QĐND - Trong những ngày tác nghiệp ở Trường Sa Lớn (huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa) chúng tôi chia sẻ niềm vui và cả nỗi buồn của những người lính đảo, trong đó xúc động và đáng nhớ nhất là câu chuyện về Thiếu úy QNCN Hoàng Văn Lưu, nhân viên thông tin (Đội Bảo đảm kỹ thuật Sân bay Trường Sa) có bố đẻ vừa mất, nhưng anh không thể về quê chịu tang bố. Ở nơi đầu sóng, người lính nén đau thương, tựa vào đồng đội để đứng vững và thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng...

Đồng đội trên đảo Trường Sa Lớn thắp hương viếng cụ thân sinh Thiếu úy QNCN Hoàng Văn Lưu.

 

Đảo là nhà…          

Sáng 6-1, đường băng Sân bay Trường Sa nắng đẹp, nhưng quanh khuôn viên doanh trại Đội Bảo đảm kỹ thuật là không khí trầm mặc, nghi ngút khói hương. “Mái ấm” tập thể này đang tổ chức lễ viếng ông Hoàng Văn Phong (54 tuổi) thân sinh Thiếu úy QNCN Hoàng Văn Lưu, nhân viên thông tin của đơn vị. Trước đó, chiều muộn ngày 5-1, Hoàng Văn Lưu nhận hung tin: Bố anh đã từ trần lúc 14 giờ cùng ngày. Nghe tin đó, anh òa khóc nức nở, bởi ước mơ được gặp cha lần cuối đã không thành!

Theo lời kể của Hoàng Văn Lưu, bố đẻ của anh sau chuyến cùng Đoàn thân nhân ra thăm Trường Sa vào tháng 7-2013, trở về đất liền thì phát hiện bị mắc bệnh ung thư. Qua điện thoại, ông động viên con an tâm công tác và sẽ gắng “chiến đấu” với bệnh tật, chờ đến khi con hoàn thành nhiệm vụ ở Trường Sa trở về sum họp gia đình. Nhiều người dân ở đất Cẩm Mỹ (Đồng Nai), nơi gia đình đang sinh sống xúc động khi nghe ông Phong kể về những đứa con của mình. Dù nằm trên giường bệnh, nhưng ông luôn nở nụ cười mãn nguyện, tự hào về hai đứa con trai đang là quân nhân, nhất là con trai đầu lòng đang công tác ở Trường Sa. Ông cũng đặt niềm tin trọn vẹn ở Lưu, người con rất có ý chí, nghị lực.

Ngoài khơi xa, biết tin bố bệnh nặng, Lưu mong lắm một con tàu về đất liền. Theo kế hoạch, trước Tết Giáp Ngọ này, anh sẽ hoàn thành thời gian công tác ngoài đảo và trở về đất liền, dành trọn thời gian nghỉ phép chăm sóc bố. Bởi thế, khi con tàu HQ 571 đưa đoàn công tác ra thăm, chúc Tết trên đảo, câu đầu tiên Lưu hỏi tôi là về hải trình của tàu, về mốc thời gian tàu quay trở về đất liền. Anh trải lòng trong tiếng nấc nghẹn:

- Em dự tính, khi tàu cập cảng Cam Ranh sẽ nhanh chóng làm thủ tục xin phép đơn vị, rồi bắt xe về Đồng Nai với bố. Nơi quê nhà, bố chờ mong em về từng phút. Chỉ còn 5 ngày nữa tàu sẽ vào bờ, vậy mà bệnh tật quái ác đã cướp mất người bố của em!

Sáng 6-1, sau lễ chào cờ đầu tuần, Thượng tá Phạm Văn Hòa, Đảo trưởng, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa thông báo đến toàn đảo về trường hợp đồng chí Lưu vừa mất đi người bố đẻ. Sau đó, anh  dẫn đầu hàng quân, cùng nhân dân, có cả các cháu thiếu nhi tiến về doanh trại Đội Bảo đảm kỹ thuật Sân bay Trường Sa.

Đứng lặng bên ban thờ, trong bộ quân phục chỉnh tề, đôi mắt Lưu ngấn đỏ, khi thì thất thần nhìn di ảnh của bố, khi lại cố kìm giấu đồng đội những dòng nước mắt cứ trào ra. Càng về trưa, dòng người từ các đơn vị trên đảo về viếng bố của Hoàng Văn Lưu càng đông. Anh kính cẩn đáp lễ những “người thân” đến viếng thân sinh theo đúng nghi lễ văn hóa dân tộc và đón nhận những vòng tay ấm, những cái ôm siết, những lời động viên, chia sẻ tận đáy lòng của đồng chí, đồng đội.

