
|
LLVT tỉnh Bến Tre giúp gia đình chính sách dựng lại nhà sau cơn bão số 9 (cuối năm 2006). |
Thực hiện công tác chính sách, phong trào Đền ơn đáp nghĩa trong 5 năm qua ở tỉnh Bến Tre đã thu được nhiều “trái ngọt”, là nhờ các mô hình, cách làm sinh động, sáng tạo, mang đậm tính xã hội hóa, huy động được sức mạnh của nhân dân, các đơn vị, tổ chức trong và ngoài tỉnh; vận dụng sáng tạo, đúng đắn các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong thực tiễn.
Nhà nhà, ngành ngành thi đua làm việc tình nghĩa
Khi chúng tôi về Bến Tre thực hiện bài viết này, cũng là lúc gần 100 cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ CHQS tỉnh hành quân về với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến thuộc 3 huyện: Mỏ Cày, Giồng Trôm và Thạnh Phú để giúp đỡ các gia đình chính sách. Đợt hành quân về nguồn lần này kéo dài 20 ngày, với nhiều hoạt động, như: sửa sang lại nhà cửa và xây mới 9 căn nhà “Nghĩa tình đồng đội”, khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho các gia đình chính sách... Nói về những hoạt động Đền ơn đáp nghĩa của LLVT tỉnh Bến Tre trong những năm qua, đồng chí Thượng tá Trương Vũ Hà, Trưởng Ban chính sách Bộ CHQS tỉnh cho biết:
- Công tác chính sách và Đền ơn đáp nghĩa luôn được Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đặc biệt quan tâm. Bộ CHQS phối hợp với các ngành liên quan, xác minh, công nhận hàng chục nghìn đối tượng chính sách. Từ năm 2002 đến nay, mỗi năm Bộ CHQS vận động được gần 100 triệu đồng xây dựng quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Phong trào Đền ơn đáp nghĩa đã được cán bộ, chiến sĩ hưởng ứng nhiệt tình và ngày càng cổ vũ, lan tỏa ra toàn tỉnh. Năm 2007, Bộ CHQS đã giao chỉ tiêu cụ thể cho mỗi Ban CHQS xây dựng một nhà tình nghĩa; mỗi cơ quan, đơn vị trực thuộc xây dựng một nhà nghĩa tình đồng đội. Nguồn kinh phí đều được huy động từ đóng góp của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và vận động các nhà hảo tâm.
Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh cũng là một điểm sáng về thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Hội có nhiều sáng kiến, cách làm hay trong công tác vận động xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương. Từ năm 2002 đến nay, Hội phụ nữ phát động phong trào cán bộ, hội viên tiết kiệm mỗi ngày 200 đồng, từ đó huy động được 2,5 tỷ đồng, xây dựng được hơn 400 căn nhà tình thương, tình nghĩa; tổ chức cho 89 Bà mẹ Việt Nam anh hùng ra thăm Thủ đô Hà Nội, viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; phụng dưỡng 60 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; xóa đói giảm nghèo cho gần 2.000 gia đình chính sách; chăm sóc thương binh nặng… Chị Huỳnh Thị Thùy Giao, Trưởng ban Gia đình - Xã hội của Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh bày tỏ:
- Là phụ nữ nên chúng tôi thật hiểu sự hy sinh, mất mát của những thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ là rất lớn, không gì có thể bù đắp được. Chính vì vậy, cán bộ và hội viên luôn dành tình cảm đặc biệt đối với đối tượng chính sách, tích cực tham gia phong trào Đền ơn đáp nghĩa. Hiện nay, các chi hội đang hưởng ứng phong trào chăm sóc, đỡ đầu thương binh. Những thương binh nặng, thiếu người chăm sóc được các hội viên hội phụ nữ thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, chỉnh trang nhà cửa, giúp nấu cơm, nhất là chăm sóc anh em thương binh lúc đau yếu, thương tật tái phát. Những tình cảm của chị em phụ nữ đã giúp các đồng chí thương binh có thêm nghị lực sống và tiếp tục cống hiến xây dựng quê hương.
Niềm vui từ “Cái nôi” Đồng Khởi
Phát huy nội lực và tận dụng tối đa sự ủng hộ của các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân ngoài tỉnh trong vận động xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, đền thờ liệt sĩ đã được các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh thực hiện tốt, mang lại hiệu quả cao. Một trong những địa phương làm tốt và có nhiều sáng kiến, có nhiều cách làm hay mang tính xã hội hóa cao đó là huyện Mỏ Cày, cái nôi khởi phát phong trào Đồng Khởi trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nay, địa phương tiếp tục thực hiện phong trào “Đồng Khởi mới” trong công tác chăm lo gia đình chính sách. Mỏ Cày là huyện có hộ gia đình chính sách nhiều nhất tỉnh Bến Tre, với hơn 25.000 người có công, chiếm 40,7% số hộ trong toàn huyện, trong đó có 519 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 10.000 liệt sĩ, 5.000 thương binh, bệnh binh... Trao đổi với chúng tôi về công tác chăm sóc gia đình chính sách của huyện, đồng chí Võ Văn Đức, Phó phòng Nội vụ - Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết:
- Thực hiện phương châm toàn dân chăm sóc gia đình chính sách, huyện đã thu được hiệu quả cao. Từ năm 2002 đến nay, trên địa bàn huyện đã xây dựng 444 nhà tình nghĩa, 521 nhà tình thương, với tổng kinh phí gần 13 tỉ đồng. Ngoài ra, huyện còn có nhiều chương trình, phong trào, như: ổn định đời sống thương binh, bệnh binh nặng; đỡ đầu con thương binh, liệt sĩ; chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cha mẹ liệt sĩ già yếu, cô đơn, con liệt sĩ, con thương binh nặng, tặng vườn cây tình nghĩa. Các cựu chiến binh thường xuyên đến các gia đình chính sách neo đơn để giúp cải tạo vườn tạp, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, vốn sản xuất.
Ở xã Tân Trung, cán bộ và nhân dân đã tận dụng triệt để sự ủng hộ của những người con quê hương đi làm ăn xa và thực hiện xã hội hóa công tác xây dựng nhà tình nghĩa. Nhiều cán bộ xã, ban, ngành đã cất công đến các cơ quan, đơn vị có sự quen biết ở các tỉnh, thành phố lớn như: TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai… để vận động giúp đỡ kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương. Từ nguồn tiền vận động, trung bình mỗi năm xã xây dựng được 10 căn nhà tình nghĩa, tình thương. Hôm chúng tôi đến thăm gia đình Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Chói cũng là lúc anh em dân quân cơ động của xã đang giúp mẹ xây dựng căn nhà tình nghĩa để kịp khánh thành đúng dịp kỷ niệm 60 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ. Mẹ Chói xúc động nói:
- Sống trong căn nhà ọp ẹp, xuống cấp đã bao năm rồi. Nay nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ cho 18 triệu đồng, con cháu mỗi người thêm một ít, dân quân xã giúp công xây dựng, bà con hàng xóm người cho cây gỗ, tấm tôn, viên gạch để căn nhà thêm khang trang, tôi vô cùng cảm động và cảm ơn sự giúp đỡ to lớn này.
Đồng chí Lê Phương Thắng, Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh-Xã hội tỉnh Bến Tre cho chúng tôi biết:
- Công tác chăm lo gia đình chính sách được các cấp, ngành địa phương cụ thể hóa bằng các chương trình hành động, mang lại hiệu quả cao. Mỗi xã, tổ nhân dân tự quản, tổ chức đoàn thể đều có các chương trình, hình thức phong phú, sinh động, giúp cho công tác chăm lo cho gia đình chính sách được xã hội hóa, có sức lan tỏa, thể hiện trách nhiệm và tình yêu thương của cộng đồng đối với những gia đình chính sách, đối với thương binh, bệnh binh, những người đã hy sinh một phần xương máu của mình để đất nước được độc lập, hòa bình, ấm no như ngày hôm nay.
Bài và ảnh: TRUNG KIÊN, BÁ HIÊN
-------------------------------------------
Kỳ sau: Sức lan tỏa của nghĩa tình yêu thương