Chuyện kể về một người nữ thương binh mất cả hai cánh tay đi bán chè ở phố huyện lấy tiền nuôi con ăn học. Những người đến mua đều phải tự cân, tự bỏ tiền vào chiếc rổ bên cạnh… Gần 40 năm qua chị cùng chồng xây dựng một gia đình đầm ấm. Hai con trai của chị giờ đây, một là thạc sĩ, một là kỹ sư. Đó là chị Trần Thị Hồng, thương binh trong kháng chiến chống Mỹ thuộc Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng Thuận Thành, Bắc Ninh.

Nỗi đau chiến tranh...

Theo lời giới thiệu, tôi đến khu tập thể Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng Thuận Thành, Bắc Ninh, nơi gia đình chị Hồng được cấp một căn hộ. Màu của thời gian đã phủ lên ngôi nhà nằm ở cuối dãy của khu tập thể. Trước hiên, nhiều chăn màn và quần áo rét được hong. Một người phụ nữ đang đều đặn giậm từng bước chân xuống chiếc chậu chứa đầy quần áo, bọt xà phòng trắng xóa tràn khỏi chậu. Dường như mọi vết bẩn đều được gột sạch dưới đôi bàn chân ấy. Và, đã gần 40 năm qua, đôi bàn chân bền bỉ ấy xuôi ngược thời gian, chị đã nuôi chồng và hai con trai trưởng thành. Tiếng chào của tôi đã không làm chị ngạc nhiên. Bởi hằng ngày, ở nhà chị vẫn có người đến đây hỏi mua chè Thái Nguyên.

Năm nay chị Hồng bước sang tuổi 65. Dù cuộc đời đã trải qua những nỗi đau cả về thể xác và tinh thần nhưng đôi mắt chị vẫn ánh lên nghị lực sống, niềm tin rắn rỏi của một nữ thanh niên xung phong xuân sắc năm nào và của cả một con người tật nguyền vượt qua số phận. Sự có mặt của tôi lúc này như gợi lại cả một quá khứ là “những chuỗi liên tục” của nỗi đau để chiến đấu với vết thương, với đời thường để kiếm tiền nuôi con ăn học…

Chị sinh ra ở một làng quê nghèo vùng trung du thuộc xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Như bao người con gái khác, Hồng đang ở độ tuổi đôi mươi, đều có người thầm yêu trộm nhớ. Là cô gái có nhan sắc ở trong làng, nhưng vì nhà nghèo lại đông anh em nên Hồng chưa nhận lời yêu ai. Rồi cũng là cái duyên số, Hồng gặp Hoàng Văn Uyên ở xã Kỳ Phương, Kỳ Anh, rồi bén duyên ngay từ lần đầu gặp gỡ. Chưa kịp có lời hẹn ước, năm 1962, Uyên lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc. Ở quê hương, Hồng vẫn chung thủy đợi chờ và những cánh thư qua lại ngày đó là sợi dây gắn hai người và là động lực để Uyên chiến đấu, còn Hồng thì làm tốt bổn phận của người con gái. Đến năm 1965, Hồng cũng tình nguyện đi TNXP vào chiến trường thuộc Binh trạm 12 (nay thuộc Tổng công ty xây dựng Trường Sơn). Suốt những năm kháng chiến mở đường cho bộ đội, Hồng luôn được đồng đội, chị em trong đội thương yêu, đùm bọc. Tiếng hát của đội thanh niên xung phong mở đường ngày ấy đã thôi thúc bước chân của những anh bộ đội, làm vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ người yêu của những người chiến sĩ xa quê.

Bao ước mơ được ấp ủ chờ cho ngày đất nước thôi tiếng bom rơi, thì tai họa ập đến. Năm 1968, sau loạt bom của địch ném xuống đường Hồ Chí Minh, Hồng bị thương và bất tỉnh. Khi tỉnh dậy mới biết hai cánh tay không còn. Thế là Hồng mãi mãi trở thành người tàn phế. Hồng ngất đi... Những ngày ở viện điều dưỡng là những tháng ngày Hồng đau đớn, nghĩ về cuộc đời mình mà khóc cạn nước mắt. Nhưng khi nhìn những anh em được đưa vào đây, chứng kiến những người thoi thóp gọi bố mẹ, gọi người yêu rồi vĩnh viễn ra đi… Hồng nhận ra còn nhiều đồng đội mất mát và hy sinh hơn mình. Sau khi điều trị ở bệnh viện, Hồng được chuyển về Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Nhớ lại quãng thời gian ấy, ánh mắt chị xa xăm:

