Những chuyến xe “tiếp sức” miễn phí
Đồng hành, hỗ trợ các lực lượng tham gia công tác cứu trợ tại thôn 1, xã Trà Leng trong những ngày qua có sự đóng góp rất lớn của những người dân sinh sống tại các xã Trà Dơn, Trà Giác, Trà Vân cùng hàng chục công nhân, lao động tự do làm việc tại đây.
 |
Những chiếc xe “tiếp sức” miễn phí vận chuyển người bị nạn đi cấp cứu.
|
Trưa 29-10, khi đội hình cơ động còn cách hiện trường gần 30 cây số, lực lượng cứu hộ nhận được tin báo của người dân về việc có 12 bệnh nhân đang được chuyển ra bằng xe ô tô và khiêng vác, chạy bộ, đề nghị bộ đội, y tế hỗ trợ xe cứu thương, chuyển các nạn nhân bị thương nặng đi cấp cứu. Dẫu vẫn biết cứu người là trên hết, song do tuyến đường độc đạo đã bị sạt lở nghiêm trọng, các phương tiện chuyên dụng không thể tiến sâu. Không chút chần chừ, các chiến sĩ vội vàng cõng cáng thương, dụng cụ, thiết bị y tế khẩn trương băng rừng, chạy bộ vào trong. Chia sẻ cùng bộ đội, hàng chục người dân, công nhân trong vùng đã bất chấp nguy hiểm, xung phong dùng xe máy đưa lực lượng cứu hộ vào trong. Đoạn dài thì được vài cây số, đoạn ngắn chỉ vài trăm mét, mọi người lại phải hò nhau khiêng, vác xe vượt qua các đám sình lầy. Những đoạn xe máy không thể vượt qua được, thì ở bên kia, đã có những người dân khác đưa xe ra đợi sẵn. Nhờ cách “chạy tiếp sức” sáng tạo, nhiệt tình của người dân, công tác cứu hộ đã thuận lợi hơn rất nhiều.
 |
Lực lượng khiêng vác góp công vào việc cứu nạn. |
Trao đổi với chúng tôi, anh Đỗ Văn Hiệp, 43 tuổi, trú tại huyện Bắc Trà My chia sẻ: “Tôi làm công nhân công trình ở trên này, còn vợ con ở dưới Bắc Trà My, cách đây gần 60 cây số. Trước bão số 9, công ty cho công nhân tạm nghỉ, về chằng chống nhà cửa. Đêm qua, nghe tin Trà Leng xảy ra sạt lở đất khiến nhiều người bị vùi lấp, anh em công nhân chúng tôi chủ động thông báo, rủ nhau lên hỗ trợ lực lượng chức năng tìm kiếm, cứu hộ bà con. Từ sáng đến giờ, chúng tôi đã hỗ trợ, vận chuyển được hàng chục nạn nhân và người cứu hộ ra vào hiện trường rồi. Đường đèo dốc quanh co, đất bùn trơn trượt, nếu không cứng tay, không chạy nổi đâu. Bà con vùng này tội lắm, người góp công, người góp sức, ai cũng cố giúp đỡ các nạn nhân. Mỗi chuyến vào cõng nạn nhân mất cả chục giờ đồng hồ, thế mà vừa quay ra, ăn tạm miếng lương khô, họ lại vội vã quay vào”.
Nỗ lực bảo đảm tốt thông tin liên lạc, hậu cần
Tuy không trực tiếp tham gia đào bới, tìm kiếm, cứu chữa các nạn nhân vụ sạt lở đất, song những đóng góp thầm lặng của các cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Thông tin 575 và lực lượng nuôi quân, hậu cần của các đơn vị tại Nam Trà My đã góp phần rất lớn trong việc đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả công tác cứu hộ.
 |
Lữ đoàn 575 bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt cho chỉ huy điều hành công tác tìm kiếm nạn nhân.
|
Do ảnh hưởng của bão số 9, hiện nay, trên địa bàn huyện Bắc Trà My và Nam Trà My vẫn bị mất điện trên diện rộng, sóng điện thoại, mạng internet nhiều nơi vẫn chưa khắc phục xong. Để bảo đảm tốt thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ huy, chỉ đạo của thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Quân khu và các cơ quan chức năng, Lữ đoàn Thông tin 575 đã điều động hàng chục cán bộ, chiến sĩ cùng các xe đầu cuối kết hợp truyền dẫn, xe thông tin cơ động, thiết bị vệ tinh Vsat mang xách nhỏ gọn, hiện đại hành quân cơ động, kịp thời có mặt tại Nam Trà My.
