QĐND - Nhiều người biết đến bà Nguyễn Thị Mười, ở xã Ứng Hòe, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương từng là người có nhiều sáng kiến khoa học đưa vào áp dụng trong sản xuất, góp phần đưa HTX Đại Xuân trở thành điển hình về sản xuất nông nghiệp của miền Bắc, là “kiện tướng bèo hoa dâu”, nữ đại biểu trẻ Quốc hội khóa IV... Tuy nhiên, ít người được biết về mối tình cảm động giữa bà và ông Bùi Dương Tuyền, chồng bà hiện nay. Chờ đợi nhau đằng đẵng 8 năm không một tin tức, cưới nhau 18 năm không được đón nhận hạnh phúc làm cha mẹ; chỉ đến khi cả hai chuẩn bị bước sang tuổi 50 hạnh phúc trọn vẹn mới mỉm cười…

 

Kiện tướng một thời…

“Mặc dù năm nay tôi đã bước sang tuổi 68, nhưng làng mở hội thi cấy, nam thanh nữ tú chưa chắc đã vượt được với tôi đâu nhé. Kỹ thuật, kinh nghiệm xuống đồng trong tôi vẫn còn nguyên vẹn, có thua là thua về sức bền và độ dẻo dai thôi”-giọng bà Mười trở nên sôi nổi, khuôn mặt như trẻ lại khi được gợi nhắc về thời mười tám, đôi mươi sôi nổi và căng tràn nhiệt huyết.

Cứ thế, những ký ức một thời của bà đã cuốn chúng tôi vào không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp trong lao động sản xuất của thanh niên miền Bắc ngày ấy. 17 tuổi, cô gái Nguyễn Thị Mười được cử đi học Trường Trung cấp Nông nghiệp tỉnh Hải Dương. Tốt nghiệp, bà được điều về làm Đội trưởng Đội kỹ thuật của Hợp tác xã Đại Xuân (xã Ứng Hòe, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương). Sẵn có kiến thức, cộng với nhiệt huyết tuổi trẻ, bà luôn đi đầu và làm nòng cốt trong việc áp dụng kỹ thuật vào sản xuất. Lúc đó, phong trào thi đua thâm canh tăng năng suất lúa được triển khai rộng khắp các cánh đồng, các HTX. Bà đã mạnh dạn nghiên cứu phương pháp nhân giống bèo hoa dâu để chủ động trong sản xuất. Phương pháp cấy chăng dây, thẳng hàng, ngửa tay, nông gốc đưa năng suất thâm canh lúa tăng gấp hai lần so với trước được bà phổ biến và áp dụng rộng rãi không chỉ trong xã mà còn được nhiều địa phương học tập.

Bà Nguyễn Thị Mười (ngoài cùng, bên trái) nhận hoa của Lãnh đạo Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Thủ trưởng TCCT tại buổi gặp mặt phụ nữ tiêu biểu phong trào "Ba đảm đang".

Bà nhớ lại, năm 1965, ngay vụ lúa đầu tiên, năng suất lúa của HTX Đại Xuân áp dụng theo kỹ thuật mới kết hợp với phương pháp thả bèo hoa dâu giữ ấm cho lúa đã tăng từ 3 tấn/ha lên 5 tấn/ha. Các vụ lúa sau đó năng suất tiếp tục phá vỡ kỷ lục thâm canh lúa nước ở miền Bắc. HTX Đại Xuân trở thành điểm sáng trong phát triển nông nghiệp, được nhiều địa phương đến tham quan, học tập và mời về hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật. Bà được tỉnh trao tặng danh hiệu "Kiện tướng bèo hoa dâu".

 

… và chuyện tình cảm động

Là người sôi nổi, nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc, nên Nguyễn Thị Mười được nhiều người quý mến và tình nguyện làm “ông tơ bà nguyệt” để mai mối với anh bộ đội Bùi Dương Tuyền (người xóm trên). Cuối năm 1966, anh Tuyền vào chiến trường, gia đình hai bên muốn tổ chức dạm ngõ, nhưng anh Tuyền bộc bạch:

- Bây giờ con vào chiến trường không biết sống chết thế nào. Bố mẹ hãy đợi khi con về hãy tổ chức lễ dạm ngõ cũng chưa muộn.

