QĐND Online - Dự định mãi, đầu tháng mười vừa rồi tôi mới sắp xếp được thời gian lên thăm người bạn là sĩ quan quân đội thuộc Trung đoàn 38 đóng tại tỉnh Gia Lai. Sau một ngày ngồi xe khách vượt qua bao nhiêu đèo núi từ Hà Tĩnh tới Gia Lai, tôi mới tìm được đến đơn vị của anh. Nơi đóng quân của Trung đoàn là địa bàn rừng núi, dân cư thưa thớt nên trông có vẻ hoang vu, vắng vẻ. Nhìn từ xa, toàn Trung đoàn trông thật khang trang với những hệ thống nhà cửa được quy hoạch xây dựng rất khoa học và kiên cố. Từng khu nhà của mỗi đại đội đều có bồn hoa, cây cảnh trồng bao quanh được chăm sóc, cắt tỉa hết sức cẩn thận…
 |
Đội bắn súng của Đơn vị M02 luyện tập bắn tiểu liên AK phục vụ tập huấn. Ảnh: qdnd.vn |
Ở chơi mấy hôm, tôi mới thấy hết được sự vất vả; những khó khăn, thiếu thốn của bộ đội chủ lực. Hàng ngày, các anh thức dậy từ 5 giờ sáng tập thể dục, ăn sáng theo tiếng kẻng hiệu lệnh rồi ra thao trường huấn luyện. Trưa ăn cơm xong chỉ kịp uống hớp nước lại tất tả vác dụng cụ ra thao trường. Có những nội dung đòi hỏi phải huấn luyện trong đêm tối suốt thời gian dài. Những hôm phải thức dậy hành quân từ 3 giờ sáng, vai mang ba lô nặng 20kg với nào gạo, nào súng, nào chăn, màn, cuốc, xẻng... hành quân hơn 100km đường rừng. Những ngày cuối tuần rảnh rỗi hiếm hoi, các trung đội lại hì hục thi đua tăng gia, trồng hoa, sắp cỏ. Công việc bận rộn đòi hỏi các anh lúc nào cũng trong tâm thế sẵn sàng đợi lệnh, sẵn sàng chiến đấu. Có chút thời gian thư giãn nghỉ ngơi đã là hiếm hoi lắm, nói gì tới thời gian về thăm gia đình, vợ con.
Khối lượng công việc nhiều nhưng cơ sở vật chất của các anh còn rất thiếu thốn. Cả đại đội 11 có mỗi một chiếc máy tính to đùng, chạy chậm rì nhưng lại là “của quý” của toàn đại đội. Mới ra trường, giáo án huấn luyện phải soạn rất nhiều, bản được viết tay, bản phải đánh máy, các anh phải chia ca nhau sử dụng, hôm nào cũng phải thức tới 3, 4 giờ sáng. Thấy tôi chán nản vì đánh mãi chưa xong một trang A4 vì máy cứ bị “đơ” suốt, anh Đôn-Chính trị viên đại đội cười chia sẻ: “Em thông cảm, cái máy này nó hơi cũ kỹ nên sinh chậm chạp. Nhưng cũng may có nó mà dùng em ạ. Mỗi đại đội được cấp một chiếc như thế này đã là mừng lắm rồi, còn dám ý kiến gì nữa”. Nghe anh nói, tôi chợt nghĩ tới đống máy tính chất kho trong cơ quan của mẹ tôi, dù còn “đời mới” hơn chiếc máy tính của các anh nhiều nhưng đã bị bỏ kho từ mấy năm nay, lòng thầm nghĩ “Giá mà các anh có được số máy tính ấy để làm việc thì hay biết mấy”.
Công việc vất vả là thế, nhưng bữa cơm của anh em bộ đội ở đây còn rất “dã chiến”. Mấy bữa có tôi lên chơi, các anh thường lấy cơm về ăn chung toàn Ban chỉ huy đại đội. Cầm bát cơm trên tay, tôi không khỏi trào nước mắt vì thương cảm. Cơm được nấu từ loại gạo rất dở, hạt cơm vừa cứng, vừa khô, lại toàn ròng. Thức ăn cũng chế biến rất đơn giản. Ấy vậy mà bữa cơm diễn ra rất ấm cúng, vui vẻ. Các anh vừa ăn vừa pha trò vui, như không hề bận tâm đến chất lượng của bữa ăn.
Chủ nhật hôm đó, nhân có tôi tới chơi, các anh trong đơn vị “ra chủ trương” đi câu cá làm bữa cải thiện. Sau mấy tiếng đồng hồ “hành nghề” của anh “thợ câu” giỏi nhất đại đội, chiến lợi phẩm đạt được là ba chú cá lóc nặng tới 2,7kg. Sẵn rau vườn nhà, các anh quyết định làm nồi lẩu cá lóc đãi khách. Dù thiếu gia vị nhưng dưới bàn tay chế biến khéo léo của anh nuôi, tôi đã được thưởng thức nồi lẩu cá lóc ngon nhất từ trước tới giờ. Nhìn các anh vui vẻ pha trò cười đùa bên bữa cơm thân mật; tạm quên đi mọi căng thẳng, mệt nhọc của nghiệp nhà binh, lòng tôi rất xúc động. Bởi tôi hiểu, nghề bộ đội không chỉ vất vả mà còn phải sống thiếu thốn tình cảm: xa gia đình, vợ con. Ngay các anh chỉ huy của Đại đội bạn tôi, có người quê ở xa, đã 8, 9 tháng rồi chưa được về nhà thăm gia đình; có người nhà ngay ngoài cổng đơn vị nhưng cũng đã vài ba tháng chưa về nhà dù vợ nhắn tin con ốm đau, đang phải nằm viện. Vì nhiệm vụ, các anh tạm thời phải gác hạnh phúc riêng tư của mình sang một bên. Chỉ những lúc đi ngủ, nằm trên giường rồi mới tranh thủ chút thời gian điện về hỏi thăm, động viên vợ con, bố mẹ, người yêu. Tất cả các anh đều phải hy sinh rất nhiều, cống hiến rất nhiều với niềm đam mê nghề nghiệp cháy bỏng. Và nơi quê nhà, những người vợ; người bạn gái của họ phải thật sự là “hậu phương” vững chắc, giàu tình yêu, sự cảm thông thì mới có thể “giữ lửa” được cho hạnh phúc.
Thúy Hằng