"Chúng tôi có một gia đình nhỏ. Vợ chồng tôi đều là giảng viên của Trường Sĩ quan Chính trị. Thường ngày đi làm, anh chở tôi trên chiếc xe máy, hết giờ lại cùng về. Bạn bè, đồng nghiệp vẫn nói vui: Hai người cứ như đôi sam ấy. Tôi cũng tự cảm nhận rất rõ điều này. Chúng tôi là đồng nghiệp nên có điều kiện hỗ trợ nhau. Cả hai xác định sẽ cố gắng phấn đấu trong công việc và xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc. Rồi anh được cử đi học tạo nguồn cao học khóa 1 tại trường. Đây là cơ hội để anh nâng cao trình độ chuyên môn, có thể coi là bước ngoặt cuộc đời.

Gia đình hạnh phúc của vợ chồng anh chị Nguyễn Ngọc Thành - Triệu Thu Thủy.  Ảnh do tác giả cung cấp

Những tưởng cuộc sống sẽ “xuôi chèo mát mái” thì bất ngờ dông bão ập đến. Anh bị đột quỵ não nặng do dị dạng mạch bẩm sinh. Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 kết luận: Đây là trường hợp rất nghiêm trọng, cần được phẫu thuật gấp, nhưng tỷ lệ thành công không cao! Nghe vậy, tôi vô cùng hoảng sợ, ngỡ như mọi thứ sụp đổ. Người thân trong gia đình ai nấy đều lo lắng và bối rối, thương cho vợ chồng tôi cùng bé trai chưa đầy 3 tuổi. Còn tôi chỉ biết lặng lẽ khóc, cảm thấy tuyệt vọng tận cùng.

Nhưng cũng chính lúc ấy, tôi nhận được sự động viên, chia sẻ cả về vật chất lẫn tinh thần từ Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường; của đồng chí, đồng đội nơi vợ chồng tôi công tác. Tôi vẫn nhớ như in cái khoảnh khắc cuối buổi chiều hôm ấy! Khi anh được chuyển lên phòng mổ, tôi đứng ngoài chờ đợi, trong lòng rối bời. Bỗng điện thoại của tôi đổ chuông. Đầu kia là Thiếu tướng, PGS, TS Phùng Văn Thiết, Phó hiệu trưởng nhà trường đang trực chỉ huy, giọng thầy ấm áp:

- Cháu ạ! Sông có khúc, người có lúc. Tôi tin cháu sẽ vượt qua được khó khăn, thử thách này. Cháu nhớ giữ gìn sức khỏe, phải vững vàng lên, hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp nhất. Bởi vì lúc này cháu đang là trụ cột gia đình. Có gì khó khăn vướng mắc, cần hỗ trợ, cháu cứ đề xuất, nhà trường sẽ tạo điều kiện hết sức. Hy vọng điều tốt đẹp sẽ đến với cháu và gia đình.

Nghẹn ngào, tôi đáp: Vâng ạ!

Nghe xong cuộc điện thoại ấy, tôi vô cùng cảm kích trước những lời động viên của vị tướng-người thầy, cứ ngỡ như đó là lời người cha đang dặn dò con gái. Gạt nước mắt, tôi tự nhủ mình phải ráng để không phụ tấm lòng của thầy, của đồng chí, đồng đội...

Kéo dài suốt 5 giờ đồng hồ, ca phẫu thuật thành công trong sự chờ đợi mòn mỏi của gia đình. Bác sĩ cho biết bệnh nhân cần phải theo dõi đặc biệt. Nhìn anh đầu băng kín, mắt nhắm nghiền vô thức, xung quanh bộn bề những máy móc, dây truyền dịch, lòng tôi thắt lại. Anh, người đàn ông hoạt bát, nhanh nhẹn... Vậy mà giờ đây…

Suốt tuần lễ, anh nằm hôn mê trong phòng hồi sức. Tôi rủ rỉ kể những câu chuyện về gia đình, về sự quan tâm của mọi người trong đơn vị dành cho anh, cho gia đình. Nhưng đáp lại chỉ là những nhịp đều đều của chiếc máy thở oxy. Tôi âm thầm hy vọng một phép màu nào đó sẽ đến. Và rồi cuối cùng, anh đã tỉnh lại…

Sau khi sức khỏe dần hồi phục, anh còn phải nhập viện thêm vài lần nữa, mỗi lần kéo dài hàng tháng trời để điều trị theo phác đồ. Các thầy thuốc ngạc nhiên nói rằng anh là trường hợp đặc biệt trong nhiều năm qua, bệnh nặng nhất nhưng tốc độ hồi phục lại tốt nhất. Những ngày tháng “ăn cơm viện”, chúng tôi vững tin hơn nhờ sự tạo điều kiện thuận lợi của lãnh đạo, chỉ huy nhà trường; sự quan tâm, sẻ chia của người thân hai bên gia đình; của đồng chí, đồng đội... Nhờ vậy mà anh cũng nỗ lực hơn.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, gần 6 năm kể từ ngày đó, anh đã quay trở lại giảng đường. Dẫu biết rằng phía trước còn nhiều thử thách nhưng anh vẫn không ngừng cố gắng tự hoàn thiện mình.

Giờ đây, gia đình bé nhỏ của chúng tôi có thêm một bé gái xinh xắn. Ngày lại ngày, anh vẫn chở tôi trên chiếc xe máy cũ, nhưng ắp đầy niềm vui mới.

Cảm ơn cuộc đời nhân hậu!

Chúng tôi yêu quý và trân trọng từng phút giây của cuộc sống này!"

TRIỆU THU THỦY