Trước khi vào chiến trường, anh Tuyền tham gia huấn luyện quân sự một thời gian ở Vĩnh Yên. Chỉ còn hai ngày nữa là anh vào chiến trường, cô gái Nguyễn Thị Mười nhận được một bức thư dài của người yêu. Lá thư được chị em cùng đội kỹ thuật chuyền tay nhau đọc và ai cũng bảo:

- Bằng giá nào Mười cũng phải gặp mặt để động viên người yêu trước khi vào chiến trường. Nói dại, chẳng may anh ấy có mệnh hệ nào sau này lại ân hận suốt đời…

Mượn mãi mới được chiếc xe đạp của bác cán bộ ở trọ cùng khu, đạp chiếc xe không phanh, không chuông từ thành phố Hải Dương lên đến ga Gia Lâm với hơn 20km mà cô cứ nơm nớp lo sợ xảy ra sự cố. 4 giờ sáng, tàu đến ga Yên Viên, hỏi thăm một hồi cô cũng tìm được đến nơi người yêu đang huấn luyện.

Tối hôm đó, đơn vị bố trí để hai người tâm sự, chuyện trò với nhau. Đến 2 giờ sáng, người yêu tiễn cô ra tàu trở về quê. Trước khi chia tay, anh Tuyền rút từ túi áo ngực cuốn sổ tay, trang đầu được viết nắn nót, trang trọng "Mười lời thề của quân nhân", ngập ngừng đưa cho Mười với lời dặn:

- Anh lên đường làm nghĩa vụ và trách nhiệm của một người thanh niên đối với Tổ quốc. Chia tay nhau chưa biết lúc nào chúng ta sẽ gặp lại, cuốn sổ này em hãy giữ lấy ghi những tâm sự vui buồn, coi như anh vẫn đang bên cạnh em!

Thời gian đầu, hai người vẫn còn giữ được liên lạc, càng vào sâu chiến trường, tin tức cứ thưa dần và từ năm 1969 đến năm 1973 thì mất hẳn liên lạc. Ban ngày, bà bị cuốn vào công việc, hoạt động tập thể nên không còn thời gian nghĩ đến chuyện riêng. Thế nhưng, đêm về, sự lo lắng, khắc khoải tin tức người yêu cứ theo bà trong mỗi giấc ngủ. Bà bảo, may mắn tôi được bố mẹ hiểu tâm trạng và tình cảm của chúng tôi dành cho nhau. Nhiều lúc, mẹ tôi cứ mượn chuyện xóm giềng nhắc nhở xa xôi:

- Con ạ, trong làng nhiều đôi yêu nhau mà không kiên trì chờ nhau, vội cưới để rồi mấy tháng sau người yêu về lại hối hận thì đã muộn.

Niềm tin của bà thành hiện thực. Năm 1973, ông Tuyền từ chiến trường về học lớp chính trị ở Chèm (Hà Nội) và đám cưới hai người diễn ra thật đơn giản, nhưng đầm ấm... Tuy nhiên, hạnh phúc vẫn tiếp tục thử thách lòng kiên trì, nhẫn nại của hai người. Cứ khi niềm vui làm cha mẹ vừa chớm thì cả hai lại hụt hẫng vì thai không giữ được. Cuối năm 1974, do yêu cầu nhiệm vụ, ông Tuyền trở lại chiến trường. Tiếp đó là khoảng thời gian 5 năm vợ chồng ở hai đầu nỗi nhớ, đến năm 1979, ông mới ra hẳn miền Bắc. Lúc này, cả hai tuổi đã không còn trẻ, áp lực từ phía gia đình mong mỏi có tiếng bi bô của trẻ nhỏ càng trở nên cấp bách hơn.

Mọi cố gắng trong chạy chữa của ông bà vẫn không có tiến triển. Có lúc, bà đã nghĩ đến chuyện chia tay để ông đến với người phụ nữ khác tìm mụn con nối dõi. Chồng bà là người rất hiểu chuyện và thương bà hết lòng. Ông bảo:

- Em đừng nghĩ ngợi đến điều tiếng thiên hạ, miễn là vợ chồng chúng ta luôn yêu thương nhau. Nếu ông trời thương thì sẽ cho vợ chồng mình hạnh phúc làm cha mẹ, còn nếu không thì đành chấp nhận.

Và hạnh phúc tròn đầy cũng mỉm cười với ông bà khi cậu con trai Bùi Minh Quý chào đời, khi bà bước sang tuổi 44. Cậu bé ngoan ngoãn, hiếu thảo, nay đã là sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.

Bà trải qua rất nhiều cương vị công tác, được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành, nhưng quan niệm của bà về hai chữ hạnh phúc vẫn thật giản dị: Có một tuổi trẻ để sống hết mình, cống hiến hết mình, một tình yêu kiên định, vững vàng và dành trọn vẹn cho nhau.

 

 Bài và ảnh: KIM ANH