QĐND - Đến nay, đã 26 năm kể từ ngày trở thành “đôi mắt” của chồng-thương binh hạng 1/4 Lê Viết Lan, chị Lê Thị Tươi không nghĩ mình có ngày rời làng quê nghèo xã Quảng Lộc, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa ra thăm thủ đô Hà Nội. Không những thế, chị còn vinh dự là đại biểu của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố Thanh Hóa được tôn vinh tại Đại hội Thi đua yêu nước Hội LHPN Việt Nam lần thứ 3 vừa qua.
“Tôi may mắn được về thủ đô Hà Nội tham dự Đại hội Thi đua yêu nước Hội LHPN Việt Nam, lại đúng dịp Hà Nội đang tưng bừng các hoạt động kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Dạo bước trên những con phố lộng lẫy cờ hoa, khẩu hiệu chào mừng, hòa mình vào dòng người đông đúc, tôi cứ ngỡ như trong mơ... Khi yêu và quyết định về chung sống với anh ấy, tôi chỉ có mong muốn suốt đời ở bên cạnh, chăm sóc, xoa dịu những vết thương, chứ không bao giờ nghĩ mình sẽ có dịp đi xa, nhất là ra tận thủ đô Hà Nội”-đó là những lời chia sẻ mộc mạc của chị Lê Thị Tươi với chúng tôi.
Quyết định gắn bó cuộc đời với anh thương binh mất 95% sức khỏe-Lê Viết Lan của chị đã từng gây biết bao sóng gió cho gia đình, người thân. Thế nhưng, “hồi kết” của những sóng gió ấy là một đám cưới đẹp như câu chuyện cổ tích ở làng quê nghèo xứ Thanh.
 |
Chị Lê Thị Tươi (bên phải) tại Đại hội Thi đua yêu nước Hội LHPN Việt Nam lần thứ 3.
|
Năm 1983, chàng thanh niên Lê Viết Lan tình nguyện lên đường nhập ngũ, rồi sang làm nhiệm vụ quốc tế bên nước bạn. Sau thời gian huấn luyện, anh được biên chế về Đơn vị 339, Quân khu 9, chiến đấu ở chiến trường Cam-pu-chia. Năm 1987, trong một trận chiến đấu, anh bị trọng thương và được đưa vào chữa trị tại một bệnh viện ở Cam-pu-chia, sau đó được chuyển về Bệnh viện Quân y 121 (Quân khu 9) với giám định thương tật mất 95% sức khỏe. Khi các vết thương trên cơ thể tạm ổn, năm 1988, anh trở về quê nhà và cũng là thời điểm bắt đầu cho một tình yêu đẹp.
Nở nụ cười nhẹ nhàng, chị Tươi chia sẻ: “Lúc đó ở quê, tôi được mọi người đánh giá cũng ưa nhìn, nên có nhiều đám mai mối đến đánh tiếng với gia đình xin tôi về làm dâu. Thế nhưng, đến bây giờ tôi cũng không lý giải được tại sao vừa gặp anh ấy (trong dịp Hội Phụ nữ xã thăm, tặng quà thương binh, gia đình chính sách của xã), trái tim tôi đã thảng thốt và trào dâng cảm xúc thật khó tả. Nhìn đôi mắt anh không còn nhìn thấy gì xung quanh, cứ hướng về phía tiếng người nói chuyện, trái tim tôi đau thắt lại và trong tôi thoáng suy nghĩ rất nhanh: Tôi sẽ trở thành “đôi mắt” cho anh ấy!
Quyết định đó của chị gặp phải sự phản đối quyết liệt của gia đình và người thân. Mọi người cho rằng, yêu một thương binh nặng, lại khiếm thị thì cuộc sống sau này của chị sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vất vả… Mọi phản đối, ngăn cản của người thân dường như càng làm cô gái 20 tuổi thêm quyết tâm với quyết định của mình. Chị dùng chiến thuật vừa cương, vừa nhu để thuyết phục bố mẹ và người thân. Biết không lay chuyển được ý định của con gái, gia đình đành chấp nhận hôn nhân của hai người. Mùa thu năm 1989, đám cưới giản dị, nhưng đầm ấm giữa hai bên gia đình được tổ chức. Tiếp đó là những tháng ngày vất vả lo toan, vun vén cho cuộc sống của gia đình nhà chồng. Chồng chị là con trai trưởng trong gia đình, vì vậy mọi công việc lớn nhỏ trong nhà đều đặt lên vai chị một cách tự nhiên.
Những năm đầu, mỗi khi trái gió trở giời, những vết thương trên cơ thể anh lại hành hạ, khiến anh đi lại khó khăn, mọi sinh hoạt cá nhân phải phụ thuộc vào người vợ trẻ. Khắp cơ thể anh chẳng có chỗ nào lành lặn, nhưng nặng nhất là vết thương trên đầu, ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thần kinh, làm anh nhiều lúc không làm chủ được bản thân, lên cơn đập phá đồ đạc trong nhà, thậm chí có khi không còn nhận ra người thân... Những lúc như vậy, chị vừa sợ vừa lo lắng nhưng lại càng thấy thương anh nhiều hơn.
Rồi các con của anh chị lần lượt ra đời, khó khăn, vất vả lại càng chồng chất khi kinh tế cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và tiền phụ cấp thương binh của anh. Chị Tươi bộc bạch: “Đến giờ nhìn lại, tôi cũng không hiểu mình lấy đâu sức mạnh và niềm tin để vượt qua những tháng ngày khó khăn, thiếu thốn như vậy. Chồng đau yếu triền miên, trong khi bố mẹ chồng cũng ngày một già yếu, các con đang tuổi ăn, tuổi lớn… Đã có lúc tôi tưởng mình buông xuôi, đầu hàng trước số phận, nhưng rồi trước sự hiếu thảo của các con, tình yêu của anh ấy dành cho tôi, khiến tôi cảm động và tự an ủi mình, khó khăn nào cũng sẽ qua miễn là mình cố gắng”.
Quả thực, như thấu hiểu được sự vất vả của bố mẹ, các con của anh chị đều chăm ngoan, tự giác học hành. Con gái lớn Lê Thị Ngọc vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y Thanh Hóa và được nhận vào làm việc tại Bệnh viện huyện Quảng Xương. Con gái thứ hai Lê Thị Thúy là sinh viên năm cuối Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, còn con gái thứ ba hiện là sinh viên Trường Đại học Ngoại thương (cơ sở phía Nam).
Mặc dù cuộc sống gia đình vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng chứng kiến sự khôn lớn, trưởng thành của các con, sức khỏe của chồng ngày một ổn định, chị Tươi lại cảm thấy những vất vả, nhọc nhằn mình trải qua chẳng thấm tháp gì. Và khi được hỏi, chị vẫn trả lời không một chút do dự: “Nếu được chọn lựa lại hạnh phúc cuộc đời, tôi vẫn chọn được trở thành "đôi mắt" của anh!”.
Bài và ảnh: KIM ANH