Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam được xây dựng thể hiện với 5 đặc trưng, đó là: Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Quyền lực nhà nước thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tổ chức và hoạt động của Nhà nước trên cơ sở hiến pháp và pháp luật. Tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đồng thời bảo đảm sự giám sát của nhân dân, sự phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận. Bản chất Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Bản chất này được quy định một cách khách quan dựa trên cơ sở kinh tế và chế độ chính trị của chủ nghĩa xã hội.
5 năm qua, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến rất mới, phức tạp, khó dự báo, tác động trực tiếp đến sự hòa bình, ổn định và phát triển của mỗi quốc gia. Các thách thức đối với nước ta rất lớn, ngày càng gay gắt như: Thách thức từ các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường cả trước mắt và lâu dài. Trong đó, trước mắt là các hoạt động kinh tế do tác động từ cạnh tranh thương mại, từ dịch tả lợn châu Phi, đại dịch Covid-19 và dài hơn là sự chuẩn bị để thích ứng với nền kinh tế số, từ giáo dục, kỹ năng đến hệ thống luật pháp. Các thách thức an ninh phi truyền thống như an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên (bão, lũ, nước biển dâng, hạn mặn...), dịch bệnh; tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao... Đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh đó là: “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo; phòng, chống khủng bố, cướp biển... đã ảnh hưởng rất lớn đến nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Tuy nhiên, trong 5 năm xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN của nước ta vẫn còn một số tồn tại như: Vấn đề đổi mới đồng bộ, phù hợp giữa kinh tế với chính trị, văn hóa, xã hội; giữa đổi mới kinh tế với đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước có một số mặt chưa rõ. Cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện; vai trò giám sát của nhân dân chưa được phát huy mạnh mẽ. Hệ thống pháp luật còn một số quy định chưa thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn. Thực thi pháp luật; kỷ cương, phép nước còn bị xem nhẹ, xử lý vi phạm pháp luật chưa kịp thời, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Cải cách hành chính chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển đất nước. Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương đổi mới chưa mạnh mẽ; chức năng, nhiệm vụ, phân cấp, phân quyền chưa thật rõ ràng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Số lượng cán bộ cấp xã và đội ngũ viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công vẫn còn quá lớn; phẩm chất, năng lực, uy tín còn nhiều hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Để “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị; xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng và hoàn thiện nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả”, cần tập trung những vấn đề cụ thể sau:
Trước hết, cần xác định rõ, rành mạch, cụ thể quyền hạn, trách nhiệm và thực hiện tốt hơn cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trên cơ sở quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước.
Hai là, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, tập trung vào các vấn đề như: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế bầu cử; tăng hợp lý đại biểu Quốc hội chuyên trách, phát huy tốt hơn vai trò của đại biểu và đoàn đại biểu Quốc hội. Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội. Đổi mới hơn nữa quy trình xây dựng luật, giảm mạnh ban hành pháp lệnh. Thực hiện tốt hơn chức năng giám sát tối cao.
Ba là, đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ: Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng xây dựng hệ thống cơ quan hành pháp thống nhất, thông suốt, hiện đại. Luật hóa cơ cấu tổ chức của Chính phủ; tổ chức bộ máy quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, bảo đảm hiệu lực, tinh gọn và hợp lý. Cơ cấu lại bộ máy Chính phủ theo hướng giảm mạnh các đầu mối phù hợp với yêu cầu đổi mới chức năng, nhiệm vụ. Cơ cấu lại các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước các cấp theo hướng giảm cấp phó, bỏ cấp trung gian, chuyển các bộ phận phục vụ sang hình thức hợp đồng dịch vụ, phân cấp mạnh cho cấp dưới và gắn với thực hiện có hiệu quả thanh tra, kiểm tra của cấp trên. Tăng cường quyền chủ động, tự chịu trách nhiệm về hoạt động, tổ chức, nhân sự, tài chính, bổ nhiệm chức danh người đứng đầu cấp dưới; tách hoạt động hành chính với hoạt động sự nghiệp, các hoạt động công quyền với hoạt động dịch vụ...
Bốn là, đối với hệ thống các cơ quan tư pháp: Xây dựng hệ thống các cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, quyền con người. Đẩy mạnh cải cách tư pháp đồng bộ; lấy cải cách hoạt động xét xử làm trung tâm; thực hiện cơ chế công bố gắn với hoạt động điều tra. Xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Năm là, về tổ chức và hoạt động của hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân. Nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân, bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phạm vi được phân cấp. Phát huy vai trò giám sát của hội đồng nhân dân. Tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, phân định thẩm quyền đối với chính quyền ở nông thôn, đô thị, hải đảo.
Sáu là, về tổ chức bộ máy hành chính và hoạt động của cơ quan hành chính, cán bộ, công chức. Thực hiện các giải pháp nhằm chấn chỉnh bộ máy và quy chế hoạt động của cơ quan, cán bộ, công chức. Ban hành và thực hiện luật công chức, công vụ; xác định rõ cơ quan, công chức nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Xây dựng đạo đức nghề nghiệp và hệ thống tiêu chuẩn đánh giá, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức. Cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức và đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu nâng cao chất lượng cả về năng lực và phẩm chất đạo đức. Có cơ chế đưa ra khỏi bộ máy nhà nước những người kém phẩm chất và năng lực. Tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động của bộ máy nhà nước, hành vi của các công chức. Trừng trị nghiêm khắc những hành vi phạm pháp, phạm tội, bất cứ ở cương vị, đối tượng nào.
Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là một quá trình nhận thức và kiểm nghiệm thực tiễn. Những kết quả, phương hướng xây dựng và hoàn thiện được đề cập trong dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng là hết sức khách quan và khoa học nhằm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới.
Thiếu tướng PGS, TS VŨ CƯƠNG QUYẾT (Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng)