QĐND - Sau cuộc gặp mặt với thủ trưởng Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP), nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đã và đang tìm thấy niềm vui với thiên chức làm bố, làm mẹ. Con số 10% số cặp vợ chồng đang hưởng niềm vui bằng sự trợ giúp từ chủ trương của Bộ tư lệnh BĐBP đang tiếp sức cho những cặp vợ chồng khác.
Món quà bất ngờ
12 năm chữa trị khắp nơi, chị Nguyễn Thị Kim Lan, công tác tại BĐBP TP Đà Nẵng quá mệt mỏi, định buông xuôi mơ ước làm mẹ. Đúng lúc đó, chị được Bộ tư lệnh BĐBP mời ra Hà Nội gặp mặt. Những lời thăm hỏi, động viên ân cần của thủ trưởng Bộ tư lệnh, lời tư vấn của các chuyên gia y học trong lần gặp đó đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho chị tiếp tục hành trình kiếm tìm hạnh phúc. Và rồi, hạnh phúc đã mỉm cười với chị, khi một mầm sống đang lớn lên từng ngày trong bụng. Hiện tại, chị được đơn vị cho nghỉ phép để dưỡng thai. Anh Phạm Kim Khánh, chồng chị chia sẻ: “Niềm vui thật khó tả. Người thân, đồng nghiệp và hàng xóm biết tin đều bất ngờ, bởi ai cũng nghĩ vợ chồng tôi đã hết hy vọng. Đúng là sức mạnh tinh thần quyết định nhiều việc. Sau buổi gặp mặt ở thủ đô Hà Nội, vợ tôi quyết tâm hơn; tiếp tục đến Bệnh viện Trung ương Huế thụ tinh ống nghiệm. Thật may mắn, lần này vợ tôi đã đậu thai. Đó thực sự là món quà bất ngờ và tuyệt vời”.
Còn đối với Đại úy Đặng Ngọc Sơn (Đồn Biên phòng Na Hình, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Lạng Sơn), thời gian điều trị hiếm muộn là những ngày dài sống trong thấp thỏm, hy vọng bởi vợ chồng anh đã khám, xét nghiệm ở nhiều nơi, nhưng chưa phát hiện nguyên nhân hiếm muộn. “Gần 3000 ngày chữa trị là những ngày vợ chồng tôi mòn mỏi chờ đợi và hy vọng”-anh Sơn giãi bày. Chị Hà Thị Ưng, vợ anh, công tác tại một đơn vị cảnh sát cơ động ở vùng Đông Bắc. Do xa cách về địa lý và do tính chất công việc, nên vợ chồng anh mỗi tháng chỉ được gặp nhau ít ngày; việc điều trị càng khó khăn. Anh Sơn kể: “Chúng tôi đã chữa trị ở Trung tâm Công nghệ phôi (Bệnh viện Quân y 103), Bệnh viện Phụ sản Trung ương... Nhiều lúc về thăm quê, làng xóm hỏi thăm suốt khiến vợ chồng tôi không khỏi chạnh lòng”.
May mắn, cuối tháng 7 vừa qua, chị Ưng đã có tin vui. Đến nay, thai nhi được 18 tuần. Anh Sơn tâm sự: “Chữa mãi không có kết quả, tôi không dám hỏi vợ về chuyện con cái nữa. Hôm vợ báo tin vui, tôi tưởng mình nghe nhầm, phải hỏi lại. Không có lời nào diễn tả được cảm giác vui mừng của tôi lúc đó”.
 |
Vợ chồng Trung úy Lê Việt Hùng hạnh phúc chờ đón ngày sinh con.
|
Hiện tại, do công việc, mỗi tháng anh Sơn chỉ về nhà được 1-2 lần. Anh phải thuê người chăm sóc, đỡ đần vợ mới yên tâm. Nói về sự giúp đỡ của đồng đội cũng như chủ trương xây dựng quỹ hiếm muộn của Bộ tư lệnh BĐBP, anh Sơn chia sẻ: “Tôi rất cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của đơn vị. Việc xây dựng quỹ hiếm muộn của Bộ tư lệnh BĐBP đã tạo điều kiện thuận lợi và mang lại cơ hội cho nhiều gia đình hiếm muộn; mang lại niềm vui và động lực cho những gia đình đồng cảnh như tôi tiếp tục điều trị để có con”.
