Đồng chí NGUYỄN XUÂN KÝ, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh: Đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển

Với tinh thần kế thừa, phát huy thành tựu chung của đất nước và của tỉnh sau 35 năm đổi mới, tiếp nối đà tăng trưởng và phát triển sáng tạo trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng bộ tỉnh, Quảng Ninh đã đạt nhiều thành tựu đáng trân trọng trên các phương diện: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; củng cố, tăng cường niềm tin, nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, không ngừng chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đưa Quảng Ninh trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc.

Đồng chí NGUYỄN XUÂN KÝ. Ảnh: TRỌNG HẢI

 

Từ thực tiễn tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm quan trọng. Theo đó, cần bám sát, nắm chắc, chủ động tiếp thu, hiện thực hóa sự lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương, sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành và các địa phương; nhằm phát huy có hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, huy động sức mạnh tổng hợp với phương châm "nội lực là căn bản, ngoại lực là chủ yếu". Kiên trì nguyên tắc, quan điểm phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, cân bằng giữa các vùng miền, bình đẳng giữa các khu vực; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh. Kinh nghiệm quan trọng là đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, bám sát thực tiễn, hành động theo quy luật khách quan; xác định tầm nhìn chiến lược, dài hạn; thực hiện phương châm “Quy hoạch tổng thể, xây dựng từng phần”; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện; lựa chọn đúng trọng tâm, khâu đột phá, tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, nguồn lực, tổ chức thực hiện dứt điểm, đo lường được kết quả, hiệu quả.

Trong tư duy kinh tế-xã hội, không đánh đổi tăng trưởng bằng mọi giá; phát triển nhanh các vùng có lợi thế để tạo thành các cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt, đồng thời bố trí nguồn lực thỏa đáng hỗ trợ các vùng khó đồng hành, không để một ai ở lại phía sau.

ANH THƠ (ghi)

---------------------

Đồng chí MAI TRỰC, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Xây dựng và hoàn thiện cơ chế để không thể tham nhũng

Thực tiễn hoạt động của Đảng ta gần 91 năm đã minh chứng: Kiểm tra, giám sát (KTGS) là những chức năng lãnh đạo của Đảng; có vị trí rất quan trọng trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng, là nhiệm vụ của toàn Đảng, trước hết là của các cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng.

Đồng chí MAI TRỰC. Ảnh: TRỌNG HẢI

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương và UBKT các cấp đã rất chủ động, quyết tâm, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và tạo ra bước đột phá trong thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này. UBKT các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với hơn 15.000 tổ chức đảng và hơn 47.000 đảng viên, giám sát hơn 183.000 tổ chức đảng và hơn 528.000 đảng viên; tập trung nhiều vào những "điểm nóng", những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, những vấn đề bức xúc mà dư luận quan tâm, như: Việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; công tác cán bộ; suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tha hóa quyền lực của đảng viên có chức, quyền trong việc quyết định chủ trương, chính sách và trong công tác cán bộ...  

Bước sang nhiệm kỳ Đại hội XIII, công tác KTGS tập trung bám sát nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng. Đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng đối với công tác này. Tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng hoàn thiện hệ thống các quy định về công tác KTGS, kỷ luật Đảng và hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức để cán bộ đảng viên "không thể tham nhũng", "không dám tham nhũng", “không cần tham nhũng"; có cơ chế để bảo vệ, khuyến khích cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn, đi đầu trong đổi mới vì sự phát triển.

Việc xử lý kỷ luật phải nghiêm minh, kịp thời, không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ, song phải trên tinh thần nhân văn, “trị bệnh cứu người”, mục đích là làm cho tổ chức đảng, đảng viên tiến bộ hơn...

NGUYỄN THANH (ghi)

---------------------

Đồng chí HOÀNG BÌNH QUÂN, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương: Thích ứng nhanh chóng với tình hình, tranh thủ tốt nhất các cơ hội

Đối ngoại Đảng và đối ngoại nhân dân hơn bao giờ hết phải tự tin, tiếp tục đổi mới tư duy, chủ động, sáng tạo, linh hoạt, mạnh dạn đột phá, thích ứng nhanh chóng với tình hình, tranh thủ tốt nhất các cơ hội, hóa giải hiệu quả những thách thức; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhuần nhuyễn với ngoại giao Nhà nước, bảo đảm tối cao lợi ích quốc gia-dân tộc.

Đồng chí HOÀNG BÌNH QUÂN. Ảnh: TRỌNG HẢI

 

Thời gian tới, đối ngoại Đảng phải phát huy mạnh mẽ vai trò tham mưu chiến lược trong hoạch định và triển khai chủ trương, đường lối đối ngoại; phối hợp chặt chẽ với các kênh đối ngoại xử lý hiệu quả các vấn đề đối ngoại hệ trọng của đất nước, không để rơi vào tình thế bị động, bất ngờ. Đối ngoại Đảng phải tiếp tục nỗ lực để xứng đáng là một kênh tham mưu chiến lược vững chắc, chất lượng và đáng tin cậy của Trung ương Đảng; không ngừng mở rộng và phát triển về chiều sâu các mối quan hệ đối ngoại của Đảng, tăng cường sự tin cậy, tạo nền tảng chính trị vững chắc cho quan hệ song phương; tiếp tục đưa quan hệ với các đảng cầm quyền ở các nước xã hội chủ nghĩa và láng giềng chung biên giới đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, gia tăng lòng tin, bồi đắp nền tảng hữu nghị, giữ vai trò định hướng chiến lược cho quan hệ song phương; phát huy mạnh mẽ lợi thế đặc thù của kênh đối ngoại Đảng để góp phần giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong quan hệ song phương.

