mẹ.

Khi Tổng bí thư Lê Khả Phiêu và các đồng chí lãnh đạo địa phương đến thăm, mẹ ôm chầm lấy đồng chí Lê Khả Phiêu và xúc động nói: “ Con mẹ hy sinh, mẹ sống một mình, nhà bão làm bay mất. Không phải mình mẹ mà cả phường này có ai còn nhà đâu. Can bộ, đảng viên đã mất nhà còn đi lo cho dân. Đận này gay go đấy các con ạ”. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nghe mẹ nói, nhìn lên bàn thờ có ảnh người sĩ quan trẻ, ông ôm lấy mẹ nói trong nước mắt: “ Mẹ ơi, anh Ba đã hy sinh vì độc lập của Tổ Quốc. Chúng con cũng là đồng đội của anh ấy, chúng con sẽ thay anh Ba lo cho mẹ”.

Là phóng viên báo Nhân dân chuyên trách phục vụ tuyên truyền các chuyến công tác của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, tôi được chứng kiến biết bao cử chỉ nghĩa tình của ông đối với dân, nhất là những cựu chiến binh, những người đã một thời cùng ông xông pha trận mạc. Nhớ lần ông đi thăm và động viên quân dân chống lụt ở Trị Thiên, sau một ngày vất vả lên A Lưới, ra Triệu Phong, tối về tới Huế, vừa về phòng nghỉ ở gác 2 thì ông nghe dưới sân có tiếng người nói khá to. Hỏi người cận vệ, ông biết có một cựu chiến binh muốn xin gặp mình, nhưng vì cả ngày đi chống lụt mới về nên các đồng chí lãnh đạo muốn để ông nghỉ. Nghe xong, ông lập tức xuống để gặp người đồng đội cũ. Sáng hôm sau, ông cho chúng tôi biết, đó là một cựu trung uý đã từng công tác với ông ở Quân khu 9, là thương binh về địa phương, nghe tin ông về Huế đã đến thăm. Giọng ông chùng xuống, xúc động: “ Hai vợ chồng đều là lính, hai con còn nhỏ, quả là khó khăn. Ai cũng tưởng gặp mình để yêu cầu gì, hoá ra không phải mà chỉ để báo tin đã tìm được hai bà mẹ ở “Quán cơm chiến sĩ” năm 1968 còn sống và yêu cầu mình đến thăm”. Và ngay sáng hôm sau, ông đã cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh đến thăm và tặng quà những người mẹ dũng cảm ấy.

Lần khác, ông đến với đồng bào Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Hoà Bình trong đợt nắng hạn lịch sử năm 1999. Ở xóm Chim (toàn đồng bào người Mường) của một huyện miền núi tỉnh Hoà Bình, sau khi thăm bà con các dân tộc, tặng tiền xây giếng nước cho cả xóm, ông đã vào thăm gia đình một thương binh nghèo. Nắm cánh tay cụt tận khuỷu của người thương binh, ông quay lại nói với đồng chí bí thư chi bộ xóm: “Bà con còn nghèo, còn nhiều khó khăn trong cuộc sống. Trong hoàn cảnh này thì các đồng chí thương binh còn khó khăn hơn. Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương phải lo cho bà con đỡ khó khăn, thiếu thốn, nhất là những thương binh, gia đình liệt sĩ”.

Ở vùng núi Quảng Trị, khi đến sân bay Tà Cơn, nơi một đơn vị đặc công của chúng ta sau khi đánh vào sân bay đã bị bọn Mỹ, nguỵ nhảy dù bao vây và giết hại. Bên mộ tập thể của 50 chiến sĩ đặc công, ông đã thắp hương rồi đứng lặng mấy phút liền, đi quanh phần mộ, dùng dằng như không muốn rời các đồng chí, đồng đội thân yêu của mình. Trong một buổi trưa nắng như đổ lửa tại TP Huế, chúng tôi theo ông đi thăm Nghĩa trang liệt sĩ thành phố. Sau khi dâng hương, dâng hoa tại Đài tưởng niệm, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cùng Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Xuân Mãn (cũng là một chiến sĩ biệt động lừng lẫy chiến công của Thừa Thiên - Huế) đi thắp hương từng dãy mộ. Bỗng ông đi rất nhanh tới một ngôi mộ nằm ở góc phía tây nghĩa trang. Chúng tôi thấy ông thắp hương, nhổ cỏ và đứng rất lâu. Khi chúng tôi đến, ông ngậm ngùi cho biết: “Đó là phần mộ của đồng chí Trần Văn Khám, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9 mà tôi là Chính uỷ. Ngày thứ ba trong trận tổng tiến công vào Huế - Mậu Thân 1968, trong khi đi kiểm tra các trận địa chốt của đơn vị thì pháo địch bắn và người Trung đoàn trưởng dũng cảm đã hy sinh tại chỗ. Ngay sau đó, tôi được cấp trên quyết định Chính uỷ kiêm Trung đoàn trưởng thay đồng chí Khám hy sinh. Trong suốt 25 ngày đêm chiến đấu, Trung đoàn 9 đã cùng với bộ đội toàn mặt trận Thừa Thiên Huế hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình…” Chúng tôi biết, khi còn ở quân đội cũng như khi đã trở thành lãnh đạo cao nhất của Đảng, mỗi lần có dịp về Thừa Thiên - Huế, ông không bao giờ không đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ trong đó có anh Trần Văn Khám yên nghỉ, người đồng chí, đồng đội thân yêu của mình.

Trong một lần đi thăm đường Hồ Chí Minh, từ Đường 9 đến Dốc Xây, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã nhớ từng mốc lịch sử: Sen Bàng, Phú Quý, Khe Giao, hang hy sinh trong chiến đấu của 7 cô gái thanh niên xung phong ở Phong Nha - Kẻ Bàng, phà Xuân Sơn… Mỗi nơi, ông đều dừng lại thắp hương và đề nghị địa phương cùng Ban Quản lý xây dựng đường Hồ Chí Minh nên xây dựng những mốc kỉ niệm… Ông nói: “Để có được con đường Trường Sơn huyền thoại và đường Hồ Chí Minh hôm nay, biết bao chiến sĩ và đồng bào ta đã ngã xuống, không ai được quên họ. Ai quên quá khứ là quên chính mình”.

Bài và ảnh: Thanh Phong