Tập bản thảo ấy đã trở thành tài liệu quan trọng, gắn liền với Cuộc thi viết "Tiếp lửa truyền thống" của tuổi trẻ Sóc Sơn, có tác dụng giáo dục truyền thống sâu rộng. Các em thi đua tìm đọc sách, phát hiện những tấm gương tiêu biểu của quê hương để tranh luận và viết cảm nhận dự thi. Cuốn sách dày 288 trang, gồm hai phần: "Ký ức thời hoa lửa" và "Tiếp lửa truyền thống", trong đó phần hai "Tiếp lửa truyền thống" là cảm nhận của các em học sinh trên địa bàn.
 |
Tác giả bài viết (bên trái) trao cuốn "Chuyện thư thời chiến Sóc Sơn" tặng Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh-nhân vật trong cuốn sách. Ảnh: KHỞI MINH |
Nhân vật trong cuốn sách là những người con Sóc Sơn, từ nông dân, dân quân du kích đến cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện, cấp sư đoàn, quân đoàn; từ các thương binh, liệt sĩ đến các chiến sĩ bị địch bắt, tù đày; từ binh nhì đến cấp tướng. Họ có mặt trên khắp các chiến trường, làm nghĩa vụ quốc tế vẻ vang trên các nước bạn. Đồng hành âm thầm cùng những chiến công chói lọi ngoài mặt trận chính là những lá thư, nhật ký thời chiến. Đó là nguồn động lực to lớn, cổ vũ người thân yêu có thêm nghị lực để vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách.
Có những câu chuyện thật mộc mạc, giản dị nhưng cách kể có duyên, chân thành, đầy xúc động. "Em sống trung thành, chết thủy chung" của tác giả Ngô Văn Học kể lại nguyên mẫu hai nhân vật trong bài thơ “Núi Đôi” của nhà thơ Vũ Cao viết hơn 60 năm trước. Đó là chuyện tình giữa anh bộ đội Trịnh Khanh năm xưa (quê Phù Linh, nay đã 90 tuổi) với cô du kích Trần Thị Bắc (quê Xuân Đoài, là liệt sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân). Tình yêu của họ rực sáng lên, đầy thi vị, lãng mạn cách mạng trong 4 câu thơ: Anh đi bộ đội sao trên mũ/ Mãi mãi là sao sáng dẫn đường/ Em sẽ là hoa trên đỉnh núi/ Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm.
Lật giở những câu chuyện trong sách, người đọc như được sống giữa không khí chiến trường, cảm nhận được sự khốc liệt của chiến tranh, thấy được tinh thần quả cảm, lạc quan cách mạng, chiến đấu kiên cường của Bộ đội Cụ Hồ. Chuyện của Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Phó tư lệnh về chính trị Quân đoàn 4 cuốn hút người đọc vì sự dũng mãnh tiến công kẻ thù mặc cho cơ thể bị đạn địch găm vào hết trận này đến trận khác. Mang nhiều thương tật, về hưu, ông vẫn trở về chiến trường xưa tìm hài cốt đồng đội...
Em Hà Ngọc Lưu Ly viết: "Vì sao ý chí chiến đấu của quân nhân Nguyễn Ngọc Doanh kiên cường đến thế? Về hưu ông vẫn trăn trở về đồng đội mình?...". Bởi vì ông được trường học lớn quân đội bồi dưỡng, rèn luyện suốt mấy chục năm, được sinh ra trên quê hương Sóc Sơn anh hùng, được nhà trường giáo dục lẽ sống và được gia đình nuôi dạy chu đáo, biết yêu thương con người và quê hương.
Em Nguyễn Hà My bày tỏ: "Chúng em luôn nhận thức biết tận hiến trước khi tận hưởng. "Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà tự hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc?". Soi mình vào gương sáng cha ông, chúng em không cảm thấy hổ thẹn và hối tiếc, vì biết sống vì mọi người".
ĐÀO VĂN SỬ