Đến nay, sau gần 35 năm thực hiện mô hình nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, mở cửa và hội nhập, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước đạt được thành tựu quan trọng trong công cuộc CNH, HĐH đất nước, góp phần đưa nước ta thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, giữ vững định hướng XHCN.
Bên cạnh những thành tựu to lớn trên nhiều mặt, thì quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng 10 năm qua còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém, đó là: Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô còn nhiều thách thức. Tăng năng suất lao động thời gian qua chủ yếu do tăng vốn đầu tư và sử dụng lao động chi phí thấp. Cơ cấu các nguồn lực, đặc biệt bao gồm lao động, vốn và tài nguyên chưa được dịch chuyển mạnh đến các ngành và khu vực kinh tế có năng suất lao động và hiệu quả cao. Nền kinh tế tiếp tục có nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” và tụt hậu trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước còn một số hạn chế, như: Tình hình thực hiện cổ phần hóa còn chậm; mô hình quản trị doanh nghiệp chậm được đổi mới, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, chưa gắn được trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Việc nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ của ngân hàng thương mại nhà nước nhằm bảo đảm vai trò chủ đạo của các ngân hàng này trên thị trường tài chính tiền tệ thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn...
Trong những năm tới, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn biến nhanh và tác động trên mọi mặt của đời sống xã hội. Cùng với đó, thế giới cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như về biến đổi khí hậu, mâu thuẫn về điều tiết lợi ích của các bên hữu quan trong hội nhập... Trong bối cảnh đó, dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định chủ trương đến năm 2030, nước ta đạt quy mô và trình độ kinh tế của một nước công nghiệp vượt qua ngưỡng thu nhập trung bình, đến năm 2045, trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao; trở thành quốc gia có nền kinh tế tri thức cạnh tranh, nằm trong 20 quốc gia đứng đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu cũng như chỉ số về môi trường kinh doanh thuận lợi...
Để đạt được mục tiêu trên, tôi đề nghị Đảng, Nhà nước cần tiếp tục có các giải pháp quyết liệt ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế, tạo tiền đề vững chắc thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng; tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và chính sách vĩ mô khác nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời thực hiện các bước cải cách thận trọng, cần thiết nhằm tăng cường dư địa điều hành chính sách trong bối cảnh thế giới nhiều biến động và độ mở nền kinh tế ngày càng cao. Củng cố nền tảng tài chính nhà nước, tập trung quản lý nợ công theo hướng bảo đảm an toàn, bền vững, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, vừa tạo điều kiện thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thể chế, đặc biệt là phát triển thị trường các yếu tố sản xuất, bảo đảm để thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bố hiệu quả sử dụng nguồn lực; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; xóa bỏ các rào cản, chính sách, các biện pháp hành chính can thiệp trực tiếp vào thị trường và sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt chú trọng vào các lĩnh vực trọng tâm, nhằm nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Đảng, Nhà nước cần lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi, đa dạng hóa hình thức hỗ trợ cần thiết đối với các khởi nghiệp sáng tạo; đồng thời, tạo cơ chế, động lực kết nối hữu hiệu giữa nhà trường, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và các bên có liên quan; bổ sung, sửa đổi chính sách thuế hiện hành để khuyến khích nghiên cứu và phát triển; khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp công nghệ và thu hút nhân tài. Thực hiện cải cách hành chính mạnh mẽ hơn, gắn với xây dựng Chính phủ điện tử; rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa các điều kiện đầu tư, kinh doanh; tinh giản bộ máy, tổ chức, biên chế gắn với xây dựng Nhà nước kiến tạo, Chính phủ liêm chính, năng động, sáng tạo, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đại tá VŨ PHÚC HẬU, Bí thư Đảng ủy Binh đoàn 12