QĐND - Thoạt nhìn, cô gái trẻ đến từ mảnh đất quê lụa ấy không có gì đặc biệt, nhưng được nghe đồng nghiệp, người thân kể về sự đảm đang trong thực hiện chức năng làm vợ, làm dâu của chị khi chồng vắng nhà, chúng tôi vô cùng cảm phục. Chị là Nguyễn Thị Nhung, nhân viên Điều dưỡng Khoa Nội 1, Bệnh viện Quân y 7 (Quân khu 3)-vợ Thượng úy Nguyễn Thanh Tuyên, Chính trị viên Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Pháo binh 454.
Những ngày làm dâu nhiều thử thách
Đám cưới của đôi bạn trẻ Nguyễn Thanh Tuyên và Nguyễn Thị Nhung được bạn bè cho là “cái kết” có hậu của một tình yêu đẹp, được trải qua nhiều thử thách. Cũng như bao sĩ quan quân đội khác, sau tuần trăng mật, họ phải đối diện với những tháng ngày xa cách. Tuyên trở về đơn vị công tác, còn Nhung bắt đầu cuộc sống mới, với bổn phận làm dâu nhiều hơn làm vợ. Nguyễn Thị Nhung chia sẻ: “24 tuổi em về làm dâu, dẫu biết gia cảnh anh Tuyên, nhưng em không ngờ rằng hoàn cảnh lại trao cho em chức phận làm dâu sớm như vậy. Đó thực sự là thử thách với em”.
Rồi Nhung kể cho chúng tôi những ngày một mình chăm sóc bố và em chồng điều trị tại các bệnh viện. Ông Nguyễn Văn Tịnh, bố chồng Nhung bị sỏi thận phải tán sỏi. Nhà neo người, nên mọi công việc chăm sóc bố chồng tại bệnh viện dường như được cả nhà gửi gắm vào Nhung. Những ngày ông Tịnh nằm viện cũng là khoảng thời gian mà mọi người thấy Nhung tất bật hơn. Đêm nào người nhà bệnh nhân cùng phòng điều trị với ông Tịnh đều thấy cô con dâu xoa bóp cho bố bớt cơn đau đến rất khuya. Có lẽ vì sự chăm sóc đặc biệt ấy mà ông Tịnh sớm được xuất viện.
Bố chồng vừa xuất viện, cũng là lúc gia đình nhận được tin em trai chồng Nguyễn Văn Diện bị tai nạn tàu hỏa, cấp cứu ở Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Trong đêm khuya mưa phùn, lạnh giá, Nhung đi xe gắn máy chở mẹ chồng từ Hải Dương lên Hà Nội. Đến nơi, nghe bác sĩ thông báo em chồng mình bị gãy chân, gãy xương sườn, tụ máu ở phổi, tràn dịch, tràn khí phổi…, làm mọi người bủn rủn chân tay. Em chồng của Nhung phải mổ. Lúc này, Tuyên đang là học viên chuyển loại chính trị, nên không có nhiều thời gian để chăm sóc em. Mọi việc chăm nom Diện đều trông chờ cả vào Nhung. Ca mổ cuối cùng cũng thành công. Diện từ con người hiền lành, dễ tính, thế mà khi bị tai nạn, những cơn đau làm Diện trở nên khó tính, hay cáu kỉnh. Nhung nhớ lại:
- Lắm lúc chú ấy hay cáu vô cớ, em cũng tủi thân lắm. Có lúc một bát cháo phải nấu đi, nấu lại đến ba lần mà vẫn chưa làm chú ấy hài lòng, còn giận dỗi không ăn. Em đành phải xách cặp lồng đi mua cháo dinh dưỡng, chú ấy mới chịu ăn.
Rồi Diện cũng được chuyển về Bệnh viện Quân y 7 để tiếp tục điều trị. Ở đây, cứ rời ca trực là Nhung lại đến chăm sóc em chồng. Vì chân đau, nên Diện rất khó ngủ, thương em tối nào Nhung cũng giúp em dịu bớt đau. Nhung chia sẻ:
- Vất vả ai lại kể công, thế nhưng ròng rã một tháng trời chẳng đêm nào em chợp mắt nổi 3 tiếng. Chồng ở xa ngày nào cũng điện về động viên, dặn dò em giữ gìn sức khỏe, nhưng em lại nghĩ mình chăm sóc em chu đáo, để em chồng nhanh khỏi, cũng là cách giúp chồng yên tâm học tập, công tác.
 |
Nguyễn Thị Nhung trong một lần lên thăm đơn vị của chồng. |
Nói về cô con dâu, với giọng nói chân chất, bà Trần Thị Lan, mẹ chồng Nhung hài lòng: "Thực tình, nếu không có sự đảm đang của con dâu tôi, gia đình không biết phải xoay xở thế nào".
Và ước mong được làm mẹ…
Cưới nhau hơn hai năm, nhưng vợ chồng Tuyên vẫn thuộc diện còn son. Hôm chúng tôi đến thăm vợ chồng Tuyên ở căn phòng thuê trọ (TP Hải Dương) cũng là lúc Tuyên được nghỉ tranh thủ. Căn phòng tuy chật nhưng được bài trí ngăn nắp, gọn gàng. Bên tách trà nóng, câu chuyện về cuộc sống, gia đình giữa chúng tôi thêm dài. Tuyên mở đầu câu chuyện với lời khen khéo vợ mình: “Vợ em không chỉ là điều dưỡng viên giỏi mà còn kiêm rất nhiều nghề nữa anh ạ. Mà nghề nào cũng “siêu”!.
Thấy tôi ngạc nhiên, Tuyên giải thích thêm: "Em đi vắng, việc gì trong nhà cũng đến tay cô ấy. Điện trong nhà hỏng cũng phải tự sửa, mưa hắt vào phòng vợ cũng phải tự khắc phục cho khỏi ướt… Anh thấy đấy, vợ bộ đội không chỉ thiệt thòi về tình cảm mà còn gánh thêm rất nhiều công việc của chồng".
Tôi quay sang hỏi Nhung: "Thế vợ chồng định “kế hoạch” đến khi nào?". Nhung nhanh nhảu: "Chúng em có “kế hoạch” gì đâu, có lẽ ông trời chưa thương đấy". Còn Tuyên điềm đạm hơn: "Công việc của bộ đội, anh biết rồi, xa nhà quanh năm. Chúng em đang tích cực “tuyển quân” đấy".
Thực hiện “kế hoạch” đó, vợ chồng sĩ quan trẻ này đặt ra mục tiêu tuần nào cũng gặp nhau; nếu Tuyên không được nghỉ tranh thủ, thì Nhung lại “hành quân” lên đơn vị chồng. Nhung cho biết:
- Quãng đường từ nơi trọ lên đơn vị anh Tuyên không quá xa (30km) cũng là điều kiện thuận lợi để chúng em thực hiện ước nguyện của mình. Hơn nữa khi lên đơn vị, em hiểu thêm cuộc sống của chồng; ngược lại đơn vị biết hoàn cảnh của vợ chồng em, nên cũng tạo điều kiện hơn cho chúng em.
Cơn gió nhẹ lướt qua căn phòng trọ, bức tranh bé trai ngộ nghĩnh, xinh xắn, dễ thương treo bên tường khẽ đung đưa. Tôi thầm cầu mong trong căn phòng trọ này, vợ chồng Tuyên sớm được đón thiên thần bé nhỏ để Nhung thỏa ước nguyện làm mẹ…
Bài và ảnh: ĐỨC DỤC