QĐND - Có đến quần đảo Trường Sa và các đảo, các nhà giàn trên thềm lục địa của Tổ quốc mới hiểu được giá trị của sóng viễn thông đối với những nơi đầu sóng, ngọn gió, xa xôi, cách trở về địa lý ấy. Sóng viễn thông như kéo các đảo xa gần với đất liền hơn, không còn cảm giác lẻ loi, đơn độc giữa biển cả mênh mông nữa.

Còn nhớ năm 2007, trên chuyến tàu lênh đênh ra Trường Sa, tôi đã gặp Đại tá Tống Thành Đại, Phó tổng giám đốc Viettel, đang đi kiểm tra chất lượng của 5 trạm phát sóng điện thoại di động (BTS) đầu tiên ở quần đảo. Ông cho biết, 5 trạm này do Viettel chủ động đề xuất, xin phép Chính phủ, Bộ Quốc phòng cho lắp đặt, sẽ là tiền đề cho chiến lược phủ sóng viễn thông toàn bộ quần đảo Trường Sa và lớn hơn là cả vùng biển, đảo Việt Nam.

Trạm BTS được lắp đặt trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh: Nguyễn Văn Minh.

 

Giờ đây, với 283 trạm phát sóng BTS biển đảo, trong đó có 9 trạm nhà giàn và 17 trạm Trường Sa, Viettel đã hiện thực hóa ước muốn phủ sóng viễn thông vùng biển, đảo của Việt Nam. Chuẩn Đô đốc Đinh Gia Thật, Chính ủy Quân chủng Hải quân cho biết, nói về viễn thông biển, đảo, những người lính hải quân chỉ đơn giản gọi là “sóng Viettel”. Trước kia, thông tin liên lạc tại các điểm đảo chỉ là các máy thông tin quân sự sóng ngắn. Chỉ một vài đảo lớn mới được trang bị máy điện thoại VSAT, và hầu hết cũng chỉ sử dụng vào mục đích thông tin quân sự. Điện thoại về nhà 2 phút là phần thưởng quý nhất đối với cán bộ chiến sĩ có thành tích thi đua cao nhất trong tháng. Còn lại, sợi dây liên hệ với hậu phương của những người lính bám đảo đều phụ thuộc vào những lá thư theo tàu ra đảo mỗi năm vài lần. Còn thông tin thời sự xã hội mà người lính nắm được phụ thuộc vào sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, vốn chất lượng sóng cũng kém, nhất là vào mùa mưa bão, biển động. Xét về mặt thông tin, lúc đó đảo thật là xa với đất liền.

Nói thế để hiểu rõ ý nghĩa to lớn, sâu sắc mà “sóng Viettel” đã mang lại cho người lính hải quân nói riêng và những người sống, làm việc trên các vùng biển, đảo nói chung. Thông tin đã nối liền hậu phương với người chiến sĩ. Những vạch sóng Viettel mang tới nguồn động viên, điểm tựa tinh thần to lớn, góp phần rất quan trọng giúp tư tưởng của mỗi cán bộ, chiến sĩ thêm ổn định và vững vàng.  Còn gì khiến cho họ yên tâm công tác hơn khi dù ở nơi đảo xa mà hậu phương, gia đình như luôn ở bên, bởi bất kỳ lúc nào chồng cũng được nghe giọng vợ, bố được nghe tiếng con.

Không chỉ có điện thoại, sóng Viettel còn mang đến cho những người lính đảo khả năng tiếp cận thông tin qua Internet. Đó là những thông tin cập nhật về tình hình kinh tế- xã hội của đất nước cũng như tình hình thời sự quốc tế. Điều này giúp người lính sau thời gian công tác dài ngày trên đảo không bị lạc hậu về thông tin với cuộc sống đất liền. Được biết, nhờ có internet, sắp tới, Quân chủng Hải quân sẽ tổ chức tại các đảo “Vườn tri thức” để chiến sĩ có điều kiện học tập nâng cao kiến thức ngay thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, chuẩn bị cho tương lai sau này.

Viễn thông biển, đảo đã thay đổi và hỗ trợ rất đắc lực trong công tác quản lý hành chính của huyện đảo Trường Sa, cũng như công tác điều hành chỉ huy trong các đơn vị quân đội đóng quân trên đảo. Ngoại trừ các tình huống bắt buộc phải sử dụng hệ thống thông tin quân sự dùng riêng, sử dụng điện thoại di động để thông tin, nắm tình hình hay điều hành chỉ huy giữa đất liền với đảo, giữa đảo lớn với đảo nhỏ… đã mang lại hiệu quả nhanh chóng, chính xác và kịp thời.

Sóng Viettel còn vô cùng hữu hiệu trong các trường hợp cấp cứu cho quân và dân trên đảo. Từ ngày có sóng di động ở khu vực quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, không biết bao nhiêu ca mổ đã được các cán bộ quân y thực hiện hội chẩn qua điện thoại. Bác sĩ có tay nghề cao hơn đóng ở đảo lớn điện thoại hướng dẫn cho đồng nghiệp ở đảo nhỏ cấp cứu những ca ngoài trình độ chuyên môn. Những ca khó hơn thì chuyển về đảo lớn, và từ đây, điện thoại sẽ được kết nối trực tiếp với các bác sĩ của Bệnh viện Quân y 175 tại TP Hồ Chí Minh để hội chẩn và hướng dẫn xử lý.

 Cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã gần với gia đình hơn nhờ sóng điện thoại Viettel (ảnh chụp vào tháng 4-2009).  Ảnh: Nguyễn Văn Minh.

 

Có điện thoại, mối liên hệ giữa ngư dân với bờ, ngư dân với ngư dân, ngư dân với bộ đội trở nên chặt chẽ hơn, tạo ra một vòng kết nối thông tin nhanh chóng, hiệu quả. Không thể kể hết có bao nhiêu trường hợp bộ đội trên đảo kịp thời hành động hỗ trợ ngư dân trong những tình huống hiểm nguy trên biển, nhờ sóng điện thoại di động. Từ tai nạn thân thể, bệnh tật đến sự cố máy móc tàu bè… đều được ngư dân nhanh chóng thông tin cho bộ đội trên các đảo. Trong bốn bề sóng nước, người dân hẳn cũng yên tâm hơn rất nhiều khi chỉ cần bấm máy là nghe được tiếng bộ đội, tiếng của chỉ huy đảo. Cũng nhờ sóng điện thoại mà các tổ, đội tàu đánh cá có thể thường xuyên thông báo với nhau về tình hình ngư trường, làm tăng hiệu quả cho từng lần thả lưới cho nhau. Đặc biệt, sóng di động là một kênh thông tin báo bão kịp thời cho ngư dân có phương án phòng tránh, bảo vệ tính mạng và tài sản của mình. Có thể khẳng định, sóng di động Viettel là một cơ sở hạ tầng xã hội quan trọng để ngư dân tự tin bám ngư trường thuộc khu vực quần đảo Trường Sa.

Không chỉ ngư dân, từ ngày có sóng điện thoại, những người dân trên các đảo lớn tại đây cũng thấy rằng, bên cạnh mình không chỉ có những chiến sĩ hải quân, mà còn anh em, họ mạc và đất liền. Có viễn thông thì sống ở đảo cũng bình đẳng về thông tin như ở đất liền. Điều này làm cho người dân thêm quyết tâm bám đảo như một nơi sinh sống thực thụ lâu dài của mình.

Sóng viễn thông vùng biển, đảo của Viettel đã góp phần quan trọng để đất nước thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế- xã hội biển, đảo, gắn liền với đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

QUANG HƯNG