QĐND - Thực hiện mục tiêu của Đảng, Nhà nước là bảo đảm người có công và hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của người dân địa phương nơi cư trú, trong những năm qua, các địa phương, đơn vị trên địa bàn Quân khu 5 đã tổ chức triển khai hiệu quả mô hình xã, phường làm tốt công tác chăm sóc người có công…

Theo Thiếu tướng Trần Quang Phương, Chính ủy Quân khu 5, để thực hiện thành công mô hình xã, phường làm tốt công tác chăm sóc người có công, các địa phương phải dựa vào 3 nguồn chính: Trước hết là chính sách ưu đãi của Nhà nước, đây là nguồn lực quyết định nhất. Nguồn thứ hai là huy động từ cộng đồng các tổ chức, cá nhân tham gia cùng Nhà nước chăm sóc các đối tượng người có công. Thứ ba là có một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ để bản thân người có công tự phấn đấu, chủ động trong việc tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập và bảo đảm mức sống tốt hơn.

Tìm hiểu thực tế, chúng tôi thấy rằng trong những năm qua, các địa phương, đơn vị trên địa bàn Quân khu 5 đã vận dụng nhiều mô hình sáng tạo, nhiều phong trào thi đua mang đậm tính nhân văn, thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” với nhiều giải pháp thiết thực như: Hỗ trợ tài chính cho người có công làm kinh tế thông qua việc cho vay vốn; các đơn vị, doanh nghiệp tích cực hỗ trợ và hướng dẫn về mô hình, kỹ thuật, kinh nghiệm làm kinh tế… để đời sống người có công được cải thiện và ngày càng tốt hơn. Trong phạm vi bài này, chúng tôi giới thiệu cách làm của tỉnh Quảng Nam-một trong những địa phương có tỷ lệ người có công cao nhất cả nước.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam chăm sóc thân nhân gia đình người có công.

Bà Đinh Thị Liễu, Phó trưởng phòng Người có công, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam cho biết, thực tế trong những năm qua, các địa phương trong toàn tỉnh đã chủ động làm tốt công tác phân bổ nguồn tài chính hợp lý cho các hoạt động cải thiện đời sống người có công bên cạnh trợ cấp, phụ cấp hằng tháng được chi từ ngân sách Nhà nước. Các giải pháp đều được thực hiện đồng bộ, thể hiện sự chăm lo đến đời sống người có công của lãnh đạo, chính quyền, đoàn thể các cấp và nhân dân. UBND tỉnh chỉ đạo các huyện làm tốt chính sách, chương trình hỗ trợ, cấp học bổng, tặng quà con em các gia đình thương binh, liệt sĩ, các gia đình chính sách để các cháu có điều kiện học tập tốt hơn. Các cơ quan, ban ngành trong toàn tỉnh đều quan tâm, ưu tiên giúp đỡ, tạo việc làm cho số con em các gia đình người có công khi ra trường. Nhằm giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống người có công, tỉnh yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất, ưu tiên cho các gia đình người có công vay vốn. Các huyện, xã, phường chủ động tập huấn và hướng dẫn hỗ trợ vốn, hướng dẫn các mô hình phát triển kinh tế; nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách để nghiên cứu, đề xuất cơ chế hỗ trợ hợp lý đối với người có công. Hằng năm vào mùa thu hoạch, các tổ chức thanh niên, phụ nữ huy động lực lượng giúp đỡ gia đình người có công. Đến dịp lễ, Tết hoặc các ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước, đại diện các xã, phường tới thăm hỏi, động viên, tặng quà… 

Theo ông Huỳnh Tấn Triều, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam, trong nhiều năm qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của Quảng Nam được tổng kết nhân rộng điển hình ở các khu dân cư, xã, phường, thị trấn, nhất là mô hình xã, phường làm tốt công tác chăm sóc người có công. Trong đó, lấy thôn, tổ dân phố, xã, phường làm đơn vị để tổ chức phong trào; coi trọng việc xây dựng, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, biểu dương, nhân rộng mô hình xã, phường làm tốt công tác chăm lo người có công. Một hoạt động thi đua khá đặc biệt là hướng vào việc phát hiện và nhân rộng gương người có công về tinh thần vượt khó, vượt qua những đau thương, mất mát để phát huy những phẩm chất kiên cường trong chiến đấu vào cuộc sống hiện tại, vươn lên làm kinh tế giỏi, được các xã, phường, thị trấn đặc biệt quan tâm, có hiệu ứng lan tỏa và sức ảnh hưởng tích cực. Các địa phương đã hỗ trợ tài chính cho người có công làm kinh tế thông qua việc cho vay vốn, các doanh nghiệp tích cực hỗ trợ và hướng dẫn về mô hình cũng như các phương pháp, kỹ thuật, kinh nghiệm làm kinh tế. Tiêu biểu trong thực hiện mô hình xã, phường làm tốt công tác chăm sóc người có công là các huyện: Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Núi Thành và TP Tam Kỳ.

Chăm sóc người có công là việc làm thường xuyên của thanh niên huyện Duy Xuyên.

Cùng với việc thực hiện các chế độ ưu đãi, thì việc chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần cho người có công cũng được các xã, phường, thị trấn quan tâm. Thực hiện chương trình hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công, từ năm 1997 đến nay, tỉnh Quảng Nam đã vận động hơn 768 tỷ đồng để xây dựng và sửa chữa 35.682 nhà ở, nhà tình nghĩa, góp phần ổn định cuộc sống, cải thiện nơi ở cho người có công (trong đó xây mới 7.164 nhà). Các cơ quan, đơn vị và địa phương đã vận động xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được hơn 88,6 tỷ đồng; vận động các cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân tặng 12.377 sổ tiết kiệm tình nghĩa cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ với tổng trị giá hơn 9,6 tỷ đồng…

Nhờ có những giải pháp, cách làm phù hợp, đến nay Quảng Nam có gần 99% số hộ người có công có đời sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống của nhân dân trên địa bàn cư trú; có 241 xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh-liệt sĩ và người có công, đạt hơn 98,7% so với tổng số xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.

Có thể nói, từ việc tăng cường các giải pháp huy động nguồn lực để thực hiện chính sách ưu đãi người có công và triển khai hiệu quả mô hình xã, phường làm tốt công tác chăm sóc người có công của tỉnh Quảng Nam nói riêng và các địa phương trên địa bàn Quân khu 5 nói chung, đã từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người có công, góp phần giữ vững ổn định tình hình chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Tin tưởng rằng, bằng tình yêu thương, trách nhiệm trong thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” và phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn", thời gian tới, các cơ quan, đơn vị và cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn Quân khu 5 tiếp tục triển khai, thực hiện tốt công tác chính sách đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công bằng những việc làm thiết thực, trọn vẹn nghĩa tình tri ân.

------------

Bài 1: Huy động nguồn lực, hỗ trợ thiết thực

Bài 3: Điểm sáng Quảng Nam

Bài và ảnh: PHAN TIẾN DŨNG