 |
Khám bệnh cho đối tượng chính sách và nhân dân xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Tây. |
Cụm từ "về với các xã", về với những miền quê nghèo nhưng giàu tình nghĩa đã trở nên thân quen với cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện quân y 105 (Tổng cục Hậu cần). Nó bắt nguồn từ hàng chục năm nay khi bệnh viện thường xuyên tổ chức các đợt hành quân để khám bệnh, chăm sức khỏe cho các đối tượng chính sách và nhân dân. Vì thế, không chỉ các xã, phường trên địa bàn (Trung Sơn Trầm, Sơn Lộc, Trung Hưng), các xã Võng Xuyên (Phúc Thọ), Tân Tiến (Chương Mỹ), Ba Trại, Thuần Mỹ (Ba Vì, Hà Tây) mà xa hơn, nhiều xã ở các tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình… bà con cũng dần quen tên tuổi của các thầy thuốc chiến sĩ.
Tháng 7 này, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, các đội công tác của bệnh viện lại ba lô trên vai, mang theo thuốc men, dụng cụ y tế và cả những phần quà tình nghĩa về các địa phương thực hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn". Nơi nào, cán bộ, thầy thuốc của bệnh viện cũng tranh thủ từng phút để khám, tư vấn sức khỏe cho bà con. Do tính chất cuộc sống mà nhân dân các vùng thôn quê, miền núi thường ít có điều kiện chăm lo sức khỏe. Vì thế, không chỉ phát hiện ra bệnh, cấp thuốc để điều trị kịp thời mà các bác sĩ của bệnh viện còn tư vấn, dành cho bà con những lời khuyên bảo vệ sức khỏe. Mới đây, khi về xã Tân Tiến (huyện Chương Mỹ), các bác sĩ đã kịp thời khám và phát hiện bệnh sỏi thận ở Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Bay (91 tuổi, có một con trai duy nhất hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước). Viên sỏi có kích thước 12x33mm gây ứ nước, dãn đài bể thận khiến mẹ sốt cao… Mẹ Bay được cấp thuốc điều trị và đưa lên tuyến trên điều trị ngay. Trong số hơn một nghìn người mà bệnh viện khám bệnh, cấp thuốc (trị giá hơn 40 triệu đồng) đợt vừa rồi, có nhiều thương binh, thân nhân liệt sĩ đã rất xúc động khi đón nhận những tình cảm chân thành của cán bộ, chiến sĩ bệnh viện. Chị Trần Thị Liên, ở Kim Quan, Thạch Thất (Hà Tây) là một trong nhiều trường hợp "trở về từ cõi chết". Chị Liên bị tai nạn lao động gây đa chấn thương, bệnh viện mổ cấp cứu qua cơn nguy kịch và cán bộ, nhân viên còn tổ chức quyên góp được hơn 4 triệu đồng giúp chị vượt qua cơn hoạn nạn…
Dân tộc ta vốn luôn nêu cao truyền thống "ăn quả nhớ người trồng cây" nên khi nói về những việc làm của bệnh viện, đại tá Nguyễn Quang Dũng, giám đốc bày tỏ "đây là việc làm để chúng tôi góp phần đền đáp công ơn những người đã từng xả thân vì Tổ quốc, thể hiện sự trân trọng, biết ơn với các gia đình chính sách"...
Bài ảnh: ĐOÀN KHẮC MẠNH