QĐND Online – Có cậu bé bố đã hy sinh khi làm nhiệm vụ nhưng nhiều năm liền là học sinh giỏi; có cô bé bố công tác ở đảo xa, mẹ mắc bệnh hiểm nghèo nhưng luôn là cán bộ lớp gương mẫu; có cậu bé mang dị tật bẩm sinh đã vượt lên chính mình… Mỗi em có một hoàn cảnh, điều kiện khác nhau nhưng đều chung một khát khao được học tập, sau này trở thành một người có ích cho xã hội…

Chắp cánh những ước mơ

8 năm liền là học sinh giỏi, đoạt giải ba môn Văn, Toán và nhì môn Tiếng Anh internet cấp quận…Chỉ với những thành tích đó thôi, cũng đủ là niềm tự hào cho bất cứ bậc cha mẹ nào, và niềm vui đó còn được nâng lên gấp bội khi đây lại là kết quả học tập của cậu bé Trần Văn Long, người đang mang trong mình căn bệnh quái ác: Bại não thể vận động.

Trần Văn Long tập đi hằng ngày

 

Vượt lên chính mình, Trần Văn Long với hai chân bị co cơ và liệt tay trái, học sinh lớp 8 Trường THCS Lê Lợi, quận Hải An, TP Hải Phòng đã trở thành một học sinh xuất sắc, trước lòng cảm phục của bạn bè, thầy cô và là niềm tự hào của vợ chồng Thiếu tá QNCN Trần Văn Khoa, Phân đội phó Phân đội 3, Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển (Quân chủng Hải quân).

Nhớ lại những tháng ngày “ở viện nhiều hơn ở nhà”, anh Trần Văn Khoa tâm sự: Long tuy mắc căn bệnh này nhưng lại rất tỉnh táo và thông minh. Bởi vậy hành trình “gõ cửa” các bệnh viện dù có dần trở nên vô vọng nhưng hai vợ chồng vẫn quyết tâm cùng con tích cực tham gia các đợt chữa trị, phục hồi chức năng. Niềm vui đã đến với gia đình nhỏ ấy khi Long có thể tự ngồi dựa được vào ghế, dùng bàn tay phải của mình để cầm sách, cầm bút cũng như làm những việc đơn giản trong sinh hoạt cá nhân. Đặc biệt, Long đã đến trường để tham gia học tập…

Dù bị bại não thể vận động nhưng Long rất thông minh, học giỏi

 

Niềm vui của gia đình như được nhân lên khi Long có thêm hai em trai sinh đôi. Tuy nhiên, khó khăn lại càng thêm chất chồng khi mọi khoản chi tiêu trong gia đình 5 người, cũng như những chi phí chữa trị cho cháu Long đều trông cậy vào đồng lương của anh Khoa và gánh hàng ăn sáng của người vợ. Do đặc thù nhiệm vụ, anh Khoa thường xuyên công tác xa, có lúc vắng nhà cả năm trời, mọi gánh lo anh đành để lại cho người vợ chèo chống.

Chia sẻ sự vất vả với bố mẹ, Long luôn thể hiện vai trò người anh cả trong nhà, không chỉ tự vươn lên học giỏi, mà còn thường đứng ra “phân xử” giúp 2 cậu em trong các trò chơi và dạy chúng học bài. Long kể: Tin học và ngoại ngữ là niềm đam mê của em, bởi đây là “chìa khóa” để những người khuyết tật như em thực hiện ước mơ “bay xa” của mình.

Thấu hiểu ước mơ của con, anh Khoa chia sẻ: “Cuối năm ngoái, khi cháu được nhận học bổng “Vòng tay đồng đội”, hai vợ chồng quyết định dành toàn bộ số học bổng mua cho con bộ máy vi tính. Từ khi có chiếc máy vi tính, thành tích học tập của Long càng thêm vượt trội. Và Long đang miệt mài học tập để vun đắp cho ước mơ trở thành kỹ sư tin học trong tương lai. 

Ấm lòng hậu phương

Nhận số tiền học bổng “Vòng tay đồng đội” do Báo Quân đội nhân dân ủy quyền lãnh đạo Sư đoàn 363 trao tận tay tại Đảo Bạch Long Vỹ, Trung úy QNCN Bùi Chí Công, nhân viên Trạm Ra-đa 27, Trung đoàn 295, Sư đoàn 363 (Quân chủng Phòng không – Không quân), không nén được xúc động. Hơn lúc nào hết, học bổng mà cô con gái lớn của anh, cháu Bùi Thị Thùy Trang (học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Nhân Hưng, Hà Nam) được nhận lại có ý nghĩa như lúc này: Góp phần cứu sống mẹ cháu qua cơn nguy kịch.

Bùi Thị Thùy Trang giúp mẹ chăm sóc em

 

Hơn 3 năm công tác tại Đảo Bạch Long Vỹ, người lính đảo lúc nào cũng canh cánh trong lòng nỗi lo về người vợ bị bệnh hiểm nghèo cùng hai con nhỏ ở nhà. Chỉ từ đầu năm tới giờ, vợ anh đã phải vào viện mổ tới 4 lần… Anh Công tâm sự: “Mỗi lần gọi về nhà trò chuyện cùng con gái, cháu đều bảo “bố cứ yên tâm, con sẽ cố gắng học giỏi, chăm sóc mẹ và em”. Nghĩ cháu chỉ nói vậy chứ ai ngờ về nhà chứng kiến sự đảm đang của cháu từ cơm nước tới giúp mẹ cho em ăn... rồi tự giác học tập; là cán bộ lớp gương mẫu, nhiều năm liền là học sinh giỏi của trường, tôi cũng yên tâm phần nào”.

Chị Nhung kể, cháu dường như cũng “già” trước tuổi bởi phải thay mẹ, thay bố, cùng bà ngoại chăm sóc em. Mỗi lần cháu đạt thành tích cao trong học tập, muốn mua tặng cháu quyển sách, bộ quần áo mới mà đành chịu, chỉ biết động viên con cố gắng.

Nguồn cổ vũ tinh thần

Không như Long và Trang, cậu bé Nguyễn Hoàng Hữu Phước, học sinh lớp 8A2 Trường THCS Ngọc Lâm, Hà Nội mất cha khi mới lên 8 tuổi. Sự hy sinh của cha - Trung úy Nguyễn Văn Lân, lái phụ máy bay AN-26, Lữ đoàn 918 (Quân chủng Phòng không – Không quân) khi đang làm nhiệm vụ khiến cậu bé Phước “người lớn” hơn. Mong muốn làm chỗ dựa, nguồn an ủi, động viên cho mẹ, Phước luôn chăm chỉ học hành và phụ giúp mẹ việc nhà.

Nguyễn Hoàng Hữu Phước hiểu về cha qua những câu chuyện của mẹ

 

Trong suy nghĩ của Phước: Sau này em rất muốn trở thành phi công như bố. Nhưng để làm được việc đó, trước hết em phải là một người đàn ông trụ cột trong gia đình. Muốn vậy, trước tiên em phải học thật giỏi, giúp đỡ mẹ mọi công việc nặng nhọc để mẹ không phải lo lắng và buồn phiền.

Nghe những tâm sự của con, người mẹ không khỏi xúc động và tự hào khi cậu bé con trong ngày bố mất giờ đã ra dáng một chàng thanh niên biết nghĩ. Chị Hà Thanh chia sẻ: Học bổng từ chương trình “Vòng tay đồng đội” là phần quà có giá trị tinh thần rất lớn đối với cháu và gia đình. Tuy thiếu vắng sự dạy dỗ của bố nhưng với sự quan tâm của đồng đội và bạn bè đã góp phần động viên, cổ vũ cháu tích cực học tập để trở thành người có ích cho xã hội.

Những câu chuyện về Long, Trang, Phước chỉ là một trong hàng trăm tấm gương như vậy là con các quân nhân vượt lên những khó khăn của gia đình và bản thân để đạt thành tích cao trong học tập. Các em xứng đáng được tuyên dương, động viên và khích lệ với học bổng “Vòng tay đồng đội” do Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) trao tặng. Đây thực sự là nguồn động viên rất lớn đối với những cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm có mặt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo thêm yên tâm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Bài, ảnh: HÀ ANH PHONG