Trước tượng đài liệt sĩ, các cựu chiến binh: Nguyễn Danh Nho, 78 tuổi, quê ở huyện Hoài Đức, nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1 Súng máy 12,7mm, thuộc Trung đội 1, Đại đội 1; Nguyễn Huy Thắng, 71 tuổi, quê Sơn Tây, nguyên xạ thủ số 1 súng ĐKZ 75, Khẩu đội trưởng Khẩu đội 1, Trung đội 1, Đại đội 2... đã kể cho các bạn trẻ Tịnh Hiệp những câu chuyện, thành tích của Tiểu đoàn 107 anh hùng:

Ngay trận đầu ra quân, ngày 16-7-1967, tại Tà Ma-Sông Re thuộc huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi), tiểu đoàn đập tan kế hoạch “Tìm và diệt” của Sư đoàn Không vận số 1 American, mạnh nhất nước Mỹ lúc đó; bắn cháy 52 máy bay UH-1A, 5 máy bay F4; cùng với Tiểu đoàn 20 bộ binh tiêu diệt 475 tên lính Mỹ; làm dấy lên Phong trào thi đua “Bắn cháy nhiều máy bay và tiêu diệt nhiều giặc Mỹ” trong toàn tỉnh Quảng Ngãi và Quân khu 5...

Cựu chiến binh Tiểu đoàn pháo binh 107, Quân giải phóng tỉnh Quảng Ngãi thắp nhang tưởng nhớ đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Tịnh Hiệp. 

Thắp nén tâm nhang từng phần mộ tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, ông Nho rưng rưng xúc động đứng trước phần mộ liệt sĩ Trịnh Mệnh, quê ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), nguyên Chính trị viên Đại đội 2. Ông Nho cho biết: “Trong trận đánh căn cứ dốc Phú ở xã Bình Mỹ (Bình Sơn, Quảng Ngãi)-vị trí án ngữ đoạn đường từ ngã ba Trà Bồng đi Châu Ổ trên Quốc lộ 1A, đồng chí Mệnh trực tiếp chỉ huy Khẩu đội 1 (ĐKZ 75), phối hợp với Khẩu đội 3 Súng cối 82mm và xạ thủ súng máy 12,7mm của Đại đội 1, cùng bộ binh tiêu diệt căn cứ này”.

2 giờ ngày 6-8-1972, trong lúc chỉ huy bộ đội tiêu diệt các mục tiêu đầu cầu, dù bị đạn của địch làm gãy đôi xương đùi, anh Mệnh vẫn tiếp tục ra lệnh cho xạ thủ ĐKZ bắn đạn xuyên quả thứ hai làm nổ tung lô cốt địch. Vì tĩnh mạch đùi vỡ, máu ứ làm căng bắp cơ đã giập nên anh Mệnh khó cử động, anh đã dí mũi dao găm vào vết thương bảo xạ thủ Thắng rạch đùi anh, thắt tĩnh mạch lại để anh tiếp tục chỉ huy bộ đội. Xạ thủ Thắng sợ anh quá đau đớn nên ngần ngừ. Anh quát lên: “Làm ngay đi!”.

Xạ thủ Thắng ghìm dòng nước mắt làm theo lời chỉ huy, nhưng vì dao cùn nên không thể rạch đùi. Trịnh Mệnh được đồng đội khiêng về Trạm phẫu A90. Trước khi đi, anh Mệnh còn cởi chiếc áo trên người trao lại cho xạ thủ Thắng... Tấm gương của anh Mệnh đã tiếp thêm sức mạnh cho đồng chí, đồng đội xông lên tiêu diệt địch (trong đó có hai tên lính Mỹ cuối cùng trên đất Sơn Tịnh, Quảng Ngãi)...

Sau trận chiến, xạ thủ Thắng lên trạm phẫu thì nhận được hung tin, Chính trị viên Trịnh Mệnh đã hy sinh. Năm 1981, xạ thủ Thắng đã trở thành nhà báo Nguyễn Huy Thắng. Ông đưa em trai liệt sĩ Mệnh vào tìm hài cốt và khắc bia mộ cho anh.

Nghe chuyện về Tiểu đoàn pháo binh 107, đồng chí Nguyễn Duy Quý, Bí thư Đoàn xã Tịnh Hiệp cho biết: "Đoàn viên, thanh niên Tịnh Hiệp càng cảm phục, biết ơn sâu sắc các anh hùng liệt sĩ, thương binh đã chiến đấu giành độc lập, tự do cho Quảng Ngãi. Thế hệ trẻ chúng tôi nguyện ra sức cống hiến, xung kích xây dựng quê hương Tịnh Hiệp giàu mạnh, xứng với tấm gương anh hùng của cha anh".

Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG