QĐND - Những năm qua, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (TCPCPNN) đã vào Việt Nam với số lượng và giá trị viện trợ ngày càng tăng. Các TCPCPNN tập trung hỗ trợ trong nhiều lĩnh vực, trong đó rà phá bom, mìn, hỗ trợ nạn nhân bom, mìn là một trong những lĩnh vực được nhiều tổ chức quan tâm…

Vượt lên số phận

Quảng Bình là một trong những tỉnh miền Trung chịu nhiều ảnh hưởng bởi bom, mìn mà quân đội Mỹ ném xuống trong thời kỳ chiến tranh. Hậu quả để lại là có hàng nghìn người là nạn nhân của loại vũ khí sát thương này. Thế nhưng, bằng phương thức “hỗ trợ đồng cảnh ngộ”, Hội Vì sự phát triển của người khuyết tật tỉnh Quảng Bình (AEPD) đã hỗ trợ được rất nhiều người khuyết tật vươn lên, tự tin là chính mình.

Chị Cao Thị Mến (bên phải) hướng dẫn người khuyết tật trong xóm làm hàng mây tre đan.

Anh Nguyễn Văn Thuận hiện đang là nhân viên thực địa của AEPD, phụ trách hầu hết các xã của huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Nhập ngũ năm 1978, anh Thuận tham gia chiến đấu ở chiến trường Cam-pu-chia. Năm 1979, trong một trận đánh, anh bị thương và mất một bàn tay, bàn tay còn lại cụt gần hết do dính mìn. Trở về quê hương với tỷ lệ thương tật trên 81%, nhưng người cựu chiến binh ấy không đầu hàng số phận. Anh lăn lộn kiếm sống, từ nuôi lợn, nuôi trồng thủy sản, đến bán nước mía, việc gì anh cũng làm.

Cơ hội đến với AEPD như là một duyên nợ. Anh trở thành nhân viên thực địa của tổ chức, hằng ngày đi thực tế vào các làng, xã tìm kiếm người khuyết tật đang gặp khó khăn để giúp đỡ họ. Căn cứ vào mong muốn, năng lực và thương tật của từng người, anh hỗ trợ người khuyết tật lập kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp rồi trình lên tổ chức. AEPD căn cứ vào đó, tìm kiếm nguồn tài trợ hoặc dùng nguồn có sẵn để hỗ trợ người khuyết tật.

Dẫn chúng tôi đến nhà chị Cao Thị Mến, 47 tuổi, ở xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch, một trong những nạn nhân bom, mìn được AEPD hỗ trợ, anh Thuận cho biết, năm 6 tuổi khi còn chưa kịp cắp sách đến trường, chị Mến bị một viên đạn lạc rơi đúng xương sống và bị liệt từ đó. Vì bị bại liệt từ nhỏ nên chị sống trong mặc cảm, tự ti, không giao tiếp với ai. Được AEPD giúp đỡ bằng cách tìm kiếm nhà tài trợ giúp chị phẫu thuật sống lưng và lấy ra viên đạn, đồng thời hỗ trợ học nghề làm mây tre đan xuất khẩu, sức khỏe chị Mến dần hồi phục. Có nghề làm, chị vui vẻ tự tin, chủ động chia sẻ, tâm sự với chị em khuyết tật, động viên mọi người cùng vươn lên. Hiện chị Mến đang giúp đỡ 10 chị em khuyết tật cùng học nghề mây tre đan.

Trao đổi với chúng tôi về mô hình “hỗ trợ đồng cảnh ngộ”, chị Nguyễn Thị Thanh Hồng, Phó giám đốc AEPD cho biết, khác với những tổ chức ở những lĩnh vực như rà phá bom, mìn, giáo dục, y tế... AEPD lấy chính những người khuyết tật đã được hỗ trợ, say mê với công việc kết nối người khuyết tật với cộng đồng làm nhân viên thực địa. Bởi bản thân họ là những người đồng cảnh ngộ, họ hiểu nỗi đau, nỗi mất mát của người khuyết tật vì chính họ đã trải qua, bản thân họ là tấm gương sáng, là nơi anh chị em có thể sẵn sàng chia sẻ những ước mơ và khát vọng.

Vì cuộc sống yên bình

Tại Hội thảo về Khắc phục hậu quả bom mìn và vật liệu chưa nổ tại Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế lần thứ ba về hợp tác giữa Việt Nam và các TCPCPNN diễn ra ngày 28 và 29-11 tại Hà Nội, AEPD là một trong những tổ chức chia sẻ kinh nghiệm trong việc nâng cao vị thế của người khuyết tật, đồng thời thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh nhỏ, giúp người khuyết tật vững vàng hơn trong cuộc sống. Chị Hồng cho biết, tại Quảng Bình, 10 năm nay AEPD đã tiếp cận 2.850 nạn nhân bom mìn và hơn 2.500 người khuyết tật khác, giúp họ nhanh chóng tái hòa nhập với cộng đồng và cải thiện cuộc sống của chính mình.

Theo các số liệu của Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (BOMICEN), riêng số lượng đạn dược do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam là 15,5 triệu tấn. Số lượng bom, mìn còn sót lại ước tính khoảng 800.000 tấn. Bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam có tác động nhiều mặt đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Chi phí cho rà phá bom, mìn lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Để dọn sạch hết bom, mìn tại Việt Nam ước tính cần 185 nghìn tỷ đồng. Nếu dự kiến dọn sạch bom, mìn Việt Nam trong vòng 50 năm tính từ năm 2010 thì mỗi năm cần có kinh phí khoảng 200 triệu USD.

Theo ông Giô-na-tham Gút (Jonathan Gus), Giám đốc tổ chức Viện trợ nhân dân Na Uy (NPA), hiện nay có 33 TCPCPNN có những hoạt động nhân đạo liên quan đến công tác giải quyết hậu quả chiến tranh tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong số này chỉ có 7 tổ chức trực tiếp triển khai hoạt động khắc phục bom, mìn, như Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (nay là trung tâm Quốc tế IC-VVAF), SODI/Đức, MAG/Anh, NPA/Na Uy, CPI/Mỹ, Peace Trees Vietnam/Mỹ, Golden West/Mỹ và VVMF/Mỹ. Trong 10 năm qua, các dự án do các TCPCPNN tài trợ trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom, mìn có tổng giá trị ước đạt xấp xỉ 60 triệu USD, trong đó giá trị viện trợ trực tiếp cho các dự án khắc phục hậu quả bom, mìn đạt khoảng 40 triệu USD. Ông Giô-na-than Gút cho rằng, mặc dù Việt Nam đã tăng ngân sách cho việc rà phá bom, mìn, tuy chưa nhiều, song cho thấy quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc xóa sạch các điểm ô nhiễm bom, mìn ở Việt Nam. Theo ông Giô-na-than Gút, hướng đi hiện nay của Việt Nam trong việc làm sạch các vùng ô nhiễm bom, mìn là đúng đắn. Trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam cần tăng cường minh bạch thông tin, tăng sự tham gia của các TCPCPNN trong quá trình lập kế hoạch hành động quốc gia… Có như vậy, Việt Nam mới có thể hoàn thành được các mục tiêu rà phá bom, mìn, mang lại cuộc sống bình yên cho người dân.

Bài và ảnh: LINH OANH