Trung úy Trịnh Văn Khoái, Đội phó, kiêm Chính trị viên Đội Bảo đảm kỹ thuật bay, bày tỏ xúc động: Nơi đảo xa, mọi vui buồn thường nhật, chúng tôi đều chia sẻ với nhau. Với tinh thần “đảo là nhà”, nên nỗi đau của một người là nỗi buồn của quân dân trên đảo; việc hiếu hỉ của mỗi cá nhân là trách nhiệm chung của cả tập thể đơn vị.

Ở Đội Bảo đảm kỹ thuật bay, ngay sau khi biết tin bố đẻ của đồng chí Lưu mất, mọi người cùng nhau chuẩn bị ban thờ và các vật dụng phục vụ lễ viếng. Buổi sáng tổ chức lễ viếng, Chính trị viên Khoái luôn có mặt bên Thiếu úy Lưu, thay mặt “gia đình” bái đáp từng người đến viếng. Đại úy QNCN Nguyễn Ngọc Biên liên tục châm hương phục vụ những người đến chia buồn; các đồng chí khác mỗi người một việc, như người thân trong gia đình lớn.

Chứng kiến tình cảm của đồng đội, dù rất buồn đau, nhưng Hoàng Văn Lưu vẫn gắng cầm lòng, bởi anh hiểu, do đặc thù công tác ngoài đảo, ai cũng phải chịu “thiệt thòi” như mình trong hoàn cảnh tương tự. Đã có biết bao người cha, người anh đi trước và đồng đội cùng thế hệ mất đi người thân, nhưng tất cả họ điều kìm lòng, vững vàng trước mọi hoàn cảnh.

Sức mạnh từ tình yêu thương

Đến viếng bố của Hoàng Văn Lưu, đại điện Đảng ủy, chỉ huy Đảo Trường Sa Lớn, Trung tá Lương Xuân Giáp, Chính trị viên Đảo thành tâm cầu mong cho linh hồn ông siêu thoát, phù hộ cho các đồng đội của Lưu vững vàng tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Lời khấn của đồng chí chính trị viên khiến nhiều người xúc động. “Khoảng lặng” tâm linh và linh thiêng ấy tạo nên sức mạnh vô hình, vun đắp quyết tâm, ý chí mới của những người lính nơi tiền tiêu xa xôi. Bàn tay của những người lính trẻ siết chặt vào nhau hơn, yêu thương, đoàn kết hơn để hoàn thành nhiệm vụ Tổ quốc giao. Sau phút lắng lòng cùng đồng đội, họ như mạnh mẽ, linh hoạt hơn khi trở về với công việc, nhiệm vụ thường nhật: Huấn luyện, SSCĐ và luôn cảnh giác cao...

Với tình cảm đặc biệt, trong niềm xúc động, anh Tô Hoài - một chủ hộ dân trên đảo nói: Người dân thấu hiểu những hy sinh, vất vả của cán bộ, chiến sĩ quân đội nơi đảo xa. Hơn nữa, trong cuộc sống thường nhật, chúng tôi luôn nhận được sự bao bọc, chở che, giúp đỡ thường xuyên của bộ đội. Dù không phải là máu mủ, nhưng chúng tôi coi đồng chí Lưu như đứa em trong gia đình; lo tang lễ cho bác Phong cũng như với người thân của chính mình.

Đồng chí Đảo trưởng cho biết: Ở Trường Sa Lớn, mỗi khi có tin quân nhân hoặc người dân trên đảo mất đi người thân, Đảng ủy, chỉ huy cùng cán bộ, chiến sĩ và các hộ dân trên đảo đều tham gia phúng viếng, sẻ chia. Đó không chỉ là nét văn hóa dân tộc, mà còn là sợi dây gắn kết tình người, tình đồng chí đồng đội, tình quân dân, góp phần tạo nên sức mạnh to lớn, trường tồn để Trường Sa luôn vững vàng trước mọi bão táp, phong ba.

Cảm động trước tình cảm của đồng đội và nhân dân, anh Lưu xúc động bày tỏ:  Xin cảm ơn lãnh đạo, chỉ huy, đồng chí, động đội và toàn thể nhân dân trên đảo. Tôi đã khấn vái linh hồn của bố, kể cho bố tôi nghe về tình cảm của quân dân nơi biển, đảo xa xôi và thông tin với gia đình việc đơn vị tổ chức lễ viếng. Nhận được tin đó, người thân của tôi như vơi bớt buồn đau.

Chúng tôi, khi chứng kiến những phút giây chan chứa tình người trên đảo, ai cũng bồi hồi, xúc động, càng thêm mến phục, tin yêu đồng chí, đồng đội nơi biển, đảo tiền tiêu.

Bài và ảnh: NGUYỄN TẤN TUÂN