Cả nhà làm nghề y
Đó là gia đình của Thượng tá Đồng Thị Huệ (Chủ nhiệm Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Quân y 13, Quân khu 5) và chồng là PGS, TS Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Văn Chương, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn.
Gia đình Trung úy QNCN Tô Thị Tuyết.
Nên duyên sau khi cùng tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội (năm 1989), anh thường xuyên biền biệt với những chuyến đi nghiên cứu và phòng, chống sốt rét ở vùng sâu, vùng xa, chị ở nhà vừa tảo tần lo cho con nhỏ, vừa làm tốt việc chuyên môn của một bác sĩ quân y ở Khoa Nội 2, nơi có lưu lượng bệnh nhân đông, nhiều người bệnh già yếu, mắc bệnh tim mạch nặng. Đồng lương có hạn, để cải thiện cuộc sống, tăng thêm thu nhập, anh chị tự tay xây chuồng nuôi lợn, nuôi gà. Khi cháu thứ hai vừa tròn 5 tuổi, vợ chồng anh chị gửi con về ông bà nội (ở Quy Nhơn) để có thời gian cùng đi học sau đại học (anh làm nghiên cứu sinh ở Hà Nội; chị học chuyên khoa 1 tại Đà Nẵng). “Một chốn ba quê” nên cả nhà luôn trân trọng những phút giây sum họp. Cảm phục nghị lực và quyết tâm của cha mẹ, các con của anh chị đều chăm ngoan, học giỏi. Cháu đầu tốt nghiệp loại giỏi Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, đang làm việc tại Công ty Dược và Trang thiết bị y tế Bình Định. Con thứ hai của anh chị hiện là sinh viên năm cuối Khoa Y, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Chị Huệ chia sẻ: “Cùng với tình cảm gia đình, tình đồng nghiệp cũng là chất keo để cả nhà thêm gắn bó. Theo nghề thầy thuốc, tuy có lúc phải quên đi những khoảnh khắc riêng tư, tạm gác những chuyến du lịch cuối tuần, những ngày nghỉ lễ, nhưng bù lại, thấy người bệnh hồi phục là món quà quý đối với các thành viên trong gia đình tôi”.
Điểm tựa để phấn đấu
Với Trung úy QNCN Tô Thị Tuyết, nhân viên văn thư Viện Kiểm sát Khu vực 51 (Cục Chính trị Quân khu 5), gia đình là điểm tựa tiếp cho chị sức mạnh. Phải lòng chàng sĩ quan Trần Phước Phương, vừa tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Quân sự, sau đám cưới, cô gái Hải Phòng duyên dáng theo chồng vào Đà Nẵng lập nghiệp. Khi con đầu lòng gần 3 tuổi, anh nhận nhiệm vụ đi công tác 6 tháng ở đất nước Ha-i-ti xa xôi, lúc trở về Việt Nam lại tiếp tục công tác xa nhà. Hiện anh mang quân hàm đại úy, là Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Viettel Thừa Thiên-Huế.
Nội ngoại đều ở xa, một nách hai con nhỏ, song chị Tuyết chẳng những hoàn thành chương trình đào tạo từ xa Khoa Luật kinh tế (Trường Đại học Mở Hà Nội) mà còn có nhiều đóng góp tích cực cho các hoạt động phong trào. Chị từng giành Huy chương vàng bắn súng K54 tại Hội thao quân sự-quốc phòng Quân khu 5 năm 2014 và góp phần vào giải ba đồng đội nữ bắn súng K54 cấp toàn quân năm 2016. Nhiều năm liền chị được bình bầu danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Chị tâm sự: “Người phụ nữ nào cũng muốn công tư vẹn toàn, tạo điều kiện cho chồng công tác tốt, chăm sóc và nuôi dạy các con nên người. Vì thế, những lúc khó khăn nhất, tôi luôn tự lên dây cót tinh thần cho mình. Thuận lợi lớn là tôi luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, sự tin tưởng, giúp đỡ của đồng đội, đặc biệt là sự cổ vũ từ gia đình. Mỗi khi có dịp về thăm nhà, chồng tôi luôn làm hết mọi việc trong gia đình. Hằng ngày, nhìn các con khôn lớn, mạnh khỏe, ngoan ngoãn, cả nhà thương yêu nhau, tôi như quên hết bao mệt nhọc, lo toan”.
Ấm áp bữa cơm gia đình
“Bữa cơm gia đình rất quan trọng, bởi nó chính là sợi dây gắn kết các thành viên. Cùng ăn cơm với cha mẹ, các con sẽ ý thức được thế nào là tổ ấm. Bữa ăn còn giúp cha mẹ uốn nắn, nuôi dưỡng nhân cách cho con”-đó là tâm niệm của Thượng úy QNCN Vũ Thị Nga, nhân viên nuôi quân Bộ CHQS tỉnh Phú Yên.
Làm nhiệm vụ bảo đảm cơm dẻo, canh ngọt cho bộ đội, chị Nga thường xuyên phải đi sớm về muộn nên thường ít được ăn cơm cùng gia đình. Vì thế khi có thời gian, chị đều vào bếp chế biến những món ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, hợp khẩu vị cho các thành viên trong gia đình. Chồng chị, Đại úy QNCN Đặng Trung Hiếu, nhân viên quản lý cùng đơn vị với vợ, luôn thấu hiểu và nhận về mình việc chăm lo hôm sớm cho các con. Năm 2016, gia đình anh chị đăng ký tham gia gameshow truyền hình của VTV8 “Ấm áp cơm nhà” và đã xuất sắc đoạt giải nhì. “Chìa khóa” hạnh phúc của gia đình chính là sự tôn trọng, yêu thương và thông cảm lẫn nhau; chăm chút cho nhau từng bữa ăn, giấc ngủ…
Bài và ảnh: NGỌC DIỆP