Tiến sĩ ĐỖ MẠNH HÙNG, giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Khu vực I:

Công tác bồi dưỡng phải đi trước đón đầu

Hiện nay, công tác đánh giá chất lượng cấp ủy viên có lúc, có nơi còn hình thức, chưa phản ánh đúng và thực chất. Mặt khác, đội ngũ cấp ủy viên thường xuyên biến động do yêu cầu nhiệm vụ, do điều động, luân chuyển. Sự biến động này giúp cán bộ được đào tạo, rèn luyện toàn diện nhưng phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cấp ủy viên cơ sở.

Để nâng cao trình độ, năng lực, phong cách làm việc khoa học cho cấp ủy viên cơ sở, trước hết các cấp ủy viên phải được đào tạo căn bản để bảo đảm những tiêu chí, tiêu chuẩn. Phần việc này không thể xem nhẹ, buông lỏng, hình thức, mà cần tổ chức chặt chẽ, khoa học, nền nếp. Có nghĩa, ngay sau khi được bầu vào cấp ủy, các đồng chí cấp ủy viên rất cần được bồi dưỡng để nắm chắc chức năng, nhiệm vụ, có thêm kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ trên cương vị được giao.

Theo tôi, ngay sau đại hội, các cấp ủy cần mở ngay các lớp bồi dưỡng và trong nhiệm kỳ cũng cần mở thêm nhiều lớp bồi dưỡng định kỳ. Thậm chí, sau khi các tổ chức đảng làm công tác rà soát, bổ sung quy hoạch, chuẩn bị nhân sự cấp ủy viên cơ sở nhiệm kỳ tiếp theo thì cũng đồng thời thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cấp ủy viên. Có nghĩa, công tác bồi dưỡng phải đi trước đón đầu chứ không thụ động trông chờ sự chỉ đạo của cấp trên.

leftcenterrightdel

Cấp ủy Chi bộ bản Rào Tre, xã Hương Liên (Hương Khê, Hà Tĩnh) và cán bộ Tổ công tác bản Rào Tre (Đồn Biên phòng Bản Giàng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh) trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm công tác. Ảnh: TRUNG HIẾU 

---------------------------------------------------------

Thạc sĩ TRẦN HOÀI NAM, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Sơn La:

Quan tâm bồi dưỡng cấp ủy viên là người dân tộc thiểu số

Ở tỉnh Sơn La nói riêng, các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung, đội ngũ cấp ủy viên ở đảng ủy xã, phường, thị trấn, nhất là chi ủy viên người dân tộc thiểu số (DTTS) còn nhiều mặt hạn chế về kiến thức, kỹ năng thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Nhiều đồng chí năng lực lãnh đạo, điều hành, tính chủ động, sáng tạo chưa cao; phong cách, lề lối làm việc chậm đổi mới, còn nặng tư duy cũ, cách làm cũ. Phần đông chi ủy viên ở các chi bộ thôn, bản đều là kiêm nhiệm, các hoạt động công tác Đảng phần lớn dựa vào kinh nghiệm, mà chưa chú trọng đến nguyên tắc nên hiệu quả công tác xây dựng Đảