QĐND Online - Làng Ho là một bản nhỏ của đồng bào dân tộc Vân Kiều thuộc xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đây là vị trí chiến lược trên đường vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược của quân đội ta vào miền Nam. Đồng bào Vân Kiều một lòng theo cách mạng. Tuy nhiên, một thời gian dài sau chiến tranh, đời sống đồng bào vẫn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trong công tác chăm sóc sức khỏe. Kinh tế kém phát triển, đường về Trạm xá xã vừa xa, vừa hiểm trở, trình độ dân trí thấp dẫn đến tâm lý phó thác tính mạng cho thầy mo, thầy cúng. Các hủ tục trị bệnh bằng cách cúng, thổi đuổi con ma rừng vẫn tồn tại dai dẳng. Thực trạng này được giảm đi kể từ khi cán bộ, chiến sĩ quân y của Bộ đội Biên phòng đồn Làng Ho vào cuộc với sự ra đời của Trạm y tế Quân dân y kết hợp Làng Ho. Đại úy, y sĩ Cao Thanh Luận là một trong những người mang cả trái tim người chiến sĩ và tấm lòng người thầy thuốc đến với đồng bào.
 |
Đại úy, quân y sĩ Cao Thanh Luận khám và điều trị bệnh cho đồng bào Vân Kiều. |
Những ngày đầu lên với Làng Ho, anh chưa quen với đồng bào, thậm chí còn bị xa lánh, bởi với người Vân Kiều đến trạm xá cùng các phương tiện khám chữa bệnh khác là trái tập tục. Lâu nay bà con chỉ tìm thầy mo, thầy cúng làm phép, cúng thổi chữa bệnh khi đau ốm, còn sống chết là do trời. Trạm xá vắng bệnh nhân. Để tiếp xúc được với bà con bản xa, bản gần, tìm cơ hội giải thích, thuyết phục, động viên mỗi khi ốm đau phải đến trạm y tế để được khám và điều trị bệnh, vừa tuyên truyền cách phòng, chống các dịch bệnh thông thường thông qua việc ăn chín, uống sôi, nằm màn, giữ gìn vệ sinh nơi ăn chốn ở để bảo vệ sức khỏe, mỗi ngày Cao Thanh Luận “ba cùng” với đồng bào, nói tiếng Bru Vân Kiều; hòa nhập với văn hóa và tập quán sinh sống của người Vân Kiều; cùng bà con lên rẫy, theo bà con ra suối. Ở đâu có người Vân Kiều ở đó có bóng dáng màu áo xanh biên phòng của Luận và đồng đội. Bà con không đến với trạm xá thì anh đến với bà con.
Khi bản làng chìm vào đêm đen, anh lại lặn lội vượt suối băng rừng tìm về từng nhà thăm khám, cấp thuốc và thức suốt đêm bên người bệnh. Đặc biệt, để công tác vận động quần chúng đạt hiệu quả, Cao Thanh Luận chủ động đến gặp gỡ thăm bệnh cho các thầy mo, thầy cúng trong khu vực. Tin vào bác sĩ Luận, nhiều thầy mo, thầy cúng ở 2 xã Kim Thủy và Lâm Thủy trở thành cộng sự đặc biệt của anh, tham gia thuyết phục người Vân Kiều không sử dụng các biện pháp cúng thổi, bùa chú chữa bệnh nữa mà phải tìm đến các chiến sĩ quân y biên phòng. Mưa dầm thầm lâu, Cao Thanh Luận giúp xóa bỏ dần các tập tục chữa bệnh lạc hậu tồn tại trong đời sống của bà con dân tộc Vân Kiều, giúp mọi người hiểu rõ hơn hiệu quả của phương pháp chữa bệnh tiên tiến. Con đường dẫn đến Trạm xá đã quen dần với người Vân Kiều.
Một ngày gần đây, chúng tôi có dịp trở lại Làng Ho. Nghe đồng bào Vân Kiều nơi đây kể lại bao câu chuyện đầy cảm động về Cao Thanh Luận mà chúng tôi càng cảm phục. Bước xuống cầu thang trước sàn nhà, mẹ Hồ Thị Ót bày tỏ niềm vui của mình: “Năm ni mẹ đã trên bảy mươi mùa rẫy rồi, cái tuổi như mặt trời nghiêng bóng phía bên tê núi rừng. Năm trước, năm tê, cái chân hắn đi ít lại, đường gần cũng thành đường xa, cái người hắn cứ mệt ra muốn nằm. Rứa rồi là mời mấy thầy mo, thầy cúng về nhà miềng chữa thiệt chi là tốn kém mà cũng chẳng lành. Từ khi có Trạm xá quân dân y kết hợp Làng Ho, có quân y Luận lên đây với bản, mẹ cũng như bà con đã biết tìm về trạm xá, biết cách dùng thuốc men khi ốm đau, dịch bệnh. Quân y Luận tốt tốt lắm. Ai đau ốm ở mô xa, Luận cũng tìm về nhà để chữa trị. Luận đã trực tiếp đỡ đẻ cho nhiều phụ nữ trong bản nữa đó...”. Trên nét mặt ánh lên niềm tin của mế già Vân Kiều, chúng tôi hiểu bà con ở đây rất cần anh và luôn coi anh như người con của bản. Từ ngày Luận lên với Làng Ho, bà con dân bản đã biết ăn ở vệ sinh sạch sẽ, biết tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân.
 |
Đại úy, y sĩ Cao Thanh Luận phun thuốc phòng dịch bệnh trong các hộ gia đình ở bản Làng Ho. |
Hiện tại, Trạm y tế quân dân y kết hợp Làng Ho có 11 giường bệnh, được trang bị đủ phương tiện thiết bị y tế và các loại thuốc thông dụng cùng với một vườn thuốc Nam. Trạm được giao nhiệm vụ khám chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Làng Ho và đồng bào dân tộc tại các bản Làng Ho, Mít Cát và Ho Rum của xã biên giới Kim Thủy, huyện Lệ Thủy. Địa bàn hoạt động rộng, lực lượng cán bộ y, bác sĩ và điều dưỡng viên chỉ có 3 người, nhưng Cao Thanh Luận và đồng đội luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Xác định rõ, mỗi ca chữa bệnh thành công, niềm tin của người Vân Kiều dành cho Bộ đội Biên phòng sẽ đầy thêm một ít, Cao Thanh Luận cùng các đồng nghiệp không quản ngại dốc cao, suối sâu đến các bản làng xa xôi hẻo lánh trên dãy Trường Sơn khám, cấp cứu và điều trị bệnh cho nhân dân. Đồng thời anh còn tranh thủ thời gian học tập nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, tìm hiểu thêm phác đồ điều trị mới đối với các bệnh mà đồng bào thường mắc, học tập kinh nghiệm chữa bệnh truyền thống của người Vân Kiều, tận dụng nguồn thảo dược thiên nhiên quý báu có sẵn trên núi rừng Trường Sơn để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và giảm thiểu chi phí hoạt động. Đến nay, anh và cán bộ của Trạm đã điều trị bệnh cho trên 2.000 lượt người, dập tắt kịp thời các loại dịch bệnh có nguy cơ lây lan cao như sốt xuất huyết, dịch tả...nhiều ca bệnh nặng Trạm xá đều cử cán bộ trực tiếp chuyển bệnh nhân vượt tuyến an toàn. Trong những đợt dịch bệnh bùng phát, Luận và các cán bộ y, bác sĩ hoạt động 24/24h. Người trực tiếp về bản nắm tình hình, người trực Trạm xá để tiếp nhận bệnh nhân, quyết tâm dập dịch ngay trong giai đoạn đầu. Nhờ đó tình hình sức khỏe của đồng bào trên địa bàn trạm phụ trách cơ bản được ổn định. Phấn khởi trước những đổi thay trong sự chuyển biến về nhận thức của đồng bào mình hôm nay, đồng chí Hồ Bạch, Bí thư Chi bộ bản Làng Ho chia sẻ: “Địa phương chúng tôi thực sự vui và yên tâm hơn nhiều khi có quân y Luận ở đây. Bà con dân bản đã có biết bao nhiêu lần dịch bệnh lan tràn rất nguy hiểm, chỉ biết tìm về với thầy cúng, thầy bói mà không theo điều trị bệnh bằng thuốc men, khiến nhiều người không qua khỏi. Dân bản ở nơi heo hút lại càng thấy buồn thêm. Chính công trình trạm Quân dân y kết hợp cùng những cán bộ quân, dân y đầy tâm huyết với nghề như anh Luận lên đây cắm bản đã thực sự tiếp thêm niềm tin cho đồng bào, làm cho diện mạo của bản làng mỗi ngày thêm tươi sáng giữa chốn núi rừng xa xôi này...”
“Để xây dựng thế trận biên phòng, xây dựng thế trận lòng dân nơi biên giới, chúng tôi bắt đầu từ những việc làm cụ thể, từ những tình cảm và trách nhiệm với đồng bào Vân Kiều trên các bản làng. Không gì mang tính thuyết phục với đồng bào bằng những việc làm như vậy. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn là y sĩ, đồng chí Luận còn thể hiện hết trách nhiệm của một cán bộ đảng viên biên phòng về sinh hoạt ở chi bộ bản và là Phó bí thư chi bộ bản Làng Ho. Tấm lòng của đồng chí Luận đã để lại ấn tượng sâu nặng trong lòng đồng bào Vân Kiều ở đây và giúp cho tình đoàn kết quân, dân thêm bền chặt...” Trung tá Nguyễn Văn Hiếu, Đồn trưởng đồn Biên phòng Làng Ho đã bày tỏ suy nghĩ của mình.
Cùng lúc khoác lên mình hai màu áo: màu xanh quân phục và màu áo trắng của người thầy thuốc, Đại úy, y sĩ biên phòng Cao Thanh Luận đã thực sự làm tròn bổn phận của mình, bắt đầu từ những điều giản đơn như vậy.
Bài, ảnh: MINH LỢI