Dịp ấy, đảng viên trẻ Nguyễn Văn Đinh, quê xã Đức Hòa, huyện Sóc Sơn vinh dự thay mặt 500 tân binh nhận lá cờ “Tiểu đoàn Phù Đổng quyết thắng” do đồng chí Nguyễn Văn Tỵ, Chủ tịch UBND huyện Đa Phúc trao. Xúc động bồi hồi tràn đầy ngực trẻ, anh Đinh dõng dạc tuyên thệ: “Chúng tôi xin thề làm theo lời Bác Hồ dạy. Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Đánh thắng giặc Mỹ mới về quê hương!”.
 |
Ông Nguyễn Văn Đinh (bên trái) kể kỷ niệm về chiến sĩ liên lạc Lại Văn Hiểu. |
Tháng 1-1967, Tiểu đoàn Phù Đổng hành quân vào tới Tây Ninh, chuyển phiên hiệu là Tiểu đoàn 24 (hỏa lực súng máy 12,7mm trực thuộc Sư đoàn 7, miền Đông Nam Bộ). Về truyền thống, vẫn giữ tên Tiểu đoàn Phù Đổng. Ông Đinh lúc đó là Đại đội trưởng Đại đội 3. “Khi đó, bên cạnh tôi có chiến sĩ liên lạc tên Lại Văn Hiểu, quê xã Đông Hải (nay ở xóm 3, thôn Tân Hải, xã Đông Trà), huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Hiểu luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, chiến đấu rất gan dạ, dũng cảm. Đặc biệt, Hiểu rất quan tâm, lo lắng cho đồng chí, đồng đội”, ông Đinh nhớ lại.
Chính vì vậy, anh Đinh và cấp ủy của Đại đội 3 thống nhất xây dựng chiến sĩ liên lạc Hiểu trở thành đảng viên. Giữa lửa đạn chiến trường, được kết nạp Đảng là niềm vinh dự cao cả của người chiến sĩ. Thế nhưng, dù đã gặp gỡ, trao đổi và nói chuyện nhiều lần nhưng anh Đinh và các đồng chí trong cấp ủy đều nhận được sự từ chối dứt khoát từ Hiểu: “Các anh cứ để em làm người chiến sĩ bình thường. Em không thể là đảng viên được”. Hết lần này đến lần khác, mọi người đều nhận được câu từ chối với lý do: “Em không xứng đáng”... của Hiểu.
Thời gian trôi qua, Hiểu vẫn luôn là một chiến sĩ rất trách nhiệm, dũng cảm. Trong một lần hành quân tại Kampong Cham trên đất Campuchia, Đại đội 3 bất ngờ gặp địch. Trong trận “tao ngộ chiến” này, Hiểu bị thương, mất sức chiến đấu, phải về phía sau điều trị. Năm 1973, Hiểu được trở về địa phương... Còn Đại đội trưởng Đinh tiếp tục tham gia chiến đấu trên nhiều chiến trường, kinh qua nhiều cương vị. Cuối năm 1986, vì hoàn cảnh gia đình, anh Đinh xin về hưu khi mang quân hàm Thiếu tá và là thương binh 21%.
Ông Đinh kể tiếp: "Đến năm 2015, tôi biết tin Hiểu đang sống tại xóm 3, thôn Tân Hải, xã Đông Trà (Tiền Hải, Thái Bình). Tôi quyết tâm về Thái Bình, một là thăm lại chiến sĩ liên lạc dũng cảm năm xưa, hai là tôi muốn tìm lời giải cho khúc mắc trong lòng: “Ngày ấy, vì lý do gì, tại sao Hiểu lại cương quyết từ chối vào Đảng?”.
Gặp lại nhau, niềm cảm xúc trào dâng qua các câu chuyện. Ông Đinh hỏi Hiểu: “Cậu là người chiến sĩ tốt cực kỳ, là liên lạc dũng cảm của đại đội... Vậy tại sao khi ở chiến trường, tôi vận động vào Đảng, cậu lại không nghe?”. Hiểu trả lời: “Vào Đảng là phải gương mẫu, phải luôn luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Bản thân em tự thấy hoàn thành nhiệm vụ chưa thật tốt”. “Nhưng tôi có thấy điều đó đâu!”, ông Đinh ngạc nhiên. “Đã có những lúc em hoang mang dao động. Nhưng em kín đáo gồng lên, không để lộ ra sợ ảnh hưởng đến nhiệm vụ, đến anh và đồng đội!”, Hiểu trầm ngâm nói. Ông Đinh nhìn vào mắt người chiến sĩ liên lạc Đại đội 3 năm xưa, nói như gắt: “Chất Đảng đấy chứ còn đâu! Giá như hồi ấy, tôi gần gũi cậu hơn nữa, hiểu về cậu hơn nữa, thì nhất định Đại đội 3 đã có thêm một đảng viên”.
Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG