Bố tôi là cựu chiến binh. Cách đây mấy năm, ông được Hội Cựu chiến binh huyện tặng chiếc áo trắng mới tinh. Điều làm tôi thắc mắc nhất là chẳng hiểu vì sao bố không mặc chiếc áo ấy bao giờ. Tôi nhớ, lần ấy, bố được mời đi dự hội nghị nông dân sản xuất giỏi của tỉnh. Thấy bố mặc bộ quân phục cũ, anh em chúng tôi động viên bố lấy chiếc áo trắng ra “diện” cho ra vẻ “Cựu chiến binh sản xuất giỏi”. Nhưng bố tôi nhất định không nghe và vẫn chỉ mặc bộ quân phục sĩ quan năm nào, dù áo quần đã bạc màu, sờn vai.

Ngày anh tôi thi đỗ vào một trường sĩ quan ngoài Bắc, bố tôi phấn khởi:

- Xét thấy thành tích của con trai là xuất sắc, bố tặng con chiếc áo! Áo mới tinh đấy nhé! Ra đó để diện với anh em!

Mang món quà của bố theo, nhưng vào nhà trường quân sự học tập, theo quy định, học viên không được phép sử dụng quần áo dân sự. Thế là anh trai tôi lại gửi chiếc áo về cho tôi.

Tuy là áo mới, nhưng kiểu dáng của chiếc áo đã lỗi thời, nên chẳng mấy khi tôi mặc. Năm cuối cấp THPT, lớp tôi tổ chức lưu chữ ký trên áo của nhau. Tôi nghĩ mãi để tìm một chiếc áo “hy sinh” làm vật kỷ niệm. Thế là tôi mặc chiếc áo là món quà của bố đến lớp. Bạn bè tôi cùng nhau ký nham nhở lên chiếc áo.

Thi đỗ vào Trường Sĩ quan Lục quân, tôi lên đường nhập ngũ. Sau một năm đèn sách, tôi mới có dịp về thăm gia đình. Hôm ấy, trời tháng bảy, miền Trung nắng như lửa đốt. Trên đường về, tôi gặp bố đang làm đồng. Sà vào lòng bố, tôi cảm nhận được vị chát mặn mồ hôi của bố trên chiếc áo xám màu cũ kỹ. Sau phút ôm bố cho nguôi phần thương nhớ, tôi chợt nhận ra, chiếc áo xám màu bố đang mặc là chiếc áo trắng kỷ niệm ngày nào. Thoáng trong ý nghĩ của tôi là sự hờn giận, trách móc vì bố không tôn trọng vật kỷ niệm của con. Nhưng sau bao ngày xa cách, tôi đành giấu kín ý nghĩ đó.

Buổi tối, sau bữa cơm đầm ấm gia đình, bố xem chương trình thời sự, còn mẹ thì hỏi han chuyện học tập, sinh hoạt của cậu học viên quân sự năm thứ nhất nơi “đất khách, quê người”. Trong câu chuyện dài tỷ tê của hai mẹ con, tôi không giấu được câu chuyện về chiếc áo trắng của bố và tỏ ý hờn dỗi. Nghe câu chuyện của tôi, mẹ không cố ý bênh vực bố, nhưng qua từng lời kể của mẹ tôi hiểu nỗi lòng của mẹ và thấy mình thật có lỗi với bố.

Tôi thấy ân hận vô cùng. Trách mình không tôn trọng kỷ niệm của chính mình. Hơn thế, tôi đã không trân trọng vật kỷ niệm của bố. Chiếc áo ấy là kỷ vật của đồng đội-những đồng chí “vào sinh ra tử” một thời tặng bố... vậy mà tôi vô tâm chọn nó làm vật “hy sinh” cho trò lưu bút tuổi học trò. Chân tôi như tự động bước vào phòng khách, tôi sà vào lòng bố nức nở khóc... Không biết bố có hiểu tâm trạng của tôi lúc đó không, nhưng bố vẫn hành động như ngày xưa, bố xoa đầu tôi nhè nhẹ:

- Út bây giờ là đồng đội của bố rồi! Không còn là con nít mà làm nũng với bố nhé!

Rồi bố siết chặt tôi trong vòng tay của mình.

Nguyễn Tấn Tuân