QĐND Online - Sáng 3-8, Trung đoàn 141, Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1) tổ chức giao lưu với chủ đề “Hậu phương chiến sĩ”. Thiếu tướng Mai Văn Lý, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân đoàn 1 đến dự và chỉ đạo. Tham dự buổi giao lưu có đại diện gia đình 10 chiến sĩ tiêu biểu, đại biểu cấp ủy chính quyền địa phương có con em đóng quân tại trung đoàn cùng hơn 300 cán bộ, chiến sĩ đại diện cho hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ đơn vị.
Xây dựng động cơ đúng cho chiến sĩ trẻ
Trung đoàn 141 được thành lập ngày 11-12 -1950 theo Quyết định 64/QĐ-QP, có bề dày thành tích trong hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược cũng như trong huấn luyện, SSCĐ và xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Trải qua 63 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành trung đoàn đã được Đảng, Nhà nước và Quân đội tặng nhiều phần thưởng cao quí, trong đó: Trung đoàn 141, Tiểu đoàn BB1, Đại đội BB6 và 4 đồng chí được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiều cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn đã trưởng thành, là cán bộ cao cấp trong và ngoài Quân đội
Thiếu tướng Mai Văn Lý, Chính ủy Quân đoàn 1 khẳng định: Những thành tích của Trung đoàn 141 là sự kế thừa truyền thống yêu nước ngàn đời của dân tộc ta; là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chỉ huy các cấp; tinh thần anh dũng, không ngại hy sinh gian khổ của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ trung đoàn và một điều vô cùng quan trọng góp phần tạo lên sức mạnh, xây đắp lên truyền thống đơn vị, đó chính là “Hậu phương chiến sĩ”.
 |
Khách mời tại buổi giao lưu |
“Hậu phương chiến si” - nơi sinh ra những người con ưu tú, nơi gìn giữ và nuôi dưỡng truyền thống yêu nước hào hùng hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam; là nơi tiễn những người con lên đường nhập ngũ làm nhiệm vụ giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Những người con ấy, dù xuất thân có hoàn cảnh, ước mơ hoài bão khác nhau, xong tất cả đều có một mong muốn chung là đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.
“Tôn vinh và phát huy vai trò trách nhiệm của “Hậu phương chiến sĩ”; giáo dục, xây dựng động cơ đúng đắn cho tuổi trẻ, an tâm công tác, ra sức phấn đấu, xây dựng đơn vị, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên mọi cương vị được giao, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, đồng thời cũng là dịp tuyên dương những những tấm gương điển hình tiên tiến trong đơn vị… Đó chính là mục đích của buổi giao lưu với chủ đề “ Hậu phương người chiến sĩ”, Thiếu tướng Mai Văn Lý khẳng định.
 |
Một tiết mục văn nghệ tại buổi giao lưu |
Bà Nguyễn Thị Then, ở xã Kim Hải, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình phấn khởi khi biết con trai mình là Binh nhất Nguyễn Văn Nhất nằm trong số 10 chiến sĩ tiêu biểu được trung đoàn tuyên dương trong buổi giao lưu đầy ý nghĩa. Được mời lên thăm đơn vị và dự buổi giao lưu, bà Then rất ngỡ ngàng trước sự chính qui, cảnh quan xanh sạch đẹp của đơn vị; gặp cậu con trai tuy có đen hơn và đôi chút vì nắng gió thao trường, nhưng tỏ ra rắn rỏi và tiến bộ nhiều, biết quan tâm đến mọi người, người mẹ đến từ vùng đất Kim Sơn, Ninh Bình rất mừng và động viên con yên tâm rèn luyện phấn đấu, ở quê nhà mọi người vẫn khỏe và dõi theo từng bước trưởng thành của con và đồng đội
Vượt khó, vươn lên trong huấn luyện và công tác
Mở đầu buổi giao lưu, câu chuyện của Binh nhì Nguyễn Văn Kiên, sinh năm 1994 quê xã Ninh Hồi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, khiến cả hội trường xúc động: Mồ côi mẹ từ khi 3 tuổi, bố bị tai biến mạch máu não liệt tay, đi lại khó khăn, tuổi thơ của cậu bé Nguyễn Văn Kiên thường gắn liền với cảnh bữa đói, bữa no… Sau một vụ tai nạn lao động, người anh trai Nguyễn Văn Chung bị ảnh hưởng não, trí nhớ kém. 6 sào ruộng được cho thuê để chạy chữa chỉ như muối bỏ bể, cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng cơ cực hơn.
 |
Thiếu tướng Mai Văn Lý, tặng quà đại diện các gia đình quân nhân tiêu biểu |
Thấy bố vất vả, Kiên quyết định gác lại chuyện học hành và bắt đầu cuộc sống làm thuê, kiếm tiền giúp bố, nuôi anh. Gần 2 năm, nay đây mai đó, hết phụ hồ lại làm đá, nhiều lúc cảm thấy chán nản và mệt mỏi. Và Kiên đã nghiệm ra rằng, mình cần cứng cỏi, mạnh mẽ hơn mới có thể là chỗ dựa nuôi anh và chăm sóc bố… Được sự động viên của chính quyền địa phương và bà con hàng xóm, đặc biệt là sự trợ giúp về kinh tế của người chú ruột, chàng trai quê vùng Kim Sơn quyết định thực hiện ước mơ lên đường nhập ngũ và tin rằng sau gần 2 năm rèn luyện, sẽ cho mình thêm bản lĩnh trở thành trụ cột của gia đình.
