QĐND - Nhìn hai đứa con của Trung úy QNCN Nguyễn Khả Nghĩa, nhân viên Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cô Ba (BĐBP tỉnh Cao Bằng) khôi ngô, tuấn tú, không ai nghĩ các cháu đang mang trong mình căn bệnh nan y - bệnh máu khó đông. Thấy các cháu ngồi nhìn những đứa trẻ cùng lứa chạy nhảy, vui đùa với ánh mắt thèm muốn, lòng tôi thêm quặn thắt, bởi lỡ các cháu mải chơi, sơ suất để chảy máu thì lại phải tức tốc đi bệnh viện cấp cứu…
Ngọt ngào và đau khổ
13 năm trước, trên một chuyến xe lên Cao Bằng, cô sinh viên sư phạm Đào Thị Hường và anh bộ đội biên phòng Nguyễn Khả Nghĩa gặp nhau như duyên tiền định. Một lần gặp gỡ, thư đi, tin lại để rồi họ bén duyên hạnh phúc. Ra trường, Hường theo chồng lên Cao Bằng lập nghiệp trong niềm hạnh phúc thênh thang. Niềm vui và hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ càng như đong đầy, khi sinh cháu Nguyễn Khả Trọng Anh. Thế rồi cái tin mà bác sĩ thông báo: “Bé Trọng Anh mắc bệnh máu khó đông”, làm cả hai bàng hoàng. Hường quyết định chuyển công tác về quê (xã Nam Trung, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) nhờ cậy sự đỡ đần của bên ngoại để bé Trọng Anh được chăm sóc tốt hơn.
Sau bao băn khoăn, đắn đo, năm 2008 vợ chồng Nghĩa - Hường quyết định sinh bé thứ 2 - cháu Nhật Khánh. Rồi Nhật Khánh cũng mắc bệnh giống anh trai mình. Nhìn nụ cười hồn nhiên của hai con, vợ chồng Hường như chết lặng.
Căn bệnh máu khó đông bẩm sinh có tên khoa học Hemophilia mà hai cháu bé mắc phải đã khiến gia đình Trung úy QNCN Nguyễn Khả Nghĩa gần như khánh kiệt. Suốt 9 năm ròng rã, mỗi tháng trung bình 3 lần mẹ con chị Hường có mặt tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương để truyền máu. Mỗi lần điều trị kéo dài ba ngày, với chi phí vào khoảng 10 triệu đồng/lần/cháu. Trong khi đó, đồng lương của cô giáo dạy cấp hai và anh sĩ quan quân nhân chuyên nghiệp chỉ đủ lo toan, trang trải cho cuộc sống hằng ngày. Số tiền dành dụm, tiết kiệm được khi hai vợ chồng son trẻ, rồi tiền bán mảnh đất mà ông bà ngoại cho hai vợ chồng lúc mới cưới… để trang trải tiền thuốc men, mong níu giữ sức khỏe cho hai con, cũng đã cạn kiệt từ lâu. Nhiều lúc hai vợ chồng rơi vào tận cùng của thất vọng, định phó mặc buông xuôi, nhưng cứ nhìn vào ánh mắt ngây thơ của con trẻ, sự xót xa của gia đình hai bên nội ngoại, cả hai lại gượng đứng lên, bước tiếp. Mỗi lần về phép, gặp vợ và hai con, anh Nghĩa chỉ biết ôm chặt cả ba vào lòng như tiếp thêm sức mạnh và nghị lực để cùng nhau bước tiếp con đường gập ghềnh phía trước…
 |
Nhà hảo tâm tặng quà cháu Trọng Anh tại bệnh viện và động viên gia đình Trung úy QNCN Nguyễn Khả Nghĩa.
|
“Cháu cũng phải cố gắng chứ!”
