QĐND Online - Sau 5 năm thực hiện chương trình cai và phục hồi cho người nghiện ma túy khu vực biên giới do BTL Biên phòng và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) phối hợp triển khai (2008-2012), tỉnh Lai Châu đã tổ chức được mô hình “Kết hợp quân dân y cai nghiện cho người nghiện ma túy” khá hiệu quả. Tuy nhiên, còn có nhiều khó khăn để tiếp tục nhân rộng mô hình này…
Nỗ lực giúp người nghiện cai nghiện
Tỉnh Lai Châu có đường biên giới dài hơn 265km; có 2 cửa khẩu song phương, 5 lối mở truyền thống và nhiều đường mòn qua lại biên giới. Khu vực biên giới của tỉnh Lai Châu chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số Dao, Mông, Hà Nhì… sinh sống tại 224 bản của 23 xã nằm trên các huyện Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè, Nậm Nhúm thuộc diện đặc biệt khó khăn. Địa hình rộng, nhiều sông, suối, núi cao, thưa dân cư; nhất là trình độ dân trí thấp cộng với tập quán sử dụng thuốc phiện lâu đời chính là thuận lợi lý tưởng cho các đối tượng vận chuyển, buôn bán, tàng trữ và sử dụng ma túy lợi dụng thực hiện mục đích. Theo thống kê của BĐBP tỉnh Lai Châu, 23/23 xã khu vực biên giới của tỉnh này có người nghiện ma túy và hoạt động liên quan đến tội phạm ma túy.
 |
Quân y Đồn Biên phòng Huổi Luông (BĐBP tỉnh Lai Châu) tổ chức cai nghiện tại đồn Biên phòng theo mô hình “Kết hợp quân dân y cai nghiện cho người nghiện ma túy”. Ảnh: Trung Kiên.
|
Mô hình “Kết hợp quân dân y cai nghiện cho người nghiện ma túy” được triển khai ở đây từ năm 2008 và đi vào thực hiện từ năm 2010 đã cho hiệu quả thiết thực. Các đồn của BĐBP tỉnh Lai Châu đã kết hợp chặt chẽ với chính quyền, y tế địa phương xây dựng kế hoạch, chọn địa điểm, rà soát số người nghiện. Tính đến nay, BĐBP tỉnh Lai Châu đã tổ chức cai nghiện ma tý cho 550 người thuộc các xã biên giới, góp phần từng bước kiềm chế, ngăn chặn và không để số người nghiện ma túy gia tăng. Đại tá Hồ Quang Thái, Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Lai Châu chia sẻ:
Việc tổ chức cai nghiện rất vất vả, việc phối hợp với chính quyền, cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể địa phương có nhiều khó khăn, nhưng khó khăn lớn nhất là không nhận được sự hợp tác của người nghiện.
Thực tế cho thấy, do địa hình rộng, dân cư thưa thớt, nên việc phát hiện ra người nghiện ma túy đã khó, việc vận động họ đi cai nghiện còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Giàng A Nhé, một người đã cai nghiện thành công nhờ mô hình này kể:
- Lúc đầu bộ đội Biên phòng đến nhà tuyên truyền, nhiều người bảo tôi đừng đi. Lên đồn là bị bắt đi tù đấy. Chúng nó còn đe dọa không bán thuốc cho tôi. Sau nhiều lần được bộ đội Biên phòng tiếp tục đến tận nhà vận động, giải thích, tôi mới quyết định đi cai nghiện.
Đại úy Nguyễn Anh Tuấn, Phó chỉ huy Đồn Biên phòng Huổi Luông cho biết:
- Việc tổ chức cai nghiện tại đồn được chuẩn bị chu đáo, các y sĩ đã được tập huấn kỹ về chuyên môn. Mỗi đợt cai nghiện kéo dài từ 15 đến 20 ngày, cho khoảng 25 đến 30 người, sau khi cho uống thuốc CEDEMEX, người nghiện cắt cơn. Quân y của đồn và một số lực lượng phối thuộc phải thường xuyên túc trực, kiểm tra, theo dõi tình trạng sức khỏe; thực hiện các biện pháp vật lý trị liệu; cho uống thuốc để người nghiện phục hồi trí nhớ, chống trầm cảm, phục hồi sinh lý, chống tiêu chảy, mất ngủ và bồi dưỡng cơ thể.