Tiếp tục phát huy vai trò của đối ngoại Đảng để đóng góp nhiều hơn nữa, hiệu quả hơn nữa cho công tác xây dựng Đảng; đặc biệt việc đẩy mạnh tiếp thu lý luận, kinh nghiệm xây dựng Đảng, kinh nghiệm lãnh đạo, điều hành đất nước. Nội dung này cần tích cực thúc đẩy ở mọi cấp độ, trong đó phát huy mạnh mẽ vai trò của các ban xây dựng Đảng ở Trung ương và các cấp ủy ở địa phương, nhất là khu vực biên giới.

MINH ANH (ghi)

---------------------

Đồng chí NGUYỄN XUÂN CƯỜNG, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới

Trong định hướng phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 5 năm tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhất trí cao với dự thảo các văn kiện, các quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ chủ yếu phát triển nông nghiệp: “Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Phát triển nông nghiệp xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) theo hướng gắn với quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững”. Đây là nhiệm vụ cơ bản, quan trọng, xuyên suốt của ngành nông nghiệp. Mục tiêu chính là tiếp tục phát triển bền vững theo 3 trụ cột “kinh tế, xã hội và môi trường”, hướng tới thực hiện mục tiêu tổng quát “Phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; NTM phồn vinh và văn minh, nông dân giàu có”.

Đồng chí NGUYỄN XUÂN CƯỜNG. Ảnh: TRỌNG HẢI

 

Trước bối cảnh và yêu cầu mới với các thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen; để thực hiện hiệu quả mục tiêu trên, thời gian tới rất cần sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự tham gia tích cực của các thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị-xã hội từ Trung ương đến địa phương nhằm giải quyết một cách đồng bộ, tổng thể các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó chú trọng thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp sau: Nâng cao nhận thức về “Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn với xây dựng NTM theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế”; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành; thông tin, dự báo tình hình thị trường, tranh thủ lợi thế các hiệp định thương mại tự do và các cam kết quốc tế để ổn định, giữ vững các thị trường truyền thống, quy mô lớn, phát triển thị trường mới...

DUY THÀNH (ghi)

--------------------

Đồng chí HÀ THỊ NGA, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: Quan tâm hỗ trợ phụ nữ tiếp cận, thụ hưởng chính sách an sinh

Di cư lao động là xu hướng tất yếu hiện nay, gắn với phát triển và có vai trò nhất định đối với kinh tế-xã hội, nhất là trong việc phân bổ lại nguồn lực lao động quốc gia. Kết quả điều tra cho thấy, 13,6% dân số cả nước là người di cư; trong đó, nữ giới chiếm 55,5%. Hầu hết họ di cư đến làm việc trong các khu công nghiệp, đến thành phố làm các công việc ở khu vực phi chính thức. Đặc biệt, với những người lao động di cư, nhà ở là vấn đề hết sức bức thiết.

Đồng chí HÀ THỊ NGA. Ảnh: TRỌNG HẢI

 

Nhà ở cho người dân luôn là mối quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước. Với các chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của người dân, đến nay hầu hết các hộ dân cư đã có nhà để ở. Bên cạnh việc ban hành Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, Chính phủ đã có chủ trương xã hội hóa để hỗ trợ người lao động có thu nhập thấp, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn cũng có cơ hội được sở hữu nhà ở.

Để bảo đảm quyền có nơi ở, chỗ ở cho mọi người dân, Nhà nước cần tiếp tục coi trọng vấn đề nhà ở là phúc lợi của người dân để có chính sách đầu tư thỏa đáng, từng bước giải quyết vấn đề nhà ở cho người dân, trong đó có lực lượng lao động di cư. Đồng thời tạo cơ hội tiếp cận dịch vụ công về giáo dục, y tế cho con em và gia đình phụ nữ khó khăn, lao động nữ di cư.

Việc bảo đảm an sinh xã hội cho phụ nữ mang thai, sinh con, đặc biệt là đối với những người chưa được hưởng chính sách bảo hiểm là vấn đề cần quan tâm theo hướng bảo đảm cho phụ nữ có cơ hội, điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng, nhất là hỗ trợ chế độ thai sản cho phụ nữ. Vì vậy, trong thời gian tới cần có hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng, giúp mọi phụ nữ sinh con đúng chính sách dân số đều được hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, cần quan tâm hơn nữa việc bảo đảm an sinh xã hội cho phụ nữ nuôi con nhỏ và tạo cơ hội có việc làm cho phụ nữ.

TRẦN MINH (ghi)