Đây là một điểm mới trong dự thảo Báo cáo Chính trị lần này so với Báo cáo Chính trị của các kỳ đại hội lần trước. Dự thảo Báo cáo Chính trị lần này không chỉ tiếp tục khẳng định vấn đề xây dựng thế trận lòng dân, mà còn bổ sung thêm vấn đề phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân. Điều đó là hoàn toàn đúng đắn, có cơ sở khoa học cả về lý luận và thực tiễn. Xây dựng thế trận lòng dân và phát huy thế trận lòng dân là hai hoạt động tương đối độc lập; tuy nhiên, hai hoạt động đó có sự gắn kết chặt chẽ, thống nhất với nhau, nhưng không phải hoàn toàn đồng nhất với nhau. Xây dựng thế trận lòng dân vững mạnh là điều kiện, tiền đề để phát huy thế trận lòng dân vào công cuộc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, bảo vệ Tổ quốc, nhưng việc phát huy được đến mức độ nào thì lại hoàn toàn phụ thuộc vào hoạt động phát huy thế trận lòng dân.

Việc khẳng định phải xây dựng và phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân là hoàn toàn đúng đắn. Điều đó, không chỉ phù hợp với quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử; phù hợp với truyền thống, kinh nghiệm của ông cha ta trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước, nhất là thực tiễn xây dựng và phát huy thế trận lòng dân trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà còn hoàn toàn phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

Đó cũng là một trong những bài học quan trọng được rút ra từ thực tiễn công cuộc đổi mới, trực tiếp là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng: “Phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa” như dự thảo Báo cáo Chính trị đã khẳng định.

Tuy nhiên, trong dự thảo Báo cáo Chính trị chỉ đề cập đến vấn đề xây dựng và phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân. Theo tôi, quan niệm như vậy là hoàn toàn đúng đắn, nhưng chưa đầy đủ. Bởi lẽ, lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kinh nghiệm của ông cha ta, cũng như thực tiễn công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội với bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta đã khẳng định vai trò của quần chúng nhân dân, của việc xây dựng và phát huy thế trận lòng dân không chỉ thể hiện trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân, mà còn thể hiện trong toàn bộ công cuộc bảo vệ Tổ quốc.

Vì vậy, cần bổ sung thêm cụm từ “trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc” vào sau cụm từ “an ninh nhân dân” và mệnh đề này sẽ được diễn đạt đầy đủ hơn như sau: “Xây dựng và phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân, trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc”.

Để xây dựng và phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân, trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới, cần quan tâm giải quyết tốt một số vấn đề sau đây:

Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành từ Trung ương đến các địa phương cần kịp thời đề ra và triển khai thực hiện tốt những chủ trương, chính sách “hợp lòng dân” nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân, nhất là ở những vùng đang còn gặp nhiều khó khăn, vùng căn cứ cách mạng trước đây, vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới, hải đảo.

Chăm lo xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển nhanh và bền vững, đi đôi với bảo đảm cho nền kinh tế phát triển đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, không ngừng phát triển lực lượng sản xuất, tạo ra cơ sở vật chất kỹ thuật để không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân, nhất là thu hẹp dần khoảng cách phân hóa giàu-nghèo.

Quan tâm giải quyết tốt những vấn đề xã hội, nhất là những vấn đề bức xúc, nổi cộm, những nguyện vọng chính đáng của nhân dân, xây dựng và phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc Việt Nam, tạo nên sự đồng thuận xã hội rộng lớn dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Thực hiện dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân được thụ hưởng mọi thành quả lao động mà chính mình đã sáng tạo ra.

Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, nhất là chăm lo xây dựng đội ngũ đảng viên xứng đáng là người lãnh đạo, là “đầy tớ” trung thành của nhân dân.

Chăm lo xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, tăng cường cải cách hành chính, giảm phiền hà cho nhân dân. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước vừa có đức, vừa có tài, vừa “hồng”, vừa “chuyên”, nhất là phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn nghiệp vụ và phương pháp, tác phong công tác, xứng đáng là “công bộc” của dân.

Đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, nhất là trong bộ máy Đảng và Nhà nước, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; làm trong sạch bộ máy, trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm khắc, dứt điểm các vụ việc tham nhũng nghiêm trọng gây hậu quả lớn nhằm củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thiếu tướng, PGS, TS NGUYỄN VĨNH THẮNG (Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng)