Theo đó, trong 5 vụ án được Ban chỉ đạo yêu cầu khẩn trương đưa ra xét xử sơ thẩm thì có tới 2 vụ án liên quan đến buôn lậu, làm hàng giả là vụ án “buôn lậu; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị có liên quan; Vụ án “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Cục Quản lý dược -Bộ Y tế, Công ty VN Pharma và một số cơ quan, đơn vị có liên quan. Trong 4 vụ án được Ban chỉ đạo thống nhất bổ sung vào diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo thì có một vụ án liên quan đến lĩnh vực buôn lậu, làm hàng giả là: Vụ án “đưa hối lộ, nhận hối lộ, buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ” xảy ra tại Đồng Nai và một số tỉnh, thành phố khác...

leftcenterrightdel

Ngày 18-3, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo. Ảnh: TTXVN. 

Thông tin trên một lần nữa cho thấy, tội phạm trong lĩnh vực buôn lậu, làm hàng giả ngày càng diễn biến tinh vi, phức tạp, gây ra những hậu quả khôn lường đối với xã hội mà chỉ với sức mạnh của các cơ quan quản lý, cơ quan pháp luật hiện nay là chưa đủ đấu tranh, đẩy lùi chúng. Dù Tổng cục Quản lý thị trường mới được thành lập đã có nhiều cố gắng, tăng cường quản lý theo hệ thống dọc thống nhất nhưng từ thực tiễn đã phát sinh rất nhiều vụ án tham nhũng rất lớn, trở thành “đại án”, cần phải được điều tra, xét xử nghiêm minh, dứt điểm, tạo ra chuyển biến thực sự trong bộ máy.

Dư luận rất đồng tình, phấn khởi trước quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng, phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, “không dừng”, “không nghỉ” ở tất cả các ngành, các cấp, các lĩnh vực. Hơn thế lần này, việc chỉ đạo đã hướng tới một lĩnh vực mới hơn nhưng rất nóng, rất cần xử lý nghiêm khắc, dứt điểm để làm gương. Trong đó, việc Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban chỉ đạo đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đưa vụ án án “đưa hối lộ, nhận hối lộ, buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ” xảy ra tại Đồng Nai và một số tỉnh, thành phố khác... là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, thể hiện rõ quan điểm và vai trò lãnh đạo của Đảng trước đòi hỏi của điểm nóng cuộc sống.

Trên thực tế, những năm vừa qua, Đồng Nai và một số tỉnh phía nam là những địa bàn khá phức tạp, nóng bỏng về tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại nhưng còn tiềm ẩn nhiều vấn đề chưa được xử lý kịp thời dứt điểm. Riêng tội phạm buôn lậu và làm giả xăng dầu đã có đường dây quy mô lớn, hoạt động tinh vi có tổ chức trên địa bàn rộng nhiều năm. Báo chí cũng đã có phản ánh nhưng có lẽ phải đến khi Đồng Nai có đồng chí Giám đốc Công an tỉnh mới, đường dây buôn lậu, làm giả xăng dầu này mới được bóc gỡ và mở rộng điều tra ra nhiều địa phương khác. Đồng Nai cũng nơi xảy ra vụ việc nghi án phân bón giả Thuận Phong làm nóng dư luận và nghị trường Quốc hội nhiều năm trời đến nay vẫn còn nhiều câu hỏi báo chí quan tâm.

leftcenterrightdel
Đại tá Vũ Hồng Văn đón một em bé con của một gia đình lỡ vượt biên trở về quê hương Đắk Lắk. Ảnh: tuoitre.vn.  

Dư luận rất hoan nghênh, đánh giá cao sự quyết liệt của Đại tá Vũ Hồng Văn, một cán bộ trẻ được luân chuyển về địa phương. Tất nhiên, để thực sự mạnh tay tuyên chiến với tội phạm, những cán bộ đó phải thật sự dũng cảm, dám hy sinh, dám đương đầu, dám chấp nhận va chạm, thậm chí ảnh hưởng một phần đến uy tín cá nhân trong tập thể; không chỉ là sự dấn thân sâu sát như “đội mũ cối đi đánh án” mà cao hơn phải là quyết tâm chính trị, quyết đánh mạnh vào tội phạm có sự bảo kê, chống lưng của doanh nghiệp và những “thế lực ngầm”. Đó còn là sự dũng cảm đề nghị cấp ủy điều chuyển “xoay, đảo” hàng loạt cán bộ, tung hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ trấn áp tội phạm, điều chuyển hàng chục cán bộ về huyện, xã để tăng cường cho cơ sở, thực hiện phương châm đấu tranh "cắt ngọn, tỉa cành, cưa thân, đào gốc, trốc rễ", đồng thời có đối sách quản lý các đối tượng đã triệt phá, không để hoạt động trở lại.

Việc luân chuyển để 100% giám đốc công an tỉnh không phải là người địa phương của ngành công an chính là một giải pháp quan trọng để tạo nên những chuyển biến tốt. Nhờ thế, những cán bộ như Đại tá Vũ Hồng Văn đã thực sự trở thành cán bộ “6 dám” như tinh thần rất mới mà Đại hội XIII của Đảng vừa qua đề ra. Đó là những cán bộ không chỉ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” mà còn “dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với những khó khăn, thử thách”. Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị cần phải có cơ chế khuyến khích, bảo vệ những cán bộ “6 dám” như vậy.

Hy vọng rằng, cùng với sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, thanh bảo kiếm công lý sẽ trừng trị thích đáng tội phạm buôn lậu, làm hàng giả, gian lận thương mại và những kẻ tiếp tay cho chúng. Nhưng để có được những chuyển biến mạnh mẽ, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt, dư luận mong mỏi Đảng tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để có nhiều cán bộ “6 dám”, để họ thật sự là những thanh bảo kiếm trong cuộc chiến còn nhiều cam go này.

NGUYỄN VĂN MINH