Các công dân cùng đọc báo trong khu cách ly ở Điện Biên.

“Bà ơi! Bà nhớ đeo khẩu trang cẩn thận. Cháu sẽ mang bánh kẹo vào để bà ăn cho đỡ mệt…”. Giọng đứa cháu ngoại 5 tuổi nhí nhảnh trong chiếc điện thoại, khiến chị Phạm Thị Thanh, hộ lý đang chăm sóc công dân tại Bệnh xá quân y Tiểu đoàn 40, Bộ CHQS tỉnh Điện Biên rưng rưng nước mắt. Bình thường ở nhà chị Thanh đưa đón cháu gái đi học, rồi lo cơm nước, đợi đến chiều muộn mẹ cháu về đón. Từ ngày được phân công nhiệm vụ chăm sóc công dân tại khu cách ly, chị chưa một lần được bế cháu. Lần gần nhất, con gái chị cùng cháu đến thăm bà nhưng chỉ dám đứng ngoài cửa sắt. Thương nhớ cháu nhưng chị Thanh vẫn phải đứng cách 2m, không cởi bỏ khẩu trang, không nói nhiều vì sợ ảnh hưởng đến người thân, bởi khu cách ly tại Bệnh xá quân y Tiểu đoàn 40 chủ yếu là các công dân nghi ngờ nhiễm dịch cao, trong đó có các trường hợp F1.

Buổi chiều hôm ấy, chị Thanh đang quét dọn phòng thì đột ngột nghe tin bố chồng mất. Biết tin, 3 đồng nghiệp của chị tại khu cách ly và các y sĩ, bác sĩ bệnh xá tập trung đến động viên chị. Nén nỗi đau, giọng nghẹn lại, chị gọi điện về cho chồng, tạ lỗi hương hồn bố vì nhiệm vụ không thể về chịu tang được.

Bữa cơm ấm cúng trong khu cách ly của các công dân ở Điện Biên.

Chị Thanh năm nay 50 tuổi. Từ ngày vào khu cách ly thực hiện nhiệm vụ, đều đặn hằng ngày chị dậy từ 5 giờ sáng. Thu dọn vệ sinh các phòng ở của công dân cách ly xong chị lại quét dọn khu vườn rộng gần 100m2. Trưa và tối lại cùng bộ đội phục vụ cơm nước cho công dân. Nơi cách ly hơn 100 người, trong đó có hai cháu bé và một cô gái trẻ đang mang bầu. Chị thêm nhiệm vụ đun nước pha sữa, đặt mua cháo cho cháu nhỏ và mẹ bầu. Chị Phạm Thị Thanh tâm sự: “Hằng ngày, tiếp xúc với công dân cách ly nên tôi cũng tự cách ly gia đình. Dù khó khăn nhưng mỗi người cố gắng một ít, đó cũng là trách nhiệm với gia đình, xã hội lúc này”.

Đêm 31-3 là một đêm thật đau buồn với chị Nguyễn Thị Thanh, 32 tuổi, ở huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) và 3 người thân đang cách ly tại khu tập trung của Ban CHQS TP Điện Biên Phủ, khi nhận tin bố đẻ qua đời. Chị Nguyễn Thị Thanh cùng hai con nhỏ và người chú ruột dù thương xót người quá cố vô cùng nhưng đang trong thời gian cách ly nên không thể về nhà được. Đồng cảm, chia sẻ với nỗi đau của công dân, đơn vị đã báo cáo với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố xin phép mua hoa quả, hương đèn, lập một bàn thờ nhỏ để chị Thanh và người nhà thắp nén tâm nhang cho bố. Bàn thờ được lập, nhiều công dân cùng cách ly dù không quen biết nhưng cũng vào thắp nén nhang. Tình người xích lại, nỗi đau như vơi đi phần nào. Được biết, cũng tại khu cách ly này, một số công dân làm doanh nghiệp bên nước bạn Lào đã ủng hộ các lực lượng làm nhiệm vụ số tiền 17 triệu đồng, với mong muốn chia sẻ khó khăn, vất vả của đơn vị.

Niềm vui của các công dân sau khi hết thời gian cách ly.

Ghé thăm khu cách ly tại Trường Quân sự tỉnh Điện Biên vào cuối buổi chiều, chúng tôi bất ngờ trước hình ảnh 6 công dân nữ đeo khẩu trang đang nhảy múa trên nền nhạc disco sôi động trước sân nhà. Trời se lạnh nhưng gương mặt ai cũng hồng hào, khỏe khoắn. Chị Phạm Thị Lựu, 45 tuổi, ở xã Dân Quyền, huyện Tam Nông (Phú Thọ) cho biết: “Tôi là công dân từ Lào về, ở cùng phòng với 8 người. Để giúp chị em sống vui, sống khỏe những ngày cách ly, tôi đã kêu gọi chị em lập một nhóm nhảy thể thao”. Vì ở nhà đã được học các điệu nhảy nên chị hướng dẫn lại cho các chị em cùng học. Thật bất ngờ, các chị cùng phòng học rất nhanh, chỉ sau vài buổi mà sáng và chiều nào các chị cũng nhảy rất đều. Không chỉ nâng cao sức khỏe, cũng nhờ hoạt động này mà chị Lựu đã gặp lại người bạn thân thiết của mình. Chuyện là, gần 10 năm trước, khi mới sang nước bạn làm ăn, chị Lựu làm gì cũng khó khăn vì không biết tiếng. May mắn thay, lúc đó chị Lường Thị Ín người Điện Biên cũng buôn bán nhỏ đã giúp chị phiên dịch, rồi dạy chị nói tiếng Lào. Ngờ đâu, trong đợt cách ly này, hai chị gặp lại nhau khi chị Ín ở phòng bên sang xin học nhảy cùng. Nhận ra người bạn tri kỷ năm xưa, hai chị mừng mừng tủi tủi, có đêm thức đến khuya mà vẫn chưa hết chuyện.

Nhân dân ta có câu “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước thì thương nhau cùng”. Câu ca dao ấy càng thấy thật đúng trong những ngày quân dân cả nước ta đang dốc sức, đồng lòng phòng, chống dịch Covid-19.

Bài và ảnh: PHẠM KIÊN