Việc xoay xở của cô giáo Hường với hai đứa con bị bệnh máu khó đông vô cùng vất vả. Nhiều lúc chị rối bời như đứng giữa ngã ba đường, với những sự lựa chọn vô cùng khó khăn. Chị Hường kể:
- Thời điểm cụ nội Trọng Anh qua đời, bé Nhật Khánh mới được mấy tháng tuổi, bố của hai cháu công tác xa nhà, trong khi đó, Trọng Anh phải lên Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương để điều trị theo lịch. Thực sự lúc đó, lòng em rối như tơ vò; mấy đêm liền em không thể nào chợp mắt được. Thương con vô cùng, đang chưa biết phải làm sao thì...
Chị Hường giấu vội dòng nước mắt, giọng nghẹn lại: Em bất ngờ với đề xuất của cháu Trọng Anh:
- Mẹ cứ để con tự đi lên bệnh viện. Con nhớ bác xe ôm quen thường đưa mẹ con mình vào viện. Các bác sĩ trong viện điều trị cho con như bác sĩ Mai, bác sĩ Khánh, con đều nhớ hết...
- Trọng Anh đi một mình mà không thấy sợ à? Tôi quay sang hỏi cháu.
- Lúc đầu cháu cũng sợ lắm, nhưng cứ nghĩ đến bố Nghĩa công tác ở Đồn Biên phòng Cô Ba, mỗi lần về thăm mẹ con cháu phải đi quãng đường đèo dốc gấp mấy lần cháu đi từ đây lên viện, thì cháu lại không thấy sợ nữa.
Đưa đôi mắt nhìn con đầy thương yêu, chị Hường bảo: Suốt 8 năm, mỗi tháng trung bình 2 đến 3 lần mấy mẹ con dắt díu, bồng bế nhau lên viện để điều trị cho cháu, chưa kể những chuyến đi đột xuất do tai nạn ngoài ý muốn, nên quãng đường 160km từ nhà (xã Nam Trung, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) lên Hà Nội trở nên quá quen thuộc, vì vậy em cũng cứ liều…
Nói đến đây, giọng chị Hường như nghẹn lại. Dừng lại hồi lâu, chị mới kể tiếp:
- Em đưa Trọng Anh ra xe khách quen, xuống bến có bác xe ôm chờ sẵn và đưa cháu đến thẳng viện, rồi tự cháu một mình xoay xở mọi việc: Tìm bác sĩ vẫn điều trị cho cháu, tự lo ăn uống, tắm giặt… Mặc dù ở nhà đã dặn dò và gọi điện thoại nhờ cậy các bác trên đó, nhưng em vẫn thấy lo vì cháu mới 8 tuổi… Cuối năm ngoái cháu thay một lúc 3 chiếc răng, vậy là cả mấy mẹ con nằm trên viện đúng 26 ngày, sát Tết mới bồng bế nhau về ăn Tết.
Bỗng tiếng bé Nhật Khánh khóc ré lên vì đau ở phía ngoài cửa, khiến chị Hường hốt hoảng chạy nhào ra. Vừa nâng con dậy, vội kiểm tra xem con có bị xây xước chỗ nào không, giọng chị Hường xót xa:
- May không bị vết thương nào, chứ không hai mẹ con lại phải đưa nhau lên viện gấp chị ạ. Trẻ khác bị sứt chân tay thì không sao, chứ con em chỉ cần vết xước nhỏ là máu cứ thế rỉ mãi không cầm được. Bao nhiêu lần mẹ con phải bồng bế nhau đi cấp cứu rồi. Cứ một ngày trôi qua bình yên là cả nhà đã hạnh phúc lắm.
Trước khi ra về, chúng tôi đưa mắt nhìn một vòng khắp căn nhà trống trải. Chị Hường nhẹ nhàng vòng tay ôm hai cậu con trai vào lòng, khuôn mặt mếu máo, nhưng giọng nói lại rất rắn rỏi: “Mỗi khi ôm hai con vào lòng, được nghe giọng nói ấm áp của chồng gọi về động viên; nghe những âm thanh ríu ran của hai con chuyện trò cùng bố là em lại thấy mình hạnh phúc vô cùng. Mọi khó khăn chất chồng, lo lắng, sợ hãi… đều tan biến...”.
Bài và ảnh: KIM ANH