- Nhớ đến mẹ, nghĩ về gia đình, rồi anh Uyên, tôi không còn khóc được nữa, cứ ngẩng lên trời cao cho nước mắt đọng lại. Nhìn đồng đội mình, nhìn đất nước mình. Tôi phải sống! Chiến tranh mà…

Ngày trở về thăm quê, Uyên đã phong thanh nghe tin về Hồng nhưng không biết thực hư thế nào. Lòng anh đau đớn nghĩ về những bức thư Hồng vẫn động viên anh chiến đấu, rằng Hồng vẫn bình an, vẫn hằng ngày tải đạn cho bộ đội. Nhưng có ngờ đâu… Uyên tìm đến Hà Nam, nơi Hồng đang dưỡng thương. Vừa nhìn thấy Uyên, Hồng bàng hoàng, đôi mắt ầng ậng nước. Uyên cũng bàng hoàng không kém, song anh đã cố nén để những dòng nước mắt yếu đuối không tuôn ra. Hơn ai hết, lúc này, Uyên hiểu anh cần phải tiếp thêm nghị lực, niềm tin yêu cho Hồng. Nghẹn ngào trong nước mắt, Hồng nói:

- Đời em còn chi nữa! Anh hãy về đi. Em không thể làm khổ đời anh...

Nhưng, Uyên vẫn một mực:

- Em có lỗi gì đâu. Em còn trở về với anh được là anh hạnh phúc lắm rồi.

Uyên xin đơn vị ở lại chăm sóc Hồng một thời gian. Đó là những khoảnh khắc không thể nào quên trong đời họ. Tình yêu đã giúp cả hai bước qua những trở ngại đời thường. Nhờ đó mà Hồng càng thêm tin yêu cuộc sống và vững vàng tiến tới hôn nhân với Uyên. Khi gia đình Uyên biết chuyện, mọi người đã hết sức khuyên can. Uyên cảm thông với suy nghĩ của bố mẹ, gia đình, họ mạc lo cho hạnh phúc của anh, nhưng Uyên vẫn cố gắng thuyết phục và giữ nguyên ý định của mình:

- Vì chiến tranh mà Hồng bị thương, lẽ nào bây giờ con lại nỡ bỏ cô ấy. Con yêu Hồng từ ngày chúng con chưa đi kháng chiến. Bố mẹ, các em hãy hiểu cho con.

Rồi đám cưới của họ được tổ chức vào tháng 5 - 1969 tại Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng Liêm Cần.

Chị Hồng kể:

- Đám cưới thời chiến về vật chất thì chả có gì, nhưng tình cảm của mọi người dành cho thì hiếm có. Vui hết sức, nhất là văn nghệ, cứ hết người này hát lại đến người kia làm cho buổi lễ đầm ấm, hạnh phúc.

Những ngày sau đó, Uyên trở lại miền Trung chiến đấu. Còn Hồng thì năm 1976 chuyển về Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Nơi ấy nay là quê hương thứ hai của chị.

Hạnh phúc nở hoa

Ngày đất nước thống nhất, Uyên trở về, cơ thể cũng không còn lành lặn. Anh bị sức ép của bom đạn. Lại những tháng ngày Hồng chăm bẵm chồng. Hai vợ chồng luôn động viên nhau vượt lên mọi nỗi đau để sống và hy vọng… Và niềm tin, sự mong đợi cháy bỏng ấy đã thành hiện thực. Năm 1978, sau lần vượt cạn thập tử nhất sinh, Hồng sinh được một đứa con trai bụ bẫm, trắng trẻo được hai vợ chồng đặt tên con là Hoàng Tiến Nhân.

Nhưng trộn trong niềm vui được làm cha, làm mẹ là những khó khăn dồn dập đổ lên tấm thân không trọn vẹn của Hồng.

Mẹ của Hồng biết tin con gái mình sinh nở, bà đã lặn lội từ Hà Tĩnh ra để chăm cháu ngoại. Nhưng rồi quãng thời gian cũng không được lâu, bà phải về. Thế là Uyên bất đắc dĩ vừa là chồng, vừa là “mẹ” lo toan cho vợ, cho con, nhất là lo bữa ăn thời bao cấp sao cho Hồng có sữa cho con bú. Có bao nhiêu chuyện nghe mà đứt từng khúc ruột trong cái tổ ấm thiếu đôi tay của người vợ, người mẹ này… Năm 1981, con trai thứ hai là Hoàng Tiến Đức chào đời. Khó khăn nhân lên gấp đôi, nhưng "quen rồi" - lời chị Hồng. Nhớ lại những tháng ngày ấy, chị bùi ngùi:

- Trợ cấp thương binh chỉ có 36 đồng, anh Uyên thì thường xuyên ốm. Tôi đã nghĩ ra việc buôn bán. Đủ nghề. Nhưng nghề buôn chè từ Thái Nguyên về là lâu nhất… buôn cho đến tận nay đấy cô ạ! Có sống qua thời bao cấp mới thấu hiểu sự vất vả cuộc sống gia đình tôi.

