QĐND - “Với các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, khó có nỗi đau nào hơn thế. Chúng ta cố gắng bao nhiêu, tận lòng giúp đỡ bao nhiêu cũng chỉ bớt đi phần nào những thiệt thòi quá lớn mà họ đã và đang phải gánh chịu” - Đó là những lời phát biểu của Đại tá, PGS, TS Nghiêm Đức Thuận, Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 103, khi các y sĩ, bác sĩ của bệnh viện về khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin của huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định nhân dịp tri ân người có công Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7.
Sáng 21-7, hàng trăm người dân có mặt từ rất sớm tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Vụ Bản để chờ đoàn y sĩ, bác sĩ của Bệnh viện Quân y 103 về khám bệnh cho họ. Mỗi người đến khám bệnh có một hoàn cảnh éo le khác nhau. Người thì đã bước sang tuổi 50, 60, mang trên mình vết thương từ chiến trường trở về, giờ đây vết thương ấy luôn hành hạ họ; người thì chỉ độ 18, 20 nhưng từ khi sinh ra đã không có được thân thể trọn vẹn, thậm chí đã phải gắn với chiếc xe lăn từ lúc lọt lòng; người thì vừa cười rồi lại òa khóc, không làm chủ được hành vi của mình bởi họ không có được trí óc như người bình thường. Tất cả họ đều là nạn nhân của chất độc da cam/đi-ô-xin, một loại chất độc hóa học tàn nhẫn nhất mà kẻ thù đã sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam gây ra biết bao nỗi đau cho người dân Việt Nam.
 |
Đại diện bệnh viện tặng quà các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin có hoàn cảnh khó khăn. |
7 giờ sáng, đoàn công tác đến huyện Vụ Bản. Một không khí chân tình, cởi mở diễn ra khi các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin đón đoàn. Cũng không còn xa lạ bởi trong số đó, có nhiều người từng được các thầy thuốc của Bệnh viện Quân y 103 trực tiếp điều trị tại trụ sở của bệnh viện ở Hà Đông-Hà Nội. Và chính thời điểm ngày khám bệnh này thì đồng chí Trịnh Quang Ngật, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tỉnh Nam Định, người đã rất quan tâm đến việc phối hợp tổ chức để các y sĩ, bác sĩ về khám bệnh cho các nạn nhân là hội viên thì lại phải tức tốc lên Bệnh viện Quân y 103 điều trị bệnh. Không khí một ngày mới rất khẩn trương, các thầy thuốc theo sự phân công từ trước, họ tổ chức thành các bàn khám, tư vấn thành nhiều phòng ở các dãy nhà. Đây là lần thứ 5 trong 2 năm 2014-2015, đoàn y sĩ, bác sĩ của Bệnh viện Quân y 103 về tổ chức khám chữa bệnh cho nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tỉnh Nam Định. Lần này, họ mang theo rất nhiều các thiết bị y tế như máy điện tim, siêu âm, các thiết bị để khám mắt, tai mũi họng…
Đã tiếp xúc với rất nhiều hoàn cảnh éo le của người bệnh, nhưng trường hợp các bác sĩ khám cho một nạn nhân 28 tuổi của xã Hợp Hưng, huyện Vụ Bản khiến không ai cầm được nước mắt. Nạn nhân được một người thân bế vào khám. Từ khi sinh ra anh đã không được có thân hình trọn vẹn như bao người, chân tay khòng khoèo, teo tóp, đi lại phải có người bế. Nhìn thấy các bác sĩ, như một phản xạ của người bệnh, anh cứ nằng nặc đòi ra, không ai giữ được. Người nhà khóc, người chứng kiến cũng không cầm được nước mắt. Thế là không cách gì có thể khám được bệnh cho anh. Bác sĩ nói rằng, trường hợp như nạn nhân thì cần phải được đưa lên bệnh viện mới có đủ phương tiện, chuyên môn để chẩn đoán và điều trị.
Đến lượt một bác ngoài 60 tuổi vào khám. Hoàn cảnh của bác khiến chúng tôi cân nhắc không đưa tên bác vào bài báo. Một dáng người nhỏ thó, có phần lầm lũi. Từ nhiều năm nay, vết thương ở chiến trường vẫn hành hạ bác, nhưng điều đó chưa bi đát bằng con bác, rồi bây giờ là cháu bác (thế hệ thứ 3) đều bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin. Tâm sự với bác mới hiểu hết nỗi đau ấy. Với bác, mấy chục năm nay chưa bao giờ có ngày vui. Cứ mỗi sáng thức dậy, nhìn thấy con, thấy cháu mà rớt nước mắt. Bữa cơm gia đình hiếm khi được trọn vẹn. Người ăn thì người còn lại phải canh chừng đứa cháu ngẩn ngơ lao vào mâm đập phá. Bác được các bác sĩ thăm khám tận tình, cấp thuốc miễn phí và hướng dẫn các biện pháp để luyện tập, bảo vệ sức khỏe. Mỗi người đến khám bệnh là một câu chuyện dài về sự bất hạnh của cuộc sống.
