QĐND - Cũng như bao người phụ nữ thời hậu chiến, 3 bà Nguyễn Thị Hè, Nguyễn Thị Hột và Nguyễn Thị Nghĩa ở cùng xã Yên Lộc, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định vẫn khắc khoải đợi chờ, hy vọng chồng mình sẽ trở về. Hằng ngày, họ thầm lặng chăm sóc những phần mộ liệt sĩ ở nghĩa trang quê nhà để thầm mong ở nơi nào đó, chồng mình không bị lãng quên.
Ở xã Yên Lộc, huyện Ý Yên, người dân đa phần làm ruộng. Cũng như nhiều người phụ nữ khác ở đây, các bà Nguyễn Thị Nghĩa, Nguyễn Thị Hè, Nguyễn Thị Hột ngày ngày ra đồng làm ruộng, lúc thì nhổ cỏ, lúc trồng rau… Cuộc sống chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng. Nhưng có khác là cả 3 bà đều dành thời gian trong ngày để chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ của xã Yên Lộc. Công việc không có gì vất vả, chỉ là nhổ cỏ, quét dọn sao cho khuôn viên nghĩa trang luôn sạch sẽ, khang trang. 3 bà không coi đây là công việc bắt buộc mà luôn làm với tâm thế sẵn sàng, tự nguyện. Ngày ngày, được tự tay quét dọn, thắp nén nhang thơm, cả 3 người phụ nữ này thấy lòng như ấm hơn, nhất là mỗi khi đến ngày Chiến thắng 30-4, ngày Thương binh Liệt sĩ 27-7… họ đều nhận thấy vẻ yên tâm trên những khuôn mặt của người thân của các liệt sĩ thấy nghĩa trang ấm cúng như thế này.
 |
Từ trái qua phải: bà Nguyễn Thị Hè, Nguyễn Thị Hột, Nguyễn Thị Nghĩa
|
Cả 3 người phụ nữ đều làm việc một cách thầm lặng. Ngày nào cũng thế, 60 phần mộ ở nghĩa trang xã Yên Lộc đều thơm mùi hương trầm. Trên mỗi phần mộ đều có một cây hoa lúc nào cũng xanh tươi và đến mùa nở những đóa hoa tươi thắm. Tất cả đều được bàn tay của 3 người phụ nữ này chăm sóc, vun trồng. Bà Nguyễn Thị Hột nói, giọng nghèn nghẹn: “Tất cả các anh, các chị đang nằm ở nghĩa trang đều đã chiến đấu và hy sinh vì Tổ quốc, dù mỗi người ở một nơi nhưng cuối cùng họ lại chọn một nơi để nằm xuống. Chúng tôi-những người còn sống đều muốn góp một phần nhỏ bé để cho thân nhân các anh các chị đỡ tủi”.
Việc chăm lo nghĩa trang liệt sĩ xã kể ra cũng không có gì nặng nhọc, nhưng sự chăm chút của ba người đàn bà này đều khiến người trong làng, ngoài xóm cảm động. Họ làm việc đều đặn, tự nguyện. Chúng tôi nhìn những nhát chổi ngay ngắn, khoan thai dưới chân ba người mà lòng dâng tràn một nỗi cảm khái, nhớ nhà da diết. Vâng, chính họ đã cho những người đến nghĩa trang này một niềm tin.
Một ngày bình dị, ba người phụ nữ đi làm đồng về, lại hẹn gặp nhau đến nghĩa trang để chuyện trò. Họ nói chuyện với nhau trong lúc nhổ cỏ, trong lúc tỉa những bông hoa, trong lúc lau chùi những tấm bia mộ liệt sĩ. Ba người phụ nữ nghèo, dành dụm tiền từ những buổi chợ chiều để thêm vào nghĩa trang những nhành hoa, nén hương.
Có lần, xảy ra vào tháng trước, bà Hột đi chợ thấy người ta bán loại hoa đẹp quá mà không có đủ tiền để mua. Lại được người bán quảng cáo rằng loại hoa này dễ trồng và lại nở hoa nhiều. Bà vội về bàn với hai chị em. Mọi người thống nhất góp tiền để mua một ít cây giống về nhân lên cho mỗi một mộ phần có thêm một cây hoa lạ này. Đến giờ những cây giống đã bén rễ xum cành, ba bà đều cảm thấy rất hài lòng. Họ cùng nghĩ nếu còn sống thì các anh, các chị chắc cũng bằng tuổi mình bây giờ, họ cũng thích trang trí ngôi nhà khang trang đẹp đẽ. Có thêm hoa hẳn các anh, các chị nằm ở dưới đó cũng thấy hài lòng.
Ba người phụ nữ ba nỗi lòng thương nhớ. Họ vẫn tự hỏi nhau không biết chồng mình hiện giờ đang nằm ở phương nào? Và trong sâu thẳm trái tim của họ đều tin rằng, dù có ở đâu, mộ phần của các anh cũng được chăm sóc chu đáo, các anh không thấy cô quạnh.
Chiến tranh đã cướp đi những năm tháng thanh xuân chờ đợi. Họ đã đợi 30 năm, và sẽ còn đợi lâu hơn nữa, đợi sự kỳ diệu, những phép màu, họ chỉ mong một lần được ôm ấp di cốt của người chồng thân yêu. Số phận cuộc đời thật kỳ lạ, nó run rủi để ba người phụ nữ, ba người vợ liệt sĩ đến với nhau. Họ có tình chị em, tình đồng cảnh. Họ đều có đức tin, và mong mỏi anh linh các anh hùng liệt sĩ ở nghĩa trang này phù hộ độ trì, dẫn dắt, đưa đồng đội của các anh trở về với gia đình. Bà Hè nói qua làn nước mắt: “Các anh ở đâu thì hãy về với chúng em. Dù cuộc sống vất vả thế nào chúng em cũng có thể chịu đựng được. Chúng em sẽ chờ…”. Những tháng năm đằng đẵng, ba mươi năm có lẻ để nước mắt khô cằn thành sỏi đá, để những đôi mắt lúng liếng nay giẽ chân chim in trên gương mặt. Vậy mà các anh vẫn chưa về!
