QĐND - Một ngày trung tuần tháng 12-2014, tại quán nước trong một con hẻm nhỏ ở phố Lò Đúc (Hà Nội), chúng tôi có cuộc trò chuyện thú vị với bác Nguyễn Thạc Long, sinh năm 1954, nguyên chiến sĩ Đại đội 16 (Trung đoàn 24, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2). Bác Long dành nhiều tâm huyết kể về ba câu chuyện-ba kỷ niệm không thể quên trong cuộc đời binh nghiệp của mình.
Chuyện thứ nhất diễn ra khoảng cuối tháng 3-1975, trên đường hành quân vào Nam, đơn vị của bác dừng chân ở xã Hòa Thọ, huyện Hòa Vang (nay là phường Cẩm Lệ), TP Đà Nẵng. Theo kế hoạch, các tiểu đội nhanh chóng tiến hành công tác dân vận và xin ở nhờ nhà dân. Tổ đồng chí Nguyễn Thạc Long được phân công vào nhà một người đàn ông tên Toan. Khi các chiến sĩ vừa đến, ông Toan đã nhanh nhảu ra đón nhưng vẻ mặt lại tỏ rõ sự lo sợ. Ông cố tình che vết xăm hai chữ "sát cộng" trên cánh tay phải rồi chủ động giải thích: "Tôi xăm chữ “sát cộng” nghĩa là muốn sát lại với cộng sản các anh ạ!". Nghe chủ nhà nói vậy, chiến sĩ Long bước đến nắm tay người đàn ông, nhỏ nhẹ cất lời: "Chúng cháu cũng xăm mấy chữ “đánh đuổi quân thù” nhưng chỉ xăm trong tim chứ không xăm ngoài cánh tay. Chỉ “đánh đuổi” chứ không tiêu diệt kẻ thù nên bác cứ an tâm. Vả lại, nếu bác có muốn "sát cộng" thì đó là những con người xấu xa theo cách tuyên truyền của kẻ thù, chứ chúng cháu như thế này thì các bác thương còn không hết".
Tối hôm đó, trời mưa như trút nước, ông Toan mang theo đèn pin, bỏ nhà đi gần một tiếng đồng hồ. Khi ông Toan ra khỏi nhà, các chiến sĩ cũng thấy lo ngại nên chủ động lên phương án đối phó nếu gặp tình huống xấu nhất. Thế nhưng, gần 21 giờ, ông Toan trở về, người ướt sũng. Ông cõng về cả túi ếch, nhái và nấu cháo “khao” bộ đội.
Chuyện thứ hai diễn ra vào giữa tháng 4-1975, khi hành quân đến Vùng B (Đại Lộc, Quảng Nam), đơn vị bắt được một tên lính ngụy. Thoạt đầu, tên lính ngụy rất sợ hãi, tỏ ra phản kháng. Nhưng một lúc sau, thấy bộ đội ta rất hiền, lại chia đều cả phần ăn cho tù binh nên hắn khép nép hỏi: "Các anh ơi, Đông Hà (Quảng Trị) được giải phóng rồi thì em có được về quê không?".
Đồng chí Long chậm rãi trả lời: "Được em ạ! Giải phóng rồi, quê mình chỉ còn đồng bào, còn nhân dân, chứ không còn kẻ thù nữa!". Sau hôm đó, tên lính ngụy không còn lầm lỳ mà xắn tay vào giúp đỡ đơn vị một số công việc.
Chuyện thứ ba: Đơn vị hành quân đến Bình Định, khi chưa kịp đặt ba lô ở vị trí tạm dừng, một người đàn bà kéo tay anh em trong tiểu đội, vừa kêu khóc, vừa van xin: "Chú bộ đội ơi, tôi nhờ các chú "xử" thằng ác ôn trong vùng. Nó ác lắm. Nó giết không biết bao nhiêu người dân, nó đáng tội chết. Các chú cứ bắn nó, nhân dân mang ơn".
Vừa giả vờ bước theo người đàn bà, đồng chí Long vừa nhỏ nhẹ khuyên: "Cô ơi! Thằng ác ôn đáng tội chết thì đúng rồi, nhưng nó chết xong cũng chưa hết tội, phải để nó nhận tội và xin lỗi với nhân dân mình trước đã".
Nghe xong lời đồng chí chiến sĩ trẻ, người đàn bà đứng sững lại. Như ngộ ra một điều gì đó, người đàn bà thủ thỉ: "Vâng, các chú cứ nghỉ ngơi, chúng tôi sẽ báo với chính quyền của ta". Trưa hôm đó, người đàn bà có quay trở lại vị trí tạm dừng của tiểu đội và biếu bộ đội một buồng dừa xiêm.
Và câu chuyện thứ tư: Tháng 12-2014 này, tôi được nghe câu chuyện của bác Long. Tôi nhận ra, ngày ấy, khi chưa tròn 20 tuổi, người chiến sĩ đã biết xử lý linh hoạt, hiệu quả các tình huống; trả lời người dân, thậm chí là kẻ thù bằng những câu từ thấm thía và rất giá trị. Có lẽ bởi vậy, tôi bỗng thấy mình lớn hơn, nhận thức rõ hơn trách nhiệm, bổn phận của thế hệ hôm nay đối với Tổ quốc.
NGUYỄN SÔNG TRÀ