QĐND - Về xã Võ Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) hỏi thăm gia đình CCB Đỗ Văn Địu ở thôn Hà Thiệp ai cũng biết. Nhiều người biết tới ông từ những nhọc nhằn, vất vả mà vợ chồng ông phải oằn mình gánh chịu trong suốt nhiều năm qua bởi hậu quả của cuộc chiến tranh tàn khốc để lại. Cũng như bao người đàn ông khác, ông lấy vợ, rồi chờ đợi để đón những đứa con thân yêu chào đời. Vậy mà, 12 trong tổng số 15 người con của vợ chồng ông đã không được ở cùng cha mẹ bởi hậu quả của chất độc da cam. 12 ngày giỗ con trong một năm hẳn chẳng nỗi đau nào hơn thế đối với vợ chồng ông Địu. Nỗi đau mà vợ chồng ông Địu đang phải gánh chịu chính là hậu quả tàn khốc của chất độc hóa học đi-ô-xin mà quân đội Mỹ đã sử dụng ở Việt Nam trong chiến tranh.
Chúng tôi chạm ngõ nhà ông khi mặt trời khuất bóng. Cầm trên tay bó nhang, ông dẫn chúng tôi lên “nghĩa trang gia đình” tọa lạc trên đồi cát trắng mênh mông ngay phía sau căn nhà. Trong khuôn viên nhỏ của nghĩa trang, 12 ngôi mộ được xây ngay ngắn và đánh số từ 1 đến 12. Giải thích với chúng chúng tôi, giọng ông Địu ồm ồm lẫn trong gió biển: “Con chết còn nhỏ nên tui chưa kịp đặt tên. Con gái cứ gọi là mẹt, con trai thì gọi là cu. Vì thế, để nhớ được con mất, tui phải đánh theo số thứ tự”.
 |
Ông Địu và con trong nghĩa trang gia đình trên đồi cát trắng.
|
Lặng đi một hồi, ông kể tiếp: "Trước đây mỗi ngôi mộ chỉ là lùm cát nằm rải rác dọc ven biển. Gió biển ngày đêm ầm ào dữ dội, thổi bay cả đụn cát to như quả núi, lấp đầy thung lũng. Do đó, ngày nào tôi cũng phải vun lại những nấm mồ bị gió mài mòn, hoặc moi cát ra khi những cơn “bão cát” lấp mất mộ con mình. Tôi sợ nhất những trận mưa lớn. Cứ mỗi khi có mưa rào, tôi lại phải vác xẻng lên đồi đắp mộ cho con. Bởi chỉ cần một trận mưa, những chiếc tiểu sành nho nhỏ lại trồi ra khỏi mặt cát. Năm 2007, đồng đội tôi đã quyên góp giúp gia đình được xây nghĩa trang này. Từ khi đó, tôi mới thấy yên tâm hơn".
Nỗi đau mất 12 người con đã vẽ lên khuôn mặt khắc khổ của ông Địu những nếp nhăn chằng chịt và mái đầu cũng không còn một sợi tóc nào đen. Sức khỏe vợ chồng ông vì thế mà kiệt quệ, nhiều lúc tưởng chừng không thể gượng dậy. 12 lần chôn cất con, 12 lần vợ chồng ông như chết đi sống lại. Ông Địu bảo: “Có lẽ, 5 năm ở chiến trường A Sầu, A Lưới đã giúp tôi có được khả năng chịu đựng, nếu không...”.
Ba đứa con của ông Địu còn sống, may sao chỉ có cô con gái đầu Đỗ Thị Bình là tương đối lành lặn. Còn lại Đỗ Thị Hằng và Đỗ Thị Nga, hai mắt đều bị mờ, nghễnh ngãng chỉ biết khóc và cười. Hiện nay cháu Hằng được gia đình gửi ra Làng Hữu nghị (Hà Nội) để nuôi dưỡng. Kể chuyện về 3 đứa con còn lại, ông Địu nói mà khuôn mặt ngập tràn nước mắt: "Cháu Hằng sinh ra rất khỏe mạnh, xinh xắn lắm. Từ năm lớp 1 đến lớp 5, cháu đều đạt học sinh giỏi, giấy khen dán kín tường. Thế nhưng, khi cháu học lớp 6, cháu bỗng nhiên lăn đùng ra lớp và lên cơn co giật và thế là...". Thương con, ông đưa Hằng ra các bệnh viện lớn ở Hà Nội để chữa trị, song chẳng ăn thua gì. Đầu Hằng mỗi ngày lại sưng to hơn, tay chân thì teo tóp lại. Hằng là vậy, còn cháu Nga cũng chẳng khá gì. Dẫu biết khó lòng chữa khỏi bệnh cho các con, nhưng ông bà Địu cũng không thể không lần hồi vay mượn để đưa các con vào bệnh viện chữa trị. Với riêng cháu Hằng, ông Địu đã vay mượn tiền của đồng đội, anh em, làng xóm, thậm chí cả của ngân hàng để tiến hành phẫu thuật tới 4 lần, nhưng bác sĩ đều thông báo là không thành công. Cứ mỗi năm vài lần, ông bà Địu lại phải chắt chiu tiền bạc đưa con ra Hà Nội điều trị. "Nếu không đưa con đi thì nó chết, mà đưa con vào viện thì bệnh viện lại trả về. Nhưng con còn sống ngày nào thì tui phải đưa đi ngày đó"-ông Địu nói với tôi.
Bóng đêm tràn ngập bãi cát trắng mênh mông, ông Địu vẫn ngồi đó với các con của mình giữa khung cảnh khói hương nghi ngút. Trời đêm ngả màu. Gió biển thốc ào ào, cát bay ràn rạt...
Bài và ảnh: TUẤN MINH