Thượng úy Lê Hoài Phương, Nhân viên kỹ thuật (Phòng Kỹ thuật), chỉ huy xe đầu cuối kết hợp truyền dẫn cho biết: “Với các thiết bị chuyên dụng này, toàn bộ việc thu, phát tín hiệu sẽ được thực hiện qua vệ tinh, nên hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi điều kiện khí hậu, thời tiết hay địa hình. Để kịp thời truyền tải tất cả mọi âm thanh, hình ảnh, thông tin, diễn biến tại hiện trường về Sở chỉ huy thường xuyên của Quân khu, Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc, ngoài xe đầu cuối kết hợp truyền dẫn đặt tại Ban CHQS huyện Nam Trà My, Lữ đoàn còn triển khai các tổ Vsat mang xách, xe lưu động đến tận hiện trường”.
Chiều qua (29-10), do các xe chở lương thực, thực phẩm chưa thể tiếp cận hiện trường, khiến công tác bảo đảm hậu cần cho lực lượng cứu hộ của các cán bộ, chiến sĩ nuôi quân, phục vụ Lữ đoàn Thông tin 757, Lữ đoàn Công binh 280, Tiểu đoàn 885 (Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam) trở nên khó khăn, vất vả vô cùng. Để bảo đảm cơm chín, nước sôi cho hàng trăm người ăn, sau khi mang vác xoong chảo, dầu ăn, mắm muối, gạo, củi, lương thực, thực phẩm vượt hàng chục cây số đường đèo dốc trơn trượt, bùn lầy, các chiến sĩ tận dụng các điểm trường và một số nhà dân ven đường để mắc bạt, đào bếp, tổ chức nấu nướng. Khó khăn nhất hiện nay là việc bảo đảm nguồn nước sạch để nấu ăn, do các sông suối trên địa bàn đều rất đục. Bộ đội phải đi thồ nước từ rất xa về để nấu nướng.
Trung tá Võ Văn Thành, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 885 cho biết: “Trước khi cơ động, chúng tôi đã chủ động mang theo hàng tấn củi khô để đun nấu, tránh trường hợp lên đây mưa to gió lớn, không có củi đun. Thời tiết diễn biến xấu, thường xuyên có mưa to, song sau những giờ làm việc căng thẳng, mệt mỏi, bộ đội đều có cơm ngon, canh ngọt để ăn. Sáng nay, tổ nuôi quân dậy từ 3 giờ lo chu đáo cơm nước cho anh em làm nhiệm vụ tham gia cứu hộ. Được góp phần chung tay cùng các lực lượng đẩy nhanh công tác tìm kiếm, cứu hộ các nạn nhân, chúng tôi sẽ phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”.
Có bác sĩ quân y đây rồi, con ơi đừng khóc nữa
Chồng là phu vàng ở xa, hằng ngày, chị Hồ Thị Hà mang 2 cô con gái gửi nhờ ông bà ngoại chăm nuôi giúp, còn mình bươn chải làm thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống. Chiều 28-10, lũ ống bất ngờ san phẳng ngôi làng nơi bố mẹ và các con chị đang tá túc. Nghe tin dữ, chị bỏ công bỏ việc chạy về. Chứng kiến khung cảnh hoang tàn hiện ra trước mắt, chị vật vã gào khóc gọi tên những người thân. Sáng hôm sau, bố chị là một trong những nạn nhân tử vong đầu tiên được đưa ra từ đống đổ nát. Chôn cất cha xong, chị thẫn thờ ngồi trên sườn đồi nhìn về ngôi làng cũ. Hy vọng tưởng chừng đã tắt dần, thế nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra, nhiều giờ sau, mẹ và các con chị cũng được lực lượng chức năng tìm thấy. Ngoài cháu lớn Hồ Hà My bị gãy cả hai chân, cháu nhỏ Hồ Trần Sa Ni chỉ bị thương nhẹ ở đầu, còn mẹ chị bị sây sát nhẹ.
 |
Lực lượng quân y Quân khu 5 kịp thời sơ cứu một cháu bé bị gãy chân trong vụ sạt lở.
|
Nhờ sự giúp đỡ của dân làng, khoảng 13 giờ chiều ngày 29-10, mẹ và các con chị đã được khiêng ra Trà Dơn bàn giao cho các chiến sĩ quân y, y tế. Sau khi sơ cứu, các nạn nhân tiếp tục được cứu thương chở đi bệnh viện điều trị. Nhìn cô con gái nhỏ liên tục gào khóc, chị nắm chặt tay con an ủi, động viên: “Có bác sĩ đây rồi, đừng khóc nữa con ơi. Mẹ cũng đau lòng lắm”.
Những tiếng khóc xé lòng ở Trà Leng càng thêm thôi thúc cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 5 đẩy nhanh công tác tìm kiếm những nạn nhân cuối cùng của vụ sạt lở đất kinh hoàng. Theo thông tin mới nhất mà chúng tôi nhận được, đến 15 giờ chiều nay (30-10), lực lượng cứu hộ đã tìm thêm được thi thể 1 bé gái tại hiện trường. Như vậy đến thời điểm này, ở thôn 1 Trà Leng đã có 33 người được cứu sống, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã tìm được thi thể 9 nạn nhân, hiện còn 11 người bị mất tích.
Bài và ảnh: VIỆT HÙNG – THÀNH NAM