QĐND - Chương trình kết hợp quân-dân y (KHQDY) những năm qua đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho bộ đội và nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Để chương trình tiếp tục phát huy hiệu quả cần có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các địa phương và toàn xã hội.
 |
Các thầy thuốc Bệnh viện Quân y 110 (Cục Hậu cần Quân khu 1) khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân xã Cần Nông (Thông Nông, Cao Bằng). Ảnh: Duy Hồng |
Củng cố hệ thống y tế cơ sở
Vụ việc xảy ra đã hơn một năm nhưng khi nói chuyện với chúng tôi, ông Vàng Tá Cha, Trưởng bản Đông Tà Lào, xã Tân Xuân (Mộc Châu, Sơn La) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại vụ ngộ độc bánh ngô ngày 15-3-2014, khiến 38 người dân trong bản nguy kịch, trong đó có 2 người tử vong. Ông Vàng Tá Cha kể: “Hôm đó là đám cưới con trai tôi, cả bản đến chúc mừng, uống rượu và ăn bánh ngô. Ăn chưa xong bữa thì có rất nhiều người bị choáng váng rồi mê man, bất tỉnh. Trong lúc chúng tôi còn chưa biết làm gì thì các bác sĩ, y sĩ của Trạm Y tế quân-dân y xã Tân Xuân đã có mặt để cấp cứu, giải độc tại chỗ cho những người bị ngộ độc… Hôm đó, nếu các y sĩ, bác sĩ của trạm không có mặt kịp thời thì chắc số người thiệt mạng sẽ còn lớn hơn nhiều”.
Tân Xuân là xã biên giới, thuộc vùng sâu, vùng xa nhất của huyện Mộc Châu, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, giao thông bị chia cắt bởi địa hình hiểm trở. Xe ô tô mới chỉ có thể vào tới trung tâm xã trong những tháng mùa khô. Để bà con nhân dân xã Tân Xuân được hưởng các quyền lợi về chăm sóc sức khỏe, năm 2009, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La đã tổ chức quyên góp và vận động các doanh nghiệp trong tỉnh ủng hộ xây dựng Trạm Y tế quân-dân y với số tiền hơn 200 triệu đồng. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Trạm Y tế quân-dân y xã Tân Xuân đã hoạt động khá hiệu quả, cấp cứu được hơn 300 lượt bệnh nhân và khám, chăm sóc sức khỏe định kỳ cho hơn 1.500 lượt người.
Còn với ông Nguyễn Khắc Bản, ngư dân ở xã Hải Hòa (Hải Hậu, Nam Định) thì các bác sĩ, y sĩ ở Bệnh viện quân-dân y trên đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) đã thực sự trở thành ân nhân cứu mạng. Ông Bản kể với chúng tôi: "Tháng 12-2014, tôi cùng 12 ngư dân đang hành nghề câu mực, cách đảo Bạch Long Vỹ khoảng 5 hải lý thì bị cơn giông bất ngờ ập đến đánh chìm tàu. May sao chúng tôi được các tàu khác cứu vớt đưa vào đảo trong tình trạng sức khỏe nguy kịch. Tôi và các ngư dân bị nạn đã được các bác sĩ, y sĩ quân-dân y trên đảo cấp cứu kịp thời. Tôi cùng hai ngư dân khác phải mổ cấp cứu ngay trong đêm, nên mới không nguy hiểm tới tính mạng"…
 |
Bác sĩ của Trạm Y tế quân-dân y xã Việt Hải (Cát Hải, Hải Phòng) khám bệnh cho người dân trên đảo. Ảnh: Trung Kiên |
Đánh giá về hiệu quả của Chương trình KHQDY, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết: Tại thời điểm bắt đầu thực hiện Chương trình KHQDY, mạng lưới y tế ở cơ sở của nước ta còn rất nhiều khó khăn. Cán bộ y tế thiếu, cơ sở hạ tầng thấp kém, lạc hậu, xuống cấp và đang có tới gần một nghìn xã không có trạm y tế. Chương trình KHQDY đã hướng vào củng cố tuyến y tế cơ sở. Đến nay, chương trình đã trực tiếp tham gia củng cố toàn diện được 723 trạm y tế; củng cố từng mặt công tác được gần 2.000 trạm y tế, trong đó có 1.562 trạm y tế xã thuộc vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Với kết quả trên, chương trình đã thực sự đem lại hiệu quả to lớn trong việc củng cố tuyến y tế cơ sở và tham gia chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bộ đội và nhân dân, nhất là ở khu vực còn nhiều khó khăn.
