Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Trung tướng Phạm Tuân, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó tư lệnh Chính trị Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ); nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng; Thiếu tướng Vũ Hồng Sơn, Phó tư lệnh Quân chủng PK-KQ; các đồng chí trong Thường vụ huyện ủy, UBND, HĐND… huyện Thanh Trì; đại diện lãnh đạo các ban, ngành TP Hà Nội và huyện Thanh Trì, đặc biệt có 80 nhân chứng lịch sử và đông đảo các cựu chiến binh, cán bộ, nhân dân… huyện Thanh Trì tham dự.

Đồng chí Nguyễn Tiến Cường, Phó bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, TP Hà Nội.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, ôn lại ký ức về những năm tháng hào hùng của Đảng bộ và nhân dân TP Hà Nội nói chung và huyện Thanh Trì nói riêng trong Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972, đồng chí Nguyễn Tiến Cường, Phó bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì nhấn mạnh: "Thanh Trì là huyện ngoại thành bị đánh phá dữ dội trong 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, Mỹ cho máy bay B-52 rải thảm xuống thị trấn Văn Điển, các xã Vĩnh Quỳnh, Tam Hiệp, Tứ Hiệp, Ngũ Hiệp, Đông Mỹ,… Dưới làn bom đạn địch, dân quân tự vệ đã giăng một lưới lửa tầm thấp đánh vào máy bay cường kích, tạo điều kiện cho bộ đội cao xạ, tên lửa diệt chúng ở tầm cao, giúp bộ đội di chuyển, củng cố trận địa, tải đạn, chuyển đạn phục vụ chiến đấu. Đặc biệt, Sở chỉ huy Trung đoàn 263 tên lửa Phòng không được đặt trong khuôn viên chùa Quang Phúc, ở thôn Thượng, xã Thanh Liệt. Sau năm 1971, Sở chỉ huy được bàn giao cho Trung đoàn Tên lửa 257 trực chỉ huy chiến đấu. Tại đây, Trung đoàn Tên lửa 257 đã chỉ huy các tiểu đoàn chiến đấu trong 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972, bắn rơi 11 máy bay B-52, có 8 chiếc rơi tại chỗ, góp phần cùng quân và dân Hà Nội làm nên chiến thắng vĩ đại - “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” lẫy lừng…”.  

 Trung tướng Phạm Tuân giao lưu cùng nhân chứng lịch sử và thế hệ trẻ.

Đồng chí Nguyễn Tiến Cường khẳng định: "Với thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, phục vụ chiến đấu thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Đảng bộ và nhân dân huyện Thanh Trì vinh dự được 10 lần Bác Hồ về thăm, chúc Tết và tặng quà. Nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng những danh hiệu cao quý; Nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Thanh Trì và 16/16 xã, thị trấn được được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; trong đó, xã Tứ Hiệp, xã Yên Mỹ được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Phát huy tinh thần và những bài học lịch sử quý giá từ Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, 50 năm qua, Đảng bộ và nhân dân huyện Thanh Trì đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2003), Huân Chương Độc lập hạng Ba (năm 2010), Huân chương Độc lập hạng Nhì (năm 2021); Công an huyện và xã Đông Mỹ vinh dự được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới...

Với những thành tựu quan trọng đã đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển huyện, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thanh Trì tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, cần cù, sáng tạo, bản lĩnh chính trị vững vàng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phong trào thi đua năm 2023, góp phần xây dựng huyện phát triển; xứng đáng là đơn vị Anh hùng của Thủ đô anh hùng...”.

 Trung tướng Phạm Tuân cùng các đại biểu và nhân chứng lịch sử.

Tại buổi lễ, đại diện nhân chứng trực tiếp tham gia Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972, Trung tướng Phạm Tuân, người vinh dự được 3 lần được tặng danh hiệu Anh hùng (Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động và Anh hùng Liên Xô) đã chia sẻ: “Lần xuất kích đầu tiên, tối 18-12-1972, sau khi nhận lệnh xuất kích, tôi điều khiển cất cánh chiếc Mig-21 từ sân bay Nội Bài lao vào bầu trời đêm. Tiếp cận đội hộ tống của máy bay Mỹ, tôi phát hiện dải đèn nhận diện lạ ở độ cao hơn 8km, nhưng không biết đó là của B-52. Tôi được lệnh cấp trên tiếp cận mục tiêu và bật ra-đa. Cả màn hình ra-đa sáng rực vì nhiễu. Lúc đó, chiếc B-52 bất ngờ tắt đèn tín hiệu nhận diện. Không nhìn thấy mục tiêu trong đêm, tôi bật tăng lực để tăng tốc máy bay tìm mục tiêu. Luồng lửa động cơ do chiếc Mig-21 tạo ra thu hút sự chú ý của đám F-4 hộ tống. Sau vài vòng tìm kiếm không thấy mục tiêu, tôi đã điều khiển máy bay thoát ly…

Lần xuất kích thứ hai vào đêm 27-12-1972. Máy bay của tôi cất cánh từ sân bay Yên Bái, bay thấp theo đài dẫn mặt đất bí mật tiếp cận phi đội hộ tống của địch. Trong đêm tối, các phi đội F-4 hộ tống của Mỹ không phát hiện ra máy bay của ta. Tôi khéo léo điều khiển máy bay né tránh và tiến sâu trong đội hình địch. Khi cảm thấy thời cơ đã tới, tôi xin lệnh công kích. Dù đang bay tốc độ vượt tường âm thanh. Để chắc ăn, tôi tiếp tục rút ngắn khoảng cách và phóng tên lửa ở cự ly rất gần và thoát ly. Khi thoát ly, tôi thấy rõ thời điểm cả 2 quả tên lửa điểm nổ khi trúng mục tiêu. Thấy máy bay B-52 bị máy bay ta bắn rơi, các phi đội F-4 hộ tống của địch quyết tâm truy đuổi, nhưng sau khi thoát ly, tôi đã nhanh chóng điều khiển chiếc Mig-21 cắt đuôi máy bay truy kích của địch, trở về sân bay Yên Bái và hạ cánh an toàn…”.

Kết thúc buổi giao lưu, Ban tổ chức tặng 80 suất quà cho các nhân chứng. 

Tin, ảnh: THÁI KIÊN