QĐND - Trung tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 7 chia sẻ với báo chí bên lề Cuộc đua xe đạp “Xuyên Việt-2014, Cúp Quốc phòng Việt Nam”. Ông gọi cuộc đua là giải đấu thể thao đặc biệt, là cuộc đua về với cội nguồn. Điều ông tâm đắc nhất là Ban tổ chức Cuộc đua đã thể hiện lòng tri ân các thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc; tặng quà các gia đình chính sách, người có công, quân nhân có hoàn cảnh khó khăn; trao học bổng cho con cán bộ, chiến sĩ LLVT nhân dân. “Cuộc đua là một đợt dân vận trải dài từ Nam chí Bắc, không chỉ là sợi chỉ đỏ kết nối tình đoàn kết quân dân máu thịt, mà còn có tác dụng giáo dục truyền thống yêu nước, tham gia công tác hậu phương quân đội. Cuộc đua cũng là cơ hội để cả vận động viên lẫn người hâm mộ hun đúc ý chí, quyết tâm… Tôi rất tâm đắc với cuộc đua lần này, đây đúng là cuộc đua đặc biệt”-ông tâm sự.
Tâm sự của người đứng đầu LLVT miền Đông cũng đồng điệu với tâm tư của thương binh hạng 1/4 Trần Văn Thành, ở xóm 28A, xã Lê Minh Sơn, huyện Bình Chánh. Ông Thành là một trong 85 gia đình chính sách, người có công, quân nhân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh được Ban tổ chức Cuộc đua trao quà tình nghĩa đợt này. Vốn bị cụt hai chân, phải di chuyển bằng xe lăn, nhà lại xa trung tâm, Ban tổ chức dự kiến sẽ gửi quà tặng đến tận nhà nhưng ông nằng nặc đòi đến dự Lễ xuất quân chặng 3, đua quanh TP Hồ Chí Minh. Sáng 4-12, ông tự lăn xe lên trụ sở Ban CHQS xã Lê Minh Sơn, gặp mấy anh dân quân cơ động: “Tụi bây chở chú qua chỗ xuất quân cuộc đua xe. Cuộc đua do quân đội tổ chức, lại xuyên Việt, biết bao năm mới có một lần, không đi uổng quá tụi bây. Tao ra nhận quà là một phần, phần khác muốn gặp anh em đồng đội, xem bọn trẻ bây giờ có khí thế bằng bọn tao ngày trước tòng quân không? Cái cuộc đua này, chẳng những thú vị mà còn truyền lửa cho tụi trẻ nữa”.
 |
Đại diện Ban tổ chức Cuộc đua đến nhà tặng quà má Phan Thị Lưu. Ảnh: TRỌNG HẢI
|
Tại Lễ xuất quân chặng 3, ông Thành không những được chứng kiến khí thế hào hùng, sôi động của cuộc đua, mà còn được các đồng chí lãnh đạo cấp cao đặc biệt quan tâm. Trung tướng Trần Đơn; đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh khi trao quà đều đến thăm hỏi, động viên ông Thành. “Lãi lớn rồi đó cháu. Tao tính ra động viên tụi nhỏ đua cho đúng tinh thần Bộ đội Cụ Hồ, ngờ đâu toàn được lãnh đạo động viên không à!”-ông Thành hoan hỉ, chia sẻ với chúng tôi.
Có một thương binh khác, cũng đến nhận quà, nhưng trên khuôn mặt có vẻ trầm tư. Đó là thương binh hạng 2/4 Huỳnh Văn Sỹ, nhà ở phường 16, quận 8. Tôi lại gần hỏi chuyện, ông cho hay: “Tui bị thương khi làm nghĩa vụ quốc tế. Lúc về nhà, vợ thấy mình bị thương nặng, ốm nhách, cuộc sống khó quá, bả bỏ đi mất, để lại mình tui nuôi ba sắp nhỏ. Cực lắm. May mà còn có đồng đội, có họ hàng trợ giúp. Lần lần, tui cũng nuôi 3 sắp nhỏ trưởng thành. Hai đứa đầu đã lấy vợ, lấy chồng, còn thằng út ở với tui, nhà phải đi mướn nhưng tui vẫn vui vì mình không chỉ có con, còn có anh em đồng đội. Cái tình đồng đội vào sinh ra tử thấm lắm chú à. Tui nghĩ, báo chí, mà nhất là báo chí quân đội phải làm sao khơi dậy, tiếp sức chuyện này. Nên được Ban tổ chức Cuộc đua trao quà, tui nghĩ đây là món quà đồng đội, tui sẽ đem về chia cho sắp nhỏ mỗi nhà chút xíu, để chúng tự hào về những đóng góp của ba nó cho đất nước”.
Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, số đối tượng chính sách, người có công rất đông. Bằng nỗ lực vận động của Ban tổ chức, TP Hồ Chí Minh cũng là một trong những địa phương có số quà tặng tình nghĩa và học bổng nhiều (85 suất quà tình nghĩa và 20 suất học bổng). Những suất quà tình nghĩa, về giá trị vật chất có thể chưa cao, nhưng giá trị tinh thần được các gia đình chính sách, người có công đánh giá rất cao. Chúng tôi hiểu rõ hơn điều này khi cùng Ban tổ chức và cơ quan chính sách Quân khu 7 đến tận nhà trao quà tặng má Phan Thị Lưu, 74 tuổi, là vợ liệt sĩ ở phường 11, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Chồng má trước là biệt động thành, tuy hoạt động ngay trong thành phố mà chẳng mấy khi vợ chồng được gặp nhau. “Má phải liều đi gặp ổng thì mới có mấy đứa bây giờ. Ổng hy sinh hồi 1971, khi đó má còn trẻ, nhưng ở vậy nuôi mấy đứa lớn cả rồi”.
Các con trưởng thành nhưng công ăn việc làm không ổn định, thành ra cuộc sống của má Lưu cũng nhiều khó khăn. Má và cậu út đang phải ở nhờ nhà người dì ruột, một căn nhà tạm bợ, thưng bằng đủ thứ tôn, gỗ, nằm trong một con hẻm nhỏ… Chừng như giải đáp băn khoăn cho chúng tôi, má nói: “Má được tặng nhà tình nghĩa rồi, nhưng má nhường cho thằng cả ở, qua đây ở nhờ bà dì. Nhà chật nhưng tấm lòng không chật, cũng như các con vậy đó. Các con bận tổ chức cuộc đua lớn như thế, mà vẫn dành thời gian thăm má là quý lắm. Má nhìn thấy các con, là coi như đơn vị cũ của chồng má vậy. Cuộc sống bây giờ, đâu cũng có cái khó riêng, vậy nên mỗi người cố một chút, phải không các con?”.
Sự chất phác, hồn hậu của má Lưu khiến các thành viên trong đoàn cảm động. Có người lén gửi thêm phần quà của riêng mình vào cùng quà của Ban tổ chức để trao tặng má… Miền Đông gian lao mà anh dũng. Ở đây có rất nhiều, rất nhiều những con người bình dị mà đáng quý. Họ thầm lặng đóng góp phần mình vào công cuộc cách mạng lớn lao của dân tộc, mà ngay cả trong cơ chế thị trường hiện nay, vẫn nghĩ rất ít cho bản thân mình. Rất cần có những nguồn động viên, cổ vũ để “giữ lửa” cho họ. Những hoạt động tri ân của Ban tổ chức Cuộc đua xe đạp “Xuyên Việt-2014, Cúp Quốc phòng Việt Nam” lần này, chính là những “ngọn lửa” như thế!
HỒNG HẢI