Cũng theo Đại úy Nguyễn Anh Tuấn, trong thời gian này, Đồn Biên phòng tổ chức cho người nghiện ma túy tham quan; học kỹ thuật, được trực tiếp tham gia vào các công việc trong các mô hình tăng gia, chăn nuôi phát triển hộ gia đình. Khoảng 65 đến 70% số người được cai nghiện đã trở về cộng đồng trong tình trạng tỉnh táo bình thường, sức khỏe tốt. Nhiều người về địa phương tiếp tục cuộc sống và đã từ bỏ được ma túy hoàn toàn.
Cần đầu tư để tiếp tục nhân rộng mô hình
Việc tổ chức cai nghiện cho người nghiện ma túy ở khu vực biên giới theo mô hình hình “Kết hợp quân dân y cai nghiện cho người nghiện ma túy” tại các Đồn Biên phòng ở tỉnh Lai Châu đã cho một số kết quả tốt. Tuy nhiên, theo đánh giá của BĐBP tỉnh Lai Châu, số người tái nghiện sau khi cai vẫn chiếm tỷ lệ cao. Nguyên nhân được xác định là do sau khi cai người nghiện không làm chủ được bản thân, bị bạn bè lôi kéo; do đối tượng bán lẻ trên địa bàn dựa vào địa hình rộng, dân cư thưa, trốn tránh cơ quan chức năng, cung cấp ma túy cho người cai nghiện. Theo Thượng tá Phạm Đình Hoài, Phó trưởng Phòng Quân y (Cục Hậu cần, BTL Biên phòng), muốn việc tổ chức cai nghiện ma túy thu được kết quả tốt thì phải thực hiện theo quy trình kép kín, từ khâu cách ly, đưa vào cai, giúp người nghiện lấy lại sức khỏe, thể trạng, dạy nghề cho đến quản lý được người nghiện ma túy đã cắt cơn khi trở về các bản. Trong quy trình ấy, khâu nào bị buông lỏng cũng làm cho kết quả không đạt được như mong muốn.
Tuy nhiên, còn một lý do khác ảnh hưởng đến kết quả này và quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của BĐBP. Theo đó, nhiệm vụ tổ chức cai nghiện cho người nghiện ma túy chỉ mới được triển khai trong thời gian gần đây. Trong khi đó, nguồn kinh phí thực hiện rất hạn hẹp. Các đồn Biên phòng phải bố trí thêm lực lượng, dồn dịch nhà ở, chia sẻ phương tiện sinh hoạt, hỗ trợ kinh phí ăn cho người đến cai nghiện thì mới đạt được kết quả như đã nêu ở trên. Điều này ảnh hưởng phần nào đến các mặt công tác khác.
Phát biểu trong hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện công tác cai nghiện ma túy tại khu vực biên giới mới đây, Đại tá Hồ Quang Thái, Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Lai Châu nhấn mạnh: Càng ngày thủ phạm của tội phạm vận chuyển, buôn bán, tàng trữ ma túy trên địa bàn càng có chiều hướng tinh vi hơn, phức tạp, khó ngăn chặn hơn. Số người nghiện ma túy khu vực biên giới cũng có chiều hướng tăng. Vì vậy, để ngăn chặn ma túy phát triển ở địa phương khu vực biên giới cần phải có sự đầu tư, hỗ trợ tích cực về kinh phí của Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội. Nên đào tạo bổ sung kiến thức và tăng cường lực lượng quân ý, xây dựng chính sách hỗ trợ cho BĐBP trong làm công tác cai nghiện ma túy thì kết quả sẽ cao hơn.
Kết quả việc tổ chức cai nghiện cho người nghiện ma túy theo mô hình “Kết hợp quân dân y cai nghiện cho người nghiện ma túy” ở khu vực biên giới của tỉnh Lai Châu đã được khẳng định. Đây chính là việc cần thiết, là điều kiện để phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên. Thời gian tới, việc triển khai mô hình sẽ thuận lợi hơn nếu Nhà nước và cơ quan chức năng sớm có kế hoạc cụ thể, đầu tư cơ sở vật chất và kinh phí cơ bản. Đó cũng là mong muốn để vùng biên ngày càng bình yên hơn.
MẠNH THẮNG