Bà Nguyễn Thị Hột là vợ liệt sĩ Phạm Văn Thâu, sinh năm 1949, hy sinh năm 1972, ở Quảng Nam. Liệt sĩ Phạm Văn Thâu hy sinh khi mới 23 tuổi. Hai người kịp có với nhau một mụn con gái. Gần 40 năm trời, chị Hột ngày xưa và bà Hột hôm nay vẫn tin tưởng sẽ có ngày chồng trở về. Bà Hột hiện ở với mẹ chồng. Bà nói: “Ở tuổi 63 tôi đã lên chức bà rồi đấy, nhưng tôi vẫn là cô con dâu ngoan hiền của mẹ chồng năm nay 93 tuổi. Sống đến cái tuổi này, tôi cũng chỉ còn ước nguyện là tìm thấy mộ chồng cho mẹ của anh thấy lòng được thảnh thơi và tôi được chăm sóc mộ phần của anh nốt quãng đời còn lại”.
Còn bà Nguyễn Thị Nghĩa cũng chỉ biết chồng hy sinh ở chiến trường Cam-pu-chia. Nghe đồng đội nói thi thể anh khi chết không còn nguyên vẹn. Xa xôi cách trở như thế, biết làm thế nào mà tìm được chồng đây. Bà còn có 2 người con. Bà kể: “Lúc còn bé chúng ốm đau, quặt quẹo suốt. Cả một thời tuổi trẻ chỉ nghĩ kiếm tiền thuốc thang cho con. Chưa bao giờ cuộc sống được thảnh thơi. Ba mẹ con rau cháo qua ngày”. Đến hôm nay bà Nghĩa bảo cuộc sống được như thế này là mừng lắm. Những gian nan cuối cùng rồi cũng đi qua, 2 người con giờ đã trưởng thành, tuy còn nghèo nhưng rất có hiếu với mẹ. Giờ mấy mẹ con sống quây quần bên nhau, điều đó cũng khiến bà thấy an lòng khi tuổi đã xế chiều.
Mỗi lần nhắc đền chồng, bà Nguyễn Thị Hè không cầm được nước mắt. Chồng bà hy sinh năm 1972 bên dòng sông Long Khốt (tỉnh Long An). Chia tay chồng lên đường ra trận khi chưa kịp có được mụn con, bà ở vậy đến nay và nhận một cậu con trai của ông anh về nuôi cho đỡ thân già cô quạnh. Chưa một lần được làm mẹ nhưng bà đã chứng tỏ mình là một người mẹ hết lòng với con. Để đến nay, bà cũng được đền đáp xứng đáng. Con trai lập gia đình và đang ở với bà. Ngày ngày tiếng con trẻ líu lo gọi "bà nội ơi", bà lại nhớ đến chồng. Ước gì… nhưng điều ước đó bà chỉ giữ riêng cho mình. Cả gia đình bà cũng đã nhiều lần lên đường tìm mộ nhưng đến nay vẫn bặt vô âm tín. Bà chỉ biết chồng hy sinh ở chiến trường miền Nam. Giờ hài lòng với cuộc sống nhưng trong lòng vẫn luôn khắc khoải chờ mong.
Ba người đàn bà, mỗi người một số phận nhưng họ có điểm giống nhau đến lạ kỳ. Đăc biệt ở đôi mắt, ánh nhìn đầy đức tin, đầy hy vọng và vương vấn nỗi buồn. Cả ba chia tay chồng ra trận khi tuổi còn mười tám, đôi mươi. Cả ba cùng kìm nén tuổi xuân khát khao tình cảm để động viên chồng lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Cả ba chung một lòng chung thủy, vàng đá ân tình. Khi có ai đó vô tình mà động đến nỗi đau, cả ba người đều nói những câu nói mộc mạc đến nghẹn lòng: Không bao giờ chúng tôi đi bước nữa, đời chúng tôi đã dành trọn vẹn cho các anh. Các anh đã hy sinh vì Tổ quốc, hy sinh tuổi xuân để đất nước có được như ngày hôm nay, các anh là niềm tự hào của gia đình.
Hạnh phúc đã đến, dù chưa trọn vẹn. Những ngày vừa qua, bà Nguyễn Thị Hè đã tìm được mộ chồng. Nước mắt lăn dài trên khuôn mặt in dấu thời gian của tuổi già. Bà Hè nức nở nói, cuối cùng gia đình chúng tôi cũng được đoàn tụ. Mấy chục năm qua chúng tôi sống trong sự thấp thỏm chờ đợi, thậm chí nhiều lúc tôi vẫn hy vọng anh còn sống. Nay mộ phần của anh đã được tìm thấy. Bà Hè mừng cho mình nhưng rồi lại nghĩ đến 2 người bạn. Không biết đến khi nào gia đình họ mới được đoàn tụ như mình? Bà đã ước nguyện, các anh hãy sớm trở về yên nghỉ ở nghĩa trang quê nhà để ngày ngày được nhìn thấy anh, được trò chuyện, được tự tay thắp lên mộ phần nén hương thơm, để thấy anh rất gần.
Bài và ảnh: Lan Anh