Hoàn cảnh khó khăn nhưng ngày mới đến sống tại điểm dân cư (ĐDC) biên giới xã Đắc Ơ (Bù Gia Mập, Bình Phước), vợ chồng anh Điểu Hanh, sinh 1992, dân tộc S’tiêng vẫn yên tâm không lo thiếu ăn, thiếu mặc vì được đơn vị, địa phương tặng gạo và nhiều đồ dùng sinh hoạt, như: Ti vi, tủ, giường, bột ngọt, dầu ăn, quạt điện… Giới thiệu với chúng tôi, anh Điểu Hanh cho hay: “Gia đình tôi được giao quản lý, sử dụng gần 10.000m2 đất sản xuất. Được sự tư vấn của địa phương, vợ chồng tôi đã trồng ngô, sắn, hồ tiêu và trồng xen canh bầu, bí, rau xanh... theo phương châm lấy ngắn nuôi dài. Có đất sản xuất, có nhà ở ổn định, tôi tình nguyện tham gia dân quân xã Đắc Ơ. Từ khi hoa màu cho thu hoạch, trung bình gia đình tôi thu nhập khoảng 8 triệu đồng/tháng”.
Còn gia đình anh Hồ Văn Khúc, ở ĐDC biên giới xã Mỹ Quý Tây (Đức Huệ, Long An), do nhiều năm qua, gia đình có đất sản xuất giáp biên, nay được Quân khu 7, địa phương hỗ trợ xây nhà nên kinh tế gia đình khấm khá hơn.
 |
Cán bộ tỉnh Long An và bộ đội hướng dẫn người dân trồng cây xanh tại điểm dân cư biên giới xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng. Ảnh: TRUNG DŨNG. |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Văn Cảnh cho biết: "Trước đây, địa phương cũng nhiều lần di dân ra biên giới nhưng do thiếu việc làm, các nhu cầu dân sinh bảo đảm còn hạn chế nên chỉ một thời gian, nhiều hộ lại tự chuyển đi nơi khác sinh sống. Với đề án này, được sự phối hợp chặt chẽ của Quân khu 7, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương phối hợp với các doanh nghiệp tạo việc làm ổn định, hỗ trợ vốn, giống cây trồng, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho bà con. Định kỳ, các ban, ngành tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao và thực hiện kết nối giao thương; khám bệnh, cấp thuốc cho người dân, nâng chất lượng cuộc sống của bà con vùng biên ngang bằng như các vùng nội địa...".
Để mô hình phát triển vững chắc, Quân khu 7 phối hợp với các địa phương triển khai tốt các chương trình mục tiêu quốc gia, như: Chương trình quân dân y kết hợp, xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, phổ cập giáo dục… Với mục tiêu “an dân giữ đất biên cương”, các địa phương tập trung hướng người dân trồng những loại cây thế mạnh, như: Hồ tiêu, mía, sắn, cao su, cỏ nuôi trâu, bò… gắn với phát triển các ngành, nghề truyền thống. Các địa phương có quy hoạch, cơ chế, chính sách hỗ trợ đất đai, thuế, vốn vay ưu đãi nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào vùng biên giới, xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ, cơ sở hạ tầng. Các hộ dân đều được sử dụng điện lưới quốc gia. Những nơi chưa có điện lưới quốc gia thì được doanh nghiệp, địa phương hỗ trợ lắp đặt điện mặt trời…
Những gia đình được dọn đến sinh sống tại ĐDC được các đơn vị, địa phương bình xét, lựa chọn theo tiêu chí: Những người tình nguyện, chấp hành tốt pháp luật; có khả năng, điều kiện bảo đảm cuộc sống, định cư bền vững; ưu tiên cán bộ, chiến sĩ dân quân tại các chốt biên giới, dân quân thường trực, quân nhân dự bị động viên, gia đình cán bộ, QNCN, công nhân viên của các đơn vị LLVT. Các ĐDC có quy chế quản lý khoa học, chặt chẽ. Gia đình cán bộ, chiến sĩ giữ vai trò nòng cốt, là cầu nối giữa đơn vị, cấp ủy, chính quyền địa phương với các hộ dân, làm cho mỗi người dân cũng mang trong mình phẩm chất người chiến sĩ, xây dựng nguồn nhân lực tại chỗ chất lượng cao cho vùng biên. Quân ở trong dân và dân ở trong quân. Các đơn vị là chỗ dựa vững chắc để nhân dân bám biên. Dù còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng với cách làm cụ thể, vững chắc từng bước, Quân khu 7 quyết tâm phối hợp với các địa phương thực hiện tốt đề án. Trong những năm tới, Quân khu 7 tiếp tục triển khai, xây dựng thêm 27 ĐDC và phát triển thí điểm một số ĐDC thành các cụm dân cư vùng biên.
Đề án xây dựng ĐDC liền kề chốt dân quân biên giới của Quân khu 7 phối hợp với các địa phương đã và đang góp phần giúp biên giới Tây Nam khởi sắc. Đó là kết quả, trách nhiệm của Quân khu 7, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân các địa phương, doanh nghiệp, cùng chung tay thực hiện hiệu quả đề án với mục tiêu xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị phát triển.
HUY VÕ - DUY HIỂN