QĐND - Làng rộng chừng 8.000m2, gọi theo tên mới là tổ 12, phường Việt Hưng (quận Long Biên, TP Hà Nội). Thế nhưng gọi theo tên mới thì ít người biết đến, họ chỉ quen gọi với cái tên thân thuộc: Làng "bộ đội khảo sát", bởi nơi đây từng là một cơ sở của Viện Khảo sát-Thiết kế, Bộ Quốc phòng, sau khi sắp xếp lại tổ chức biên chế, cán bộ, nhân viên ở đây chuyển đến nơi làm việc mới, diện tích đất được chuyển mục đích sử dụng. Hiện làng có hơn 160 hộ, gần 600 nhân khẩu… Con phố Ô Cách dài 500m được dùng làm phân giới ở giữa; nửa ngoài giáp đường Ngô Gia Tự, thuộc phường Đức Giang; làng "bộ đội khảo sát" ở phía trong, thuộc phường Việt Hưng. Thế mới có câu vè: Khảo sát-một phố, hai phường/ Ai yêu thì đến, ai thương thì vào.
Hồi làng sơ khai (đầu những năm 90 của thế kỷ trước), một số quân nhân có vợ, con ở quê không nghề nghiệp liền tính chuyện hợp lý hóa, vừa để tập trung kinh tế, lại cũng tiện nhiều mặt… Thế rồi “ở đâu âu đấy”, chồng công tác cơ quan, vợ làm mọi việc, từ chăn nuôi, làm giá đỗ, khâu vá, trông trẻ thuê… để có tiền sinh sống. Truyền thống khắc phục khó khăn và đoàn kết, giúp đỡ nhau được nhà nhà quan tâm, tạo nên một cộng đồng văn hóa hôm nay. Làng thành lập được gần hai chục năm, giờ có đủ cả cựu chiến binh, bộ đội tại ngũ và tân binh. Làng nơi đây: "Đám cưới vui cả làng; đám tang sầu cả phố". Đặc biệt, làng rất tích cực thực hiện quân-dân đoàn kết xây dựng cơ sở chính trị địa phương. Dễ thấy nhất là trong các lễ hội lịch sử truyền thống, đối tượng tham gia hội rất đa dạng: Nam, phụ, lão, ấu; công, nông, binh, trí, buôn bán, dịch vụ... Việc tổ chức hội sao cho được việc, được người, lại vui vẻ, thật không đơn giản. Vì vậy, các bậc nguyên lão thường tư vấn cho làng một Ban tổ chức hội, mà nhiều thành viên là cư dân làng "bộ đội khảo sát".
 |
Các cựu chiến binh làng "bộ đội khảo sát" tích cực tham gia phong trào thể thao tại địa phương.
|
Ông Âu Xuân Kiên, Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh phường Việt Hưng (quận Long Biên), cho biết: “Hơn 50% số người trong Ban tổ chức lễ hội truyền thống đình Trường Lâm là người ở làng "bộ đội khảo sát"; đảm nhận tất cả các mảng công việc trong hội. Tác phong nhà binh một thời ăn sâu, bén rễ cùng ý thức trách nhiệm, sự hiểu biết và truyền thống Bộ đội Cụ Hồ... tạo được niềm tin từ quần chúng. Ví như ông Hà Văn Ngó (thương binh hạng 4/4) phụ trách phần lễ ở Hội Trường Lâm-người đã học và nhớ làu làu 108 chủ đề của 108 thẻ văn tế. Lúc nào tế nội dung gì là hành lễ diễn ra “khớp như vi tính”. CCB, Thượng tá Đỗ Trọng Cư được "trời cho" chút năng khiếu văn nghệ, liền đưa ra làm "tài sản chung". Ông hát khởi động các hội hè, các buổi họp của tổ, nhờ đó, phong trào văn nghệ-thể thao của làng phát triển, thường xuyên sôi nổi.
CCB, Đại tá Nguyễn Văn Lộc, Tổ trưởng tổ dân phố 12, khi trao đổi ý kiến về sự thành công trong hoạt động công tác dân vận của làng "bộ đội khảo sát", đã nhận xét: “Danh có chính thì ngôn mới thuận. Tư cách mình phải đúng mực thì tham gia việc làng mới thành công. Đó là một trong những đặc điểm và phương châm hành động của cư dân làng "bộ đội khảo sát”…
Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG