QĐND - Đã thành nếp, hằng năm, cứ đến trung tuần tháng 12, khắp đầu thôn, cuối xóm ở xã Tam Kim (Nguyên Bình, Cao Bằng), các hộ dân đều tự giác treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc, chào mừng Ngày thành lập quân đội. Người dân tự bảo nhau dọn vệ sinh môi trường, chuẩn bị đón khách thập phương về tham quan mảnh đất huyền thoại-nơi ra đời Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Vào dịp này, những người con xa quê cũng rủ nhau về đất mẹ như một dịp về với tiên tổ, tri ân các bậc tiền nhân của cách mạng.
Với tâm nguyện và nét đẹp văn hóa đó, năm nay, các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam ở Tam Kim càng nhộn nhịp, đa dạng, ý nghĩa. Anh Nông Thành Quân, một doanh nhân thành đạt, công tác ở Hà Nội, quê gốc ở Tam Kim, trải lòng: “Do đặc thù nghề nghiệp phải sống, công tác xa quê hương, nhưng mỗi lần về với mảnh đất “chôn nhau cắt rốn”, trong tôi luôn ngập tràn những cảm xúc đan xen. Vẫn vẹn nguyên niềm tự hào về không gian, cảnh vật, hiện vật giản dị, đơn sơ đã đi vào sử sách, minh chứng cho những tháng năm đấu tranh hào hùng của dân tộc, quân đội; vẫn còn đó những người dân một lòng theo Đảng, yêu mến Bộ đội Cụ Hồ... Tuy dịp này công việc kinh doanh cuối năm bận rộn, nhưng tôi vẫn về với quê hương để được hòa vào hào khí cách mạng".
 |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và lãnh đạo tỉnh Cao Bằng cắt băng khánh thành Khu di tích lịch sử rừng Trần Hưng Đạo (tháng 12-1994). Ảnh tư liệu |
Lật giở cuốn album của gia đình, chị Nông Thị Bích, là cháu của cụ Nông Văn Lạc-một cán bộ địa phương có nhiều đóng góp trong việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, cất giọng tự tin: "70 năm đã đi qua, các bậc tiền nhân phần lớn đã về cõi vĩnh hằng, nhưng trong lòng dân Tam Kim thì họ vẫn sống mãi. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta vẫn thường xuyên về với Tam Kim; tình quân-dân ngày càng nồng ấm, sâu nặng".
Trong những năm tháng chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, nhân dân Tam Kim một lòng chiến đấu bảo vệ và góp công, góp sức gìn giữ, bảo vệ, phục dựng những chiến tích, di tích năm xưa… Nay rừng Trần Hưng Đạo đã trở thành Khu di tích quốc gia đặc biệt; đồn bốt giặc năm xưa đã trở thành nhà trưng bày chiến thắng... Tam Kim hôm nay được xem như bảo tàng sống, lưu giữ nhiều kỷ vật, hiện vật giá trị liên quan đến sự kiện ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân.
Đồng chí Tô Đình Hải, Phó bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND xã Tam Kim, cho biết: "Với những giá trị lịch sử và văn hóa của các di tích lịch sử, cộng với sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Quân khu 1, những năm gần đây, địa phương từng bước tôn tạo về cảnh quan môi trường, giữ gìn, bảo quản tốt kỷ vật, hiện vật, địa danh lịch sử. Những nơi này đã trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa tinh thần bổ ích, là “địa chỉ đỏ” giáo dục chính trị, giáo dục truyền thống. Nơi đây, những ai một lần đến thăm, thấy mình có tâm thế mới, tình cảm mới, hành trang kiến thức mới". Còn với cán bộ, nhân dân Tam Kim, theo đồng chí Tô Đình Hải: "Nếu có ai hỏi thì trăm người quê tôi cũng chỉ một lời: Tam Kim giờ đây đã có nhiều đổi khác; đường làng, ngõ xóm đều được bê tông hóa; nhà mái ngói khang trang mọc lên ngày một nhiều... Có được kết quả đó, yếu tố quan trọng là nhờ người dân đã biết phát huy truyền thống, noi gương 34 chiến sĩ trong đội quân quốc gia đầu tiên đánh giặc, giải phóng quê hương và vươn lên làm giàu chính đáng".
Tam Kim hôm nay có nhiều dấu ấn trong phong trào xây dựng văn hóa và xây dựng nông thôn mới. Đến đâu cũng cảm nhận sự no ấm, yên vui như mùa xuân tràn ngập nơi nơi!
NGUYỄN VŨ HIỆP