Nhập ngũ về đơn vị Kiên luôn nỗ lực phấn đấu, thi đua rèn luyện cùng đồng đội, nhiệt tình sáng tạo trong công tác đoàn và phong trào thanh niên, gương mẫu thực hiện tốt phong trào tiết kiệm trong chi tiêu, không nợ nần hàng quán; có nhiều sáng kiến trong xây dựng cảnh quan môi trường đơn vị, được cán bộ các cấp tin tưởng và đồng đội yêu mến
Cùng hoàn cảnh, Trung sĩ Trần Văn Tuất, sinh năm 1994 quê ở huyện Mỹ Lộc tỉnh Nam Định, mất bố từ khi mới 7 tuổi, gia đình 5 anh chị em đều do một tay người mẹ - bà Trần Thị Thơ nuôi nấng. Các anh, chị đều lần lượt lập gia đình. Sau một vụ tai nạn lao động, vợ chồng người anh thứ 2 đã mất, để lại cháu nhỏ 7 tuổi. Thương mẹ đã vất vả gần hết cuộc đời, Tuất xin nghỉ học từ lớp 9, rồi đi phụ giúp thợ xây, thợ mộc… để thêm tiền giúp mẹ trang trải cuộc sống. Nhìn mẹ già, cháu nhỏ, rồi nhìn di ảnh của 2 anh chị, Tuất nghĩ mình cần phải trưởng thành hơn nữa để là chỗ dựa vững chãi cho cả nhà.
Nhập ngũ về Trung đoàn 141 từ tháng 2 - 2012 nhờ rèn luyện phấn đấu tốt, anh được cử đi học khóa tiểu đội trưởng bộ binh và được điều về công tác tại Đại đội 9, Tiểu đoàn 3. Trên cương vị tiểu đội trưởng Tuất luôn gương mẫu đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ, chấp hành nghiêm điều lệnh, điều lệ quân đội được anh em trong tiểu đội yêu mến, nể trọng, cuối năm 2012 vinh dự được trung đoàn tặng danh hiệu Chiến sĩ tiên tiến. Được hỏi về dự định sau này Tuất chia sẻ: Trước mắt luôn xác định phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ tìm học một nghề phù hợp để có điều kiện làm chỗ dựa cho gia đình
Cùng có mặt dự buổi giao lưu, Binh nhất Đặng Hữu Hải Anh chiến sĩ Đại đội 7 Tiểu đoàn 2 chia sẻ: Tiểu đoàn tôi có nhiều anh em từ nhiều miền quê khác nhau về tụ họp, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau và những khó khăn riêng nhưng nhờ sự giúp đỡ của địa phương, đồng đội nhất là sự cố gắng của bản thân đã vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đây cũng chính là thông điệp đối với chúng tôi: Hãy nhìn vào nghị lực của đồng đội soi lại chính mình để rèn luyện, phấn đấu trong học tập công tác, nhất là công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao
Dự buổi giao lưu, ông Phạm Văn Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình cũng rất tự hào về những người con của quê hương nhập ngũ về đơn vị đã có những bước trưởng thành sau những tháng ngày rèn luyện trong quân ngũ. Ông cho biết: Địa phương và Trung đoàn 141 luôn có sự phối hợp chặt chẽ để nắm thông tin về tình hình con em địa phương ở đơn vị. Về phần mình, các cấp đoàn thể tại địa phương cũng thường xuyên chăm lo và có những việc làm cụ thể giúp đỡ những gia đình hoàn cảnh khó khăn có con em nhập ngũ như: Giúp đỡ ngày công thu nhập mùa màng, ưu tiên xóa nhà tranh vách đất…Trực tiếp chứng kiến đời sống, sinh hoạt học tập của những người con quê hương, đồng chí Phó chủ tich UBND huyện Kim Sơn động viên các chiến sĩ trẻ: Xây dựng quân đội vừa là trách nhiệm là nghĩa vụ của người thanh niên, chính vì vậy cần luôn cố gắng rèn luyện, phát huy sức mạnh tập thể, xây dựng mối đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau phấn đấu xây dựng đơn vị, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Gia đình và người thân ở quê nhà luôn tin tưởng vào các đồng chí.
 |
Các tấm gương tiêu biểu thể hiện tinh thần vượt khó vươn lên, có thành tích xuất sắc trong học tập và công tác của Trung đoàn 141 |
Tại buổi giao lưu, Thay mặt Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn 1, Thiếu tướng Mai Văn Lý đã trao quà của Bộ Tư lệnh quân đoàn cho đại diện các gia đình quân nhân tiểu biểu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn 141 cũng biểu dương 10 tấm gương tiêu biểu thể hiện tinh thần vượt khó vươn lên, có thành tích xuất sắc trong học tập và công tác.
Bài, ảnh: NGÔ ĐUY ĐÔNG