Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đang hướng về Đại hội lần thứ XIII của Đảng với nhiều kỳ vọng và mong muốn góp sức mình vào nỗ lực chung xây dựng đất nước.

Đó là chia sẻ của TS Trần Hải Linh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc, kiều bào Hàn Quốc với phóng viên Báo Quân đội nhân dân. Ông Trần Hải Linh tin tưởng Đại hội lần thứ XIII của Đảng với ý nghĩa to lớn sẽ đề ra đường hướng phát triển cho đất nước trong tương lai. Đây chính là nơi tập hợp sức mạnh của toàn dân, tạo ra những động lực mới để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. 

leftcenterrightdel
 Tiến sĩ Trần Hải Linh.

Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác về người Việt Nam ở nước ngoài đã góp phần phát huy sức mạnh và thu hút nguồn lực của cộng đồng đóng góp cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, với việc thường xuyên tổ chức gặp mặt, đối thoại để lắng nghe tiếng nói của kiều bào, tạo điều kiện thuận lợi nhất để những người xa quê có điều kiện trở về, đóng góp công sức dựng xây đất nước. Số lượng người Việt Nam ở nước ngoài về nước ngày một đông hơn, cùng với đó là đội ngũ các nhà khoa học, trí thức mang chất xám và những tri thức hiện đại của thế giới về Việt Nam cũng ngày một tăng.

Theo TS Trần Hải Linh, Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã góp phần tích cực vào việc tăng cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, lòng yêu nước, gắn bó với quê hương đất nước; đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau vươn lên trong cuộc sống, hội nhập vào nước sở tại. Tiếp theo là Chỉ thị số 45/CT-TW đòi hỏi công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần được tăng cường, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

TS Trần Hải Linh cho rằng, song song với cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, hơn lúc nào hết, Việt Nam cần tập hợp mọi nguồn lực nhằm phục hồi kinh tế sau những tác động nặng nề do đại dịch gây ra. Thế giới từng chứng kiến nhiều bài học thành công của các nước phát triển nhờ tìm kiếm cơ hội để bứt phá ngay trong khủng hoảng. Việt Nam cũng hoàn toàn có thể biến khủng hoảng thành cơ hội nếu điều chỉnh chiến lược phát triển, tăng cường nội lực và tư duy bứt phá, phát huy những thế mạnh và mũi nhọn cho sự phát triển. Thời gian tới Việt Nam nên chú trọng phục hồi và phát triển những ngành ứng dụng công nghệ cao, mang lại thu nhập và giá trị thặng dư kinh tế, hàm lượng khoa học công nghệ, chất xám một cách nhiều nhất, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao... Hơn lúc nào hết, đây cũng chính là cơ hội để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phát huy khả năng và tiềm lực của mình đóng góp cho đất nước ở những lĩnh vực trọng yếu. 

Việt Nam đã và đang tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài với mục tiêu tập trung thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, đề cao chất lượng, hiệu quả, lấy sản phẩm công nghệ cao, bảo vệ môi trường và giá trị thặng dư kinh tế; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, có phương thức quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Do vậy, việc tăng cường vai trò của các đại diện kiều bào tiêu biểu từ khắp nơi trên thế giới trong công tác hỗ trợ các cơ quan chức năng của Việt Nam phác thảo những chương trình, kế hoạch mang định hướng chiều sâu là điều hết sức quan trọng. 

Uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao cùng với tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình với một nền kinh tế thị trường năng động, hội nhập quốc tế mạnh mẽ, kinh tế tăng trưởng khá cao. Hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng vào việc tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển đất nước, mở rộng và tăng cường quan hệ với các quốc gia, nhất là với các nước lớn và các trung tâm hàng đầu thế giới. Đây không chỉ là nguồn cảm hứng và động lực đối với bà con kiều bào sống xa Tổ quốc, mà còn tạo điều kiện cho sự giao lưu, chia sẻ và thu hút sự quan tâm của kiều bào đối với sự phát triển đất nước.

MỸ HẠNH