Chén nước tràâ trên khay dường như bị lãng quên theo câu chuyện của chị Hồng. Đôi mắt chị chợt vui vẻ khi kể về sự ngây thơ của những đứa con mình:

- Chúng không khóc, mà cũng không đòi quà. Những đứa con tôi hiểu rằng mẹ chúng không có tay và biết bổn phận của chúng… Chúng nó hồn nhiên và ngây thơ lắm. Thằng Đức ngày nhỏ cứ bắt mẹ giơ tay lên cùng với tay nó, hỏi: “Sao mẹ không có tay?”. Tôi nhìn con nước mắt giàn giụa, bảo: “Tại thằng Mỹ đấy. Thằng Mỹ lấy trộm mất tay của mẹ. Con phải học cho giỏi vào để lấy lại tay cho mẹ nhé…”. Mà lạ, nó tin và đã học rất giỏi...

Chuyện chị Hồng đi buôn chè cũng cười ra nước mắt. Chị kể:

- Những chuyến hàng từ Thái Nguyên về, đó là cả một kỷ niệm không bao giờ tôi quên. Hồi đầu, lên xe, mọi người nhìn thấy tôi đều nhường chỗ. Sau quen dần, họ biết tôi là thương binh nặng thì luôn được anh em lái xe cho một chỗ ngồi tốt. Những lúc chuyển hàng, chẳng nói chẳng rằng, họ cứ tự động vác xuống giúp. Lúc đó mình cũng chỉ biết nói “Cảm ơn”. Nhiều khi, có người nhìn thấy mình đang loay hoay với bao chè đã nhận xách hộ…

Việc bán chè của chị Hồng có những khác biệt với những người đi buôn khác. Con trai chị là Hoàng Tiến Nhân nhớ lại:

- Cứ mỗi sáng, mùa đông cũng như mùa hè, cả nhà dậy vào lúc 5 giờ sáng. Anh em tôi, đứa thì xách túi, đứa thì vác bao chè cùng mẹ đi chợ. Ở đây, có cả người mua quen và người không quen, nhưng đều giống nhau là tự cân, tự bỏ tiền vào chiếc rổ bên cạnh cho mẹ. Dường như ai cũng hiểu hoàn cảnh của mẹ.

Chè chị Hồng bán rất đông khách. Cũng có một phần do chè chị ngon, buôn bán thật thà, nhưng cái chính là khách thương mẹ con chị. Có người vừa cân chè vừa khóc, làm chị cũng khóc theo. Con nhỏ chẳng biết gì, thấy mẹ khóc cũng khóc...

Theo địa chỉ, tôi tìm gặp người con trai thứ hai là Hoàng Tiến Đức của chị Hồng đang học cao học tại Trường đại học Giao thông-Vận tải. Nhớ lại những kỷ niệm, Đức nói:

- Anh em tôi sớm hiểu và sớm biết làm vui lòng bố mẹ bằng những điểm 10. Nhất là anh Nhân, ít nói, nhưng những việc anh làm luôn là những tấm gương để tôi noi theo.

Giọng Đức lại chùng xuống:

- Những ngày trái gió trở trời, vết thương của bố mẹ tái phát, đó là những kỷ niệm không thể nào phai trong mỗi anh em tôi. Nhìn mẹ nằm co quắp, tôi rất sợ và khóc. Còn anh Nhân thì chạy đi tìm các cô chú ở Trung tâm. Chúng tôi đều sợ, đều lo lắng. Nhưng mẹ vẫn dạy chúng tôi rằng: “Khóc chỉ làm mẹ đau thêm”. Vậy mà tôi rèn mãi vẫn không được, vẫn sợ hãi những lúc bố mẹ bị vết thương hành hạ…

Năm 1982, khi chồng nghỉ việc hưởng chế độ mất sức thì gia đình chị Hồng lại càng khó khăn hơn. Đó là những tháng ngày chị xuôi ngược để chạy vạy buôn hàng. Khi hai anh em Nhân và Đức lớn hơn chút nữa đã biết đỡ đần cha mẹ gói hàng để bán. Trong khi những đứa trẻ trong xóm chơi đánh đáo, đánh ngựa thì anh em Nhân lại đang miệt mài đan những con quại để bán lấy tiền ăn. Số tiền ít ỏi kiếm được ngoài giờ học ấy hai anh em còn dành dụm để mua được cả bút, sách vở...

