QĐND Online- Xã Yên Đổ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên là mảnh đất giàu lịch sử, trong đó ghi dấu những năm tháng đầu tiên của Lớp Huấn luyện Cán bộ Cung cấp đầu tiên, tiền thân của Học viện Hậu cần ngày nay.

Trên quê hương Yên Đổ còn có lớp người tuổi già, sức lao động giảm sút, gia cảnh khó khăn, nhà cửa dột nát, thiếu an toàn, trong đó nhiều hộ là gia đình có công với cách mạng. Tuy nhiên, những gia đình này lại không được hưởng quyền lợi trong Nghị định xoá nhà tạm cho người nghèo của Chính phủ vì thuộc diện cận nghèo.

 

Bù đắp những thiệt thòi đó, đồng thời thể hiện tình cảm gắn bó keo sơn với mảnh đất cội nguồn, những năm qua, Học viện Hậu cần đã tổ chức nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, thường xuyên quan tâm và chú trọng tới công tác chính sách, đặc biệt là xây dựng nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách. Hai năm qua, Học viện đã xây dựng và hoàn thành 14 nhà tình nghĩa, trong đó có nhiều nhà được xây dựng tại xã Yên Đổ. Nghĩa cử cuả Học viện Hậu cần đang mang lại hạnh phúc lớn lao cho thân nhân liệt sỹ, cho những gia đình có công với cách mạng.

Cán bộ Học viện Hậu cần bàn gia nhà tình nghĩa tại Thái Nguyên

 

Năm 2012, Học viện đã tặng bà Hoàng Thị Ngân, xóm Hạ, xã Yên Đổ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên một căn nhà chắc chắn, trị giá 60 triệu đồng, được hình thành từ phong trào mỗi ngày đóng góp 1.000 đồng của cán bộ học viện.

Bà Hoàng Thị Ngân có chồng hy sinh năm 1968, bà một mình nuôi 5 người con. Cuộc sống thiếu thốn đã khiến bà lần lượt mất đi 3 người con… cái nghèo đeo bám nên cả khi hai người con còn lại đã lập gia đình riêng cũng không lo được cho bà một cuộc sống đủ đầy. 70 tuổi, bà vẫn phải sống trong căn nhà sàn chỉ trực đổ mỗi khi mưa gió. Được học viện tặng nhà, hơn một năm nay, kể từ ngày dọn vào ở trong căn nhà mới, bà Hoàng Thị Ngân không còn lo tìm chậu để hứng mưa dột, tìm vải để chắn gió lùa nữa…. Bà chưa từng nghĩ, mình có thể thảnh thơi như thế này trong những ngày mưa gió. Bà tâm sự: “Nhà sàn, gió cũng sợ, mưa cũng sợ. Chỉ sợ bị gió đổ nhà thôi. Được các anh bộ đội tặng cho cái nhà này tôi mừng lắm. Ơn lắm, không biết nói gì hơn!”.

 

Năm nay, 2013, bà Lương Thị Thinh, mẹ của liệt sỹ Ma Văn Huấn, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã trở thành người may mắn tiếp sau bà Ngân. Với đường giao thông chủ yếu là đường đất, quanh năm lầy lội đã tạo không ít chó khăn trong việc vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng nhà, song Học viện Hậu cần đã quyết tâm hoàn thành nhà cho bà Thinh trong thời gian ngắn nhất và ngôi nhà đã được trao vào ngày 16-12 nhân dịp kỷ niệm 69 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam. Khi tuổi càng cao, sức càng yếu, thậm chí không thể đứng thẳng  lên được, bà đã không còn mơ tới căn nhà chắc chắn, ấm áp nữa. Vậy mà, được Học viện Hậu cần tặng nhà, ước mơ hoá thực, bà Thinh hạnh phúc rạng ngời: “Bà thích nhà mới lắm…cám ơn bộ đội hậu cần!”.

 

Ở xã Yên Đổ, thôn Hạ và thôn Ao Then là 2 thôn có tỷ lệ hộ nghèo lên tới trên 30%, cao nhất xã. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa tại xã Yên Đổ nói chung, hai thôn nghèo của xã nói riêng được Đảng uỷ, chỉ huy học viện quan tâm, chỉ đạo bằng nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực. Hàng năm, Học viện Hậu cần chủ động cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa như: thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân, xây mới, sửa chữa, nâng cấp điện, đường, trường, trạm… Những hoạt động đầy ân nghĩa của học viện đã để lại những ấn tượng đẹp, xúc động trong lòng người dân địa phương. Ông Chủ tịch xã Yên Đổ, tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Chúng tôi rất xúc động trước sự quan tâm của các đồng chí Thủ trưởng học viện và tình cảm của cán bộ chiến sỹ học viện đã dành cho địa phương, gia đình, cho việc  xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi trân trọng tình cảm đó và chúng tôi quyết cùnghHọc viện xây dựng mối đoàn kết và giúp đỡ các gia đình cách mạng những năm tiếp theo”. Theo chính quyền xã Yên Đổ, xã còn 5 gia đình có công với cách mạng khác cũng phải chịu cảnh sống trong những ngôi nhà dột, nát, thiếu an toàn như bà Ngân và bà Thinh. Vì vậy, công việc nghĩa tình sẽ còn là một chặng đường dài phía trước mà Học viện Hậu cần đang ấp ủ thực hiện.

 

Bài, ảnh: NGUYỄN TỐ LOAN