Đại tá Nghiêm Đức Thuận cho biết, hằng năm có rất nhiều bệnh nhân là nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin của các tỉnh được đưa về Bệnh viện Quân y 103 để điều trị bệnh, trong số này bệnh nhân của tỉnh Nam Định chiếm khá đông. Hiện nay, Bệnh viện Quân y 103 đã có Trung tâm Khử độc tố cho nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin. Từ khi trung tâm được đưa vào sử dụng, đã có nhiều bệnh nhân được điều trị tại đây. Hiện tại trung tâm có thể tiếp nhận điều trị từ 30 đến 50 bệnh nhân. Sau khi hoàn thiện giai đoạn 2, trung tâm có thể đón nhận từ 50 đến 80 bệnh nhân vào điều trị.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Ngọc Kiểm, Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tỉnh Nam Định cho biết: Nam Định là một trong những tỉnh có số lượng nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin trực tiếp và gián tiếp lớn. Toàn tỉnh hiện có 13.364 nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin đang được hưởng chế độ, trong đó 10.392 người là nạn nhân trực tiếp. Hầu hết đời sống của các nạn nhân còn nhiều khó khăn, trong đó có rất nhiều hoàn cảnh đặc biệt bi đát. Một thực tế hiện nay là việc công nhận là nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin đối với thế hệ thứ 3 còn nhiều vướng mắc, bởi thế, nhiều trường hợp hiện vẫn chưa được công nhận, chưa được hưởng chế độ của nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin. Ông Phạm Ngọc Kiểm cho biết thêm: Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tỉnh Nam Định cũng đang rất quan tâm theo dõi và ủng hộ vụ kiện tại Pháp của bà Trần Tố Nga, một công dân Pháp gốc Việt, là nạn nhân của chất độc da cam/đi-ô-xin trong chiến tranh ở Việt Nam. Trong thời gian hoạt động ở chiến trường Việt Nam bà Nga đã bị trực tiếp phơi nhiễm chất độc hóa học, đã bị nhiều thứ bệnh. Con gái đầu của bà đã chết lúc 17 tháng tuổi vì bệnh tim bẩm sinh. Con gái thứ hai bị bệnh Alpha Thalassemie (hồng cầu khuyết) đều do ảnh hưởng của chất độc da cam/đi-ô-xin. Bà Nga đã đứng đơn kiện các công ty hóa chất của Mỹ đã khiến cho bà bị nhiễm chất độc da cam, dẫn đến thảm cảnh da cam cho bà và các con bà. Đây tiếp tục là một tiền đề để các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin đòi lại công lý, công bằng.
Buổi khám, chữa bệnh làm việc đến quá giờ nghỉ trưa mới khám hết người vào khám. Là người cuối cùng được khám, bác Vũ Ngọc Lư, 66 tuổi, ở xã Đại Thắng cho biết: “Tôi ít khi có điều kiện đến các bệnh viện khám bệnh. Việc Bệnh viện Quân y 103 về tận địa phương khám cho chúng tôi là rất có ý nghĩa. Các bác sĩ đã chỉ ra và tư vấn cho tôi nhiều loại bệnh, có những bệnh cần phải điều trị ngay, có những bệnh chỉ cần tự luyện tập”. Theo các y sĩ, bác sĩ, có nhiều trường hợp cần được đưa đến các bệnh viện lớn để làm các xét nghiệm và điều trị. Những trường hợp đó đều đã được tư vấn đầy đủ, tuy nhiên, điều kiện kinh tế còn khó khăn là trở ngại lớn nhất khiến nhiều nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin dù mong muốn nhưng chưa thể đi khám, chữa bệnh được. Được biết, từ những khó khăn của các nạn nhân được chứng kiến ở Vụ Bản, Bệnh viện Quân y 103 đã quyết định tiếp tục tổ chức đợt khám bệnh cho các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin của huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) vào dịp cuối tháng này.
Trong đợt tri ân người có công, kỷ niệm ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7 năm nay, Bệnh viện Quân y 103 đã tổ chức 15 đoàn y sĩ, bác sĩ đi khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho đối tượng chính sách trên các địa bàn tỉnh Phú Thọ, thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa. Bệnh viện cũng đã tặng hàng trăm suất quà (mỗi suất 500.000) cho các đối tượng chính sách. Đây là những việc làm ý nghĩa, góp phần chung tay cùng cộng đồng tri ân các thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ và người có công trên cả nước.
Bài và ảnh: TRUNG ANH