QĐND - “Vợ chồng em mang ơn Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) nhiều lắm, đặc biệt là đồng chí Tư lệnh BĐBP đã động viên và tạo điều kiện cho vợ chồng em có được niềm hạnh phúc, mà tiền cũng không thể nào mua được…”. Đó là một trong những tin nhắn đầy xúc động mà Trung úy QNCN Trương Xuân Thanh, thuộc Đồn Biên phòng Sầm Sơn, Bộ Chỉ huy BĐBP Thanh Hóa, gửi cho tôi sau cuộc trao đổi về hành trình chữa trị hiếm muộn của anh.

"Con đường phong ba"

Đầu năm 2003, Trung úy QNCN Trương Xuân Thanh nên duyên cùng Vũ Thị Nhung. Hai năm đầu, vợ chồng quyết định không “kế hoạch” để sớm đón nhận niềm vui, thế nhưng càng mong chờ càng thất vọng. Theo tư vấn và lời khuyên của gia đình, cả hai đến bệnh viện ở Hà Nội tìm hiểu nguyên nhân. Bác sĩ kết luận: “Lỗi” do anh.

Anh Thanh trầm giọng kể: "Vợ chồng bảo nhau chi tiêu dè sẻn, dành dụm được chừng nào là đi khám, chữa bệnh hết. Điều trị tại bệnh viện mãi không có kết quả, tôi chuyển sang uống thuốc đông y. Từ Lạng Sơn tới Lào Cai, rồi Nghệ An, Thừa Thiên-Huế..., nghe đâu có thuốc hay là vợ chồng tôi tìm đến. Có lúc tôi bận việc, vợ một mình đi lấy thuốc, vất vả vô cùng. Trong khi đó, vợ tôi không có nghề nghiệp ổn định, nên kinh tế gia đình khó khăn lại càng khó khăn. Hai bên nội, ngoại đều nghèo, chúng tôi chỉ vay được phần nhỏ, còn lại là mượn bạn bè. Tôi dành dụm lương, góp lại 3-4 tháng để đi viện một lần. Đến giờ hai vợ chồng vẫn còn nợ hơn 400 triệu đồng. Ngoài áp lực kinh tế, chúng tôi mang nặng mặc cảm, chịu áp lực tâm lý lớn từ những lời dèm pha thiếu thiện ý của làng xóm. Tôi thường động viên vợ bỏ ngoài tai tất cả để tinh thần thoải mái, không ảnh hưởng tới việc chữa trị”.

Vợ chồng anh Thanh và con trai (bên trái) tại buổi gặp mặt gia đình quân nhân hiếm muộn do Bộ tư lệnh BĐBP tổ chức.

Sau khi được tư vấn, vợ chồng anh quyết định thực hiện phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Đang tràn đầy hy vọng thì trong lần đi khám năm 2011, vợ anh được bác sĩ phát hiện bị u tuyến yên. Anh Thanh nhớ lại: “Bác sĩ khuyên không nên đụng dao kéo vì vừa tốn kém, mà nguy cơ tái phát rất cao. Vợ tôi quá thất vọng, suy sụp hẳn, không muốn tiếp xúc, trò chuyện với ai. Nhìn vợ, tôi thấy thương vô cùng”. Đúng lúc buồn nản nhất, anh Thanh nhận được lời mời của thủ trưởng Bộ tư lệnh BĐBP về Hà Nội gặp mặt vào tháng 4-2013.

“Khi có mặt tại Hà Nội, chúng tôi rất xúc động. Đây là lần đầu tiên Bộ tư lệnh có chương trình giúp đỡ quân nhân hiếm muộn. Qua buổi gặp mặt, chúng tôi nhận được rất nhiều sự quan tâm, chia sẻ, động viên của đồng chí Tư lệnh và các thủ trưởng. Chúng tôi cảm thấy có động lực hơn trong việc điều trị cũng như thực hiện nhiệm vụ của người quân nhân”-anh Thanh bộc bạch.

Trở về sau buổi gặp mặt, anh Thanh mang theo niềm vui và thêm quyết tâm trên hành trình kiếm tìm hạnh phúc làm cha, mẹ. Tháng 7 năm đó, anh đưa vợ tới bệnh viện tái khám. Bác sĩ rất ngạc nhiên khi thấy khối u tuyến yên của chị Nhung đã biến mất hoàn toàn. Nhận được thông báo của bác sĩ, vợ chồng anh Thanh không kìm được niềm vui, reo lên mừng rỡ. Thế nhưng, số phận lại tiếp tục thử thách cả hai. Chị Nhung tiếp lời: “Hôm đó, tôi một mình tới bệnh viện kiểm tra hóc-môn để chuẩn bị làm thụ tinh ống nghiệm. Quá trình xét nghiệm, bác sĩ phát hiện tôi bị suy buồng trứng hai bên do uống thuốc điều trị tuyến yên. Nghe thông báo kết quả, tôi ngất xỉu luôn tại chỗ. Bác sĩ phải gọi điện về đơn vị nhờ thông báo cho ông xã”. Anh Thanh tới bệnh viện ngay lập tức, nhìn vợ mà lòng xót xa. "Mọi thứ dường như sụp đổ. Ước mơ và hy vọng bỗng chốc tan biến. Tôi tự hỏi sao cuộc đời vợ chồng mình lại gian truân, bất hạnh như vậy"-anh Thanh trải lòng.

Hạnh phúc vỡ òa

Bác sĩ khuyên vợ chồng anh Thanh không làm thụ tinh ống nghiệm nữa, thế nhưng anh vẫn kiên trì động viên vợ theo đuổi đến cùng khao khát hạnh phúc. Và niềm vui đã mỉm cười với họ. Khi bác sĩ thông báo quá trình thụ tinh đã thành công, cả hai ôm nhau bật khóc.

Quá trình thai nghén của chị Thảo cũng đầy trắc trở vì luôn có nguy cơ bị sảy. Khi thai nhi mới được 8 tháng, chị Thảo phải mổ cấp cứu để cứu hai mẹ con. Bé trai sinh nặng 2,5kg và phải nằm lồng ấp một thời gian. Anh Thanh tâm sự: “Lúc được lên chức bố, tôi hạnh phúc vô cùng. Mọi người trong gia đình kéo lên bệnh viện chúc mừng. Bác sĩ Trưởng khoa Phụ sản của Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa chúc mừng vợ chồng tôi và nói rằng, chưa có ca nào thấy khó, phức tạp như lần này. Hơn 30 năm rồi mới có một trường hợp như anh chị đạt được thành công”.

Bây giờ con anh Thanh được hơn một tuổi và rất khỏe mạnh. Anh bộc bạch: "Vợ chồng tôi có con là hạnh phúc lắm chị à. Chúng tôi chỉ mong con luôn được bình an, mạnh khỏe. Khoản nợ vay mượn khi điều trị để có con, chúng tôi sẽ dành dụm trả dần. Trong thời gian chữa trị, tôi thấy được an ủi rất nhiều bởi sự quan tâm, động viên của đơn vị và các thủ trưởng Bộ tư lệnh BĐBP".

Lời tâm sự của anh Thanh trước khi chia tay làm chúng tôi nhớ mãi: “Tôi mong các cặp vợ chồng quân nhân hiếm muộn cũng sớm có được niềm hạnh phúc như vợ chồng tôi!”.

Bài và ảnh: NGUYỄN BÍCH