Hòa cùng cán bộ, công nhân, người lao động đơn vị đang chung sức giúp bà con gặt lúa, Đại tá Trịnh Hà Tâm, Giám đốc Công ty 75 vui vẻ nói: “Trước thực trạng một số vườn cao su già cỗi, năng suất thấp, từ năm 2014 đơn vị có chủ trương thanh lý, tái canh. Cùng với việc trồng mới, công ty hỗ trợ và tạo điều kiện cho đồng bào trồng hơn 510ha đất tái canh cây cao su để trồng xen cây lúa". Mô hình này không chỉ mở rộng diện tích cây trồng cho người dân mà còn tiếp sức cho hàng nghìn hộ dân nghèo ở vùng biên giới Gia Lai xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống; được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao và nhân rộng ở các buôn làng vùng biên giới các tỉnh Tây Nguyên.
 |
Cán bộ, công nhân Công ty 75 và bà con địa phương thu hoạch lúa xen canh. |
Đến các xã: Ia Dơk, Ia Krêl (Đức Cơ), chúng tôi đặc biệt ấn tượng với bạt ngàn sắc vàng của lúa chín. Bà con tấp nập vào mùa gặt, tiếng cười, tiếng nói vang vang. Điều đáng mừng là giờ đây nhiều gia đình đã biết dùng xe gặt-đập để đưa vào thu hoạch lúa. Ngày trước tuốt xong lúa, bà con vứt hoặc đốt rơm, rạ khói bay mù mịt, còn bây giờ rơm được người dân mang về cho trâu, bò ăn hoặc ủ thành mùn vun gốc cà phê, hồ tiêu. Ông Rơ Mah Piêu, Chủ tịch UBND xã Ia Dơk chia sẻ: "Tuy còn nhiều khó khăn nhưng Công ty 75 luôn quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của bà con. Đất ở đây được nhiều thương lái thuê với giá rất cao nhưng đơn vị vẫn ưu tiên cho bà con trồng lúa".
Trên cánh đồng ở làng Krêl (xã Krêl), cán bộ, công nhân và bà con DTTS địa phương đang tích cực cùng nhau thu hoạch. Theo già làng Rơ Châm Bơm (72 tuổi, người Giơ rai), làng Krêl có 64 hộ, 256 khẩu, trong đó có 20 hộ làm công nhân cho Công ty 75. Từ năm 2014 đến nay, dân làng được bộ đội tạo điều kiện trồng lúa trên đất tái canh cây cao su. Ngoài ra, đơn vị còn cử cán bộ đến làng, đến nhà, đến tận nương rẫy để hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc, thu hoạch lúa, hỗ trợ hạt giống, phân bón. Trung bình mỗi hộ trồng 5 sào, nhà nào chăm tốt thì thu hoạch được 5-6 tạ/sào. Từ ngày trồng thêm cây lúa, bà con không còn lâm vào cảnh thiếu đói mùa giáp hạt. Điều đáng mừng là nhờ có bộ đội hướng dẫn nên nhận thức về thời gian lao động của bà con đã thay đổi. Nếu ngày trước 9 giờ dân làng mới đi làm, 15 giờ về… thì nay 5-6 giờ họ đã đi làm, trưa về, chiều đi làm đến 16-17 giờ mới về. Đi làm đúng thời gian, biết cách trồng cây công nghiệp, trồng lúa…, giúp bảo đảm sức khỏe, kinh tế hộ gia đình phát triển, đời sống ổn định.
Đang cùng 10 người dân gặt lúa đổi công cho gia đình, ông Rơ Lan Nhép ở làng Krêl phấn khởi cho biết: “Đây là năm thứ 3 gia đình tôi và bà con dân làng được Công ty 75 tạo điều kiện cho trồng lúa trên đất tái canh. Mùa giáp hạt năm nay, bà con "no cái bụng, sáng cái đầu" chứ không còn thiếu thốn như những năm trước nữa. Nhờ "bộ đội 75" với mô hình "cây lúa xen canh" nên cái đói, cái nghèo đã lùi xa...".
Bài và ảnh: LÊ QUANG HỒI