QĐND - Suốt 35 năm đằng đẵng, nơi miền quê Duy Tiên (Hà Nam) được bao bọc bởi dòng Châu Giang hiền hòa, xanh mát, có một cựu chiến binh (CCB) với dáng lưng gù vẫn lặng lẽ, cẩn trọng chăm sóc, hương khói cho những đồng đội đã anh dũng hy sinh.

Khôn nguôi kỷ niệm

Cái nắng trong vắt đổ xuống dòng Châu Giang, in luôn cả dáng lưng gù quen thuộc của CCB Nguyễn Quang Vinh trên đường từ nhà ra Nghĩa trang liệt sĩ xã Châu Giang. Đó là hình ảnh quen thuộc mà người dân miền quê nghèo thôn Trung Thượng lưu giữ về ông suốt bao năm qua.

Tựa lưng bên gốc nhãn, đưa tay lau những giọt mồ hôi lăn dài trên má, ông Vinh giải thích: “Tôi được sống như thế này là may mắn hơn những đồng đội đang nằm ở kia. Đã từng đi qua chiến tranh, đã tận mắt chứng kiến đồng đội ngã xuống, nên tôi thấu hiểu giá trị của hòa bình. Giờ đây, được trở về quê hương, tôi tâm niệm sẽ sớm chiều chăm sóc, hương khói cho đồng đội”.

CCB Nguyễn Quang Vinh sinh năm 1949, nhập ngũ năm 1966, vào đơn vị C3, K10 (Binh chủng Đặc công). Trong thâm tâm ông, những đồng đội đang yên nghỉ ở Nghĩa trang liệt sĩ xã nhà vẫn còn thoảng hồn ở quê hương, nơi trước đây ông cùng họ từng một thời gắn kết biết bao kỷ niệm khó quên; cùng lớn lên, xung phong lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc, để rồi trong số những người ra đi, chỉ có ông trở về. Ông kể, có lần 3 anh em trong cùng đơn vị thừa lệnh cấp trên thực hiện nhiệm vụ đánh chặn giặc tràn vào làng, trong vòng vây địch quá đông, ông Vinh bị trúng bom, toàn thân tê dại, không thể di chuyển được. Thấy vậy, ông Lưu Trọng Nam cùng đơn vị đã lấy người che lên thân thể bạn để bắn địch và anh dũng hy sinh ngay sau đó.

Ông Vinh gạt nước mắt rồi nhớ lại: “Trong một trận đánh vào năm 1968, mũi tiến công của đơn vị đã anh dũng chiến đấu và hy sinh gần hết, còn tôi bị thương rất nặng. Sau ánh lửa lóe lên, người đồng đội đã nằm đè lên che chắn cho tôi. Vì đau quá nên tôi thiếp đi, khi tỉnh dậy thì đã thấy mình nằm ở khu vực quân y. Lúc đó, đầu óc mới bắt đầu hoảng loạn; cứ hình dung bạn hiện về, nằm trên giường bệnh mà nước mắt mặn đắng ứa trào”.

Ông Vinh thường xuyên hương khói cho đồng đội.

Vẹn nghĩa với đồng đội

Đất nước thống nhất, ông trở về quê hương, là thương binh nặng (mất 81% sức khỏe), với thương tích lưng bị gù, đôi chân tập tễnh, cà nhắc. Nhờ chăm chỉ luyện tập, cùng với khuôn mặt phúc hậu và tính cách nhanh nhẹn nên cô gái Hoàng Thị Tách đã cảm phục và đem lòng yêu mến. Mặc dù bị gia đình kiên quyết ngăn cản, nhưng Hoàng Thị Tách vẫn một lòng, quyết tâm sánh duyên cùng “người lính gù” với tâm nguyện sẽ làm “đôi nạng” nâng đỡ khoảng đời còn lại của ông.

May mắn, sức khỏe ông Vinh ngày một tiến triển, ông bà tăng gia sản xuất, kinh doanh buôn bán, chăn nuôi. Thời gian trôi đi, ông bà có với nhau mấy mặt con, xây dựng được nhà cửa khang trang. Ngoài công việc thường nhật của người cha, người chồng, ngày nào ông Vinh cũng dành thời gian đến nghĩa trang liệt sĩ địa phương hương khói cho đồng đội.

Bà Tách nhớ lại: “Ban đầu các con tôi không đồng ý cho ông ấy làm công việc đó, bởi đi lại vất vả, trong khi sức khỏe chồng tôi lại rất yếu, nhỡ có chuyện gì... Thế nhưng, ông chỉ trả lời các con bằng ánh mắt thẳm sâu, ngân ngấn lệ…”.

Ông còn tự bỏ tiền mình dành dụm, tiết kiệm được để mua hương, hoa vào các ngày mồng một và ngày rằm hằng tháng để tưởng nhớ đồng đội. Ông chăm chút từng ngôi mộ trong số 59 ngôi ở nghĩa trang; chăm sóc từng bụi cây, nhành hoa... Nhờ công sức của ông mà khuôn viên nghĩa trang xã đẹp như công viên. Có lẽ bởi thế mà khi nhắc đến “ông Vinh gù”, bà con ai cũng quý mến, cảm phục nghị lực của người thương binh già. Bà Nguyễn Thị Canh, người dân làng Trung Thượng cho hay: “Ông ấy chịu khó lắm, lại có tình nghĩa với bà con lối xóm, có tâm với đồng đội đã khuất. Mong sao ông luôn có sức khỏe để chăm sóc khu nghĩa trang luôn sạch, đẹp, để chiều chiều chúng tôi lại đưa con cháu ra hóng mát và thăm viếng những người con quê hương đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc”. Ông Nguyễn Văn Nhân, Phó chủ tịch UBND xã Châu Giang nhận xét: "Ông Vinh là một tấm gương điển hình về “thương binh tàn nhưng không phế” để mọi người noi theo”.

Chính quyền địa phương và người dân dành cho ông những lời trân trọng là vậy, nhưng ông lại có suy nghĩ hết sức giản đơn: “Tôi ra thăm đồng đội là để cho đỡ nhớ thôi mà. Đó là "khoảng riêng" của những người đã từng chiến đấu bên nhau; là niềm hạnh phúc của tôi và đồng đội một thời!".

Bài và ảnh: NGUYỄN THANH NGA