Đẩy mạnh sự phối hợp
Vừa qua, tại hội nghị tổng kết công tác KHQDY các tỉnh vùng Tây Bắc do Ban chỉ đạo Tây Bắc tổ chức, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc đánh giá: Những năm qua, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Chương trình KHQDY cũng còn bộc lộ những hạn chế nhất định trong triển khai thực hiện, không chỉ riêng tại vùng Tây Bắc, mà trong cả nước. Cụ thể là việc chưa phát huy được đầy đủ sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội. Hoạt động của chương trình KHQDY chưa đồng đều, nơi tích cực triển khai, nhưng cũng có nơi chưa tạo được sự phối hợp chặt chẽ quân-dân y. Việc khám, chữa bệnh của các phòng khám quân-dân y chưa thực sự có tính bền vững, một số nơi người dân chưa được khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế. Hoạt động của ban quân-dân y ở một số địa phương chưa thực sự đi vào nền nếp, công tác kiểm tra, hướng dẫn đối với ban quân-dân y cấp tỉnh còn ít. Cơ chế phối hợp còn lỏng lẻo, chưa gắn kết; một số địa phương chưa xây dựng được quy chế phối hợp giữa các lực lượng quân y, dân y nên dẫn đến kết quả hoạt động còn hạn chế.
Để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm điều kiện y tế cho quốc phòng-an ninh trong giai đoạn tới, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, ngành chức năng và các địa phương để triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các giải pháp kết hợp quân-dân y, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân và xây dựng các tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc.
Thiếu tướng Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Cục Quân y (Bộ Quốc phòng), Phó trưởng ban Quân-dân y cấp Bộ cũng nêu kiến nghị: "Trong giai đoạn 2015-2020, các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thống nhất cao về nhận thức trong toàn quân, toàn dân. Cấp ủy, chính quyền các địa phương và các đơn vị quân đội cần tiếp tục chủ động phối hợp hành động để việc KHQDY ngày càng hiệu quả. Về lâu dài, cần nghiên cứu phương thức “xã hội hóa” việc KHQDY trên cơ sở lấy lực lượng quân-dân y làm nòng cốt, nhất là lực lượng quân y...".
Để công tác KHQDY đạt hiệu quả bền vững, các địa phương, đơn vị cần đầu tư nghiên cứu nhằm đa dạng hóa các hình thức KHQDY, trong đó sử dụng lực lượng tại chỗ là chính, kết hợp có hiệu quả với lực lượng tăng cường từ nơi khác đến. Phát huy tốt vai trò tại chỗ của lực lượng quân y ở các đồn biên phòng, các đơn vị đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, trong việc củng cố y tế cơ sở, tham gia khám, chữa bệnh cho nhân dân, tuyên truyền, giáo dục ý thức vệ sinh phòng bệnh và triển khai các chương trình y tế quốc gia…
Hệ thống cơ sở quân y, dân y phía sau cần tổ chức các "chiến dịch" khám, chữa bệnh, hoặc tham gia giải quyết các hậu quả về y tế trong các tình huống khẩn cấp, như các Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 103, 175, Bệnh viện Mắt Trung ương và các bệnh viện, viện nghiên cứu khác trong quân đội đã làm thời gian qua. Các phương án KHQDY nhằm giải quyết, khắc phục các hậu quả về y tế đối với những tình huống khẩn cấp có tính thảm họa như cháy nổ lớn, động đất, nhiễm độc… cũng cần được xây dựng và hoàn thiện ngay tại các cơ sở, nhất là về công tác tổ chức, điều hành, xây dựng lực lượng ứng cứu, bảo đảm phương tiện, vật tư y tế. Giải quyết tốt những vấn đề trên sẽ bảo đảm cho công tác KHQDY dần hoàn thiện cả ở tầm vĩ mô và vi mô.
MAI CHU ANH