Ngày Nhân đỗ vào khoa Toán của Trường đại học Sư phạm I Hà Nội là niềm tự hào của gia đình cô Hồng. Ai ai trong khu tập thể cũng chúc mừng cho gia đình. Nhưng đây mới chỉ bắt đầu những chuỗi ngày gian nan sắp tới để nuôi con ăn học của vợ chồng chị Hồng. Chị kể:

- Cháu Nhân vào đại học không phải đóng tiền học phí cũng đỡ cho cha mẹ một phần. Nhưng tiền ăn ngoài thành phố rất đắt đỏ. Mấy tháng đầu tôi tằn tiện lắm mới đủ cho cháu Nhân ở trên đó. Nhưng đó chưa phải là khó khăn nhất. Ngày cháu Đức vào Trường đại học Giao thông-Vận tải thì gia đình trở nên kiệt quệ. Tôi đã quyết định đi vay lãi để nuôi con ăn học.

Giờ đây, con trai lớn Nguyễn Tiến Nhân đã nhận bằng thạc sĩ Toán học và về dạy ở trường chuyên tỉnh Bắc Ninh. Còn Nguyễn Tiến Đức vừa tốt nghiệp Trường đại học Giao thông-Vận tải, đang tiếp tục học cao học.

Khi kể cho tôi nghe về những đứa con của mình, chị Hồng vừa đưa mắt về tấm ảnh của con trai trong ngày nhận tấm bằng thạc sĩ. Chị tự hào nói:

- Cháu Nhân đã lập gia đình. Tôi lên “chức” bà nội được 10 tháng rồi. Con gái xinh lắm. Thứ bảy, chủ nhật nào vợ chồng chúng nó cũng cho con về.

Dường như mọi đau khổ, nhọc nhằn đều tan biến khi chị kể về những đứa con. Lúc này chỉ còn niềm hạnh phúc của người mẹ. Nhìn xuống khay nước, chị khẽ mời:

- Uống nước đi cô. Chè Thái Nguyên chính hãng đấy!

Đẩy chén nước bằng khuỷu tay còn lại vào sát lòng, chị uống chén nước một cách nhẹ nhàng... Ngoài trời, nắng đang độ, khoảng sân nhỏ giăng đầy vỏ chăn, mền bông và những bộ quần áo trái mùa như xua bớt đi cả những nhọc nhằn của làng thương binh nặng này...

Thay cho lời kết

Cuối buổi, tôi xin chị một tấm ảnh, nhưng chị cứ một mực: “Tôi thì có gì mà chụp ảnh hả cô?”. Xuyên suốt câu chuyện chị tâm sự về cuộc đời mình, về những khó khăn tiếp nối khó khăn và những thành tích của hai con trai mình mà không một lời kêu than về những mất mát của bản thân. Có lẽ, chị như muốn nhấn chìm những đau thương để hướng tới một cuộc sống tươi đẹp hơn.

Dù những đứa con của chị Hồng không được ấp đôi bàn tay ấm nồng hơi mẹ, dù người phụ nữ ấy đã đứng bên kia dốc của cuộc đời, trải qua những nỗi đau về thể xác, tinh thần nhưng nụ cười tươi nguyên và ánh nhìn đầy nghị lực của chị đã làm tôi cảm thấy cuộc sống mang nhiều ý nghĩa hơn khi có những con người như thế. Trong một buổi giao lưu dành cho người tàn tật, chị Hồng đã cất vang bài hát: "Cuộc đời vẫn đẹp sao/ Tình yêu vẫn đẹp sao/ Dù đạn bom man rợ thét gào/ Dù thân thể thiên nhiên mang nhiều thương tích/ Dù xa cách hai ngả đường chiến dịch/ Ta vẫn còn chung nhau một ánh trăng ngàn…". Giọng hát của chị cất lên, khuôn mặt chị ngời lên niềm tin yêu cuộc sống đầy kiên cường đã làm những người dự buổi lễ hôm đó không khỏi xúc động về một người phụ nữ biết vượt lên nỗi đau thân thể để sống và dâng hiến cho đời những bó hoa tươi thắm nhất.

Bài và ảnh: HỒNG VÂN