Niềm vui nhân đôi
Hơn một tháng nay, gia đình Thượng úy Nguyễn Văn Lục luôn tràn đầy tiếng cười. Bà con, hàng xóm, đồng nghiệp chúc mừng bởi vợ anh đã sinh bé gái khỏe mạnh, nặng 3,2kg. Niềm hạnh phúc hiện rõ trên gương mặt ông bố 41 tuổi này. Anh luôn miệng khoe: “Mừng lắm, cháu là món quà quý nhất vợ chồng tôi có được. Thế là tôi thỏa nguyện rồi, chỉ mong sao cháu khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn”.
Giống như những cặp vợ chồng hiếm muộn khác, vợ chồng anh Lục cũng có một hành trình dài gian nan để được làm cha, làm mẹ. Trong số những quân nhân đang chăm sóc vợ trong thời kỳ dưỡng thai mà tôi đã gặp, có lẽ vui nhất là Trung úy Lê Việt Hùng-người sắp lên chức bố với bào thai đôi. Kết hôn được 5 năm thì 3 năm anh Hùng phải xa nhà do được điều động về công tác tại BĐBP tỉnh Cà Mau. Cuối năm 2012, sau khi hoàn thành nhiệm vụ tăng cường cho phía Nam, anh được điều động trở lại BĐBP tỉnh Hà Tĩnh. Thực hiện chủ trương của Bộ tư lệnh, anh được cấp trên phân công công tác tại đồn Phú Gia, đơn vị có phụ cấp khu vực cao để có thêm tiền điều trị hiếm muộn. Sau 12 lần chữa trị không có tín hiệu khả quan, vừa rồi, vợ chồng anh thực hiện phương pháp thụ tinh ống nghiệm và đã đạt kết quả. Mừng hơn nữa là vợ anh lại mang thai đôi.
Anh Hùng kể: “Cuối tháng 4-2013, tôi được Bộ tư lệnh mời ra Hà Nội gặp mặt và được Giáo sư Hoàng Trọng Anh cùng các chuyên gia đầu ngành tư vấn các biện pháp điều trị; sau đó, được đơn vị tạo điều kiện cho nghỉ phép, tôi đưa vợ vào TP Hồ Chí Minh điều trị. Cơ quan thường trực Bộ tư lệnh cho vợ chồng tôi mượn một phòng ở có đủ trang thiết bị. Hiện giờ, vợ tôi có thai được 21 tuần. Rất cảm ơn lãnh đạo Bộ tư lệnh đã quan tâm, giúp đỡ gia đình tôi”.
Với sự quan tâm Bộ tư lệnh BĐBP, nhiều quân nhân khác như Đại úy Lê Đức Hùng (BĐBP tỉnh Quảng Ninh), Thiếu tá Trần Văn Long (BĐBP tỉnh Hải Phòng), Trung úy Nguyễn Văn Thái, Đại úy Nguyễn Trọng Trung (Trường 24), Trung úy Nguyễn Văn Thái (Trung tâm Huấn luyện BĐBP)... đang chờ đón những đứa con đầu lòng với niềm hạnh phúc khó tả. Đối với họ, trong những thời điểm khó khăn, sự quan tâm nào, dù là vật chất hay tinh thần, dù lớn hay nhỏ đều đáng quý. Trò chuyện với tôi, họ luôn nói lời cảm ơn và bày tỏ sự trân trọng đối với lãnh đạo Bộ tư lệnh BĐBP, chỉ huy đơn vị và đồng chí, đồng đội.
Đến giữa tháng 10-2013, toàn lực lượng BĐBP có 356 gia đình hiếm muộn, trong đó 294 cặp có khả năng sinh con. Sau khi có chủ trương của Bộ tư lệnh, đến nay đã có 227 cặp vợ chồng điều trị (chiếm 64%); đã có 36 cặp có tin vui, trong đó 5 cặp vợ chồng đã sinh con.
Bài và ảnh: NGUYỄN BÍCH