QĐND - Anh là học viên năm cuối của Học viện Kỹ thuật Quân sự. Yêu nhau đã 3 năm, nhưng đến tận bây giờ anh mới ngỏ ý mời tôi về quê chơi. Thấy tôi hờn dỗi, anh nịnh khéo: “Quê anh mùa này có hoa đỗ quyên nở thắm núi Hoàng Liên…”. Giờ tôi mới biết, mỗi mùa xuân về thăm quê, đỗ quyên mà anh mang lên tặng tôi chính là loài hoa của miền đất Sa Pa (Lào Cai), chứ không phải mua ở Hà Nội như tôi vẫn tưởng.
Quả thực, về thăm quê anh mùa này, dạo ở vườn quốc gia Hoàng Liên, tôi như lạc vào “vương quốc” của hoa đỗ quyên. Anh bảo tôi, hoa của 30 loài đỗ quyên ở đây rất đa dạng về màu sắc và kích thước. Hoa có 5 màu chủ đạo là vàng, trắng, hồng, đỏ, tím. Đặc sắc hơn cả là có 6 loài cho hoa màu trắng, 7 loài cho hoa màu trắng hồng, 5 loài cho hoa màu trắng vàng, 4 loài cho hoa màu hồng đỏ, 6 loài cho hoa màu vàng, 2 loài cho hoa màu tím…
Nhưng tôi vẫn thích hơn cả khi anh kể cho nghe sự tích của loài hoa đẹp mê hồn này: Có một đôi vợ chồng nọ, sống trong một khu làng nhỏ, nhà nghèo nhưng sống hạnh phúc, yêu thương nhau. Người chồng thường xuyên vào rừng sâu săn bắn, đốn củi. Bỗng một hôm, đợi mãi không thấy chồng quay về, mỗi ngày người vợ cứ ngóng chồng sau buổi hoàng hôn. Một tháng, hai tháng, ba tháng vẫn chẳng thấy tin tức gì. Người vợ quyết định khăn gói lên đường đi tìm chồng. Buổi sáng, người vợ ra đi thì chiều hôm đó người chồng đã quay về. Cứ đi, cứ đi, ngày này qua ngày khác, đi đến lúc người vợ gục ngã bên tảng đá và trút hơi thở cuối cùng. Bên tảng đá ấy mọc lên một loài cây chỉ nở hoa khi mùa xuân, màu hoa rất tươi và đẹp. Hồn người vợ bay về trời gặp ông tiên. Ông tiên hỏi: “Vì sao con gục ngã trong rừng sâu như thế này?”. Người vợ trả lời: “Con đi tìm chồng”. Ông đặt tên cho loài hoa này là hoa đỗ (đỗ có nghĩa là đợi).
Khi người chồng trở về nhà, không thấy vợ đâu, bèn hỏi những người xung quanh. Họ bảo rằng: “Cô ấy đã vào rừng sâu tìm anh”. Thế là chồng cũng khăn gói lên đường tìm vợ. Đi mãi đi mãi, người chồng lại kiệt sức đúng trên tảng đá mà người vợ đã chết trước kia. Người chồng hóa kiếp thành một loài chim, sống đơn độc một mình và chỉ cất tiếng hót khi trời đã hoàng hôn, tiếng hót như tiếng kêu than, tuyệt vọng. Ông tiên chứng kiến tình yêu của đôi vợ chồng ấy, đặt tên cho loài chim này là chim quyên. Và không biết từ bao giờ, loài hoa này được mọi người gọi là hoa đỗ quyên để tưởng nhớ mối tình chung thủy.
Kể xong câu chuyện, anh nắm tay tôi và nói: “Sau này ra trường, dù có công tác ở bất cứ nơi nào, anh mong tình yêu của chúng mình mãi thủy chung như loài hoa đỗ quyên”. Lời hẹn ước ấy sẽ mãi là điểm tựa để tình yêu của chúng tôi thêm bền chặt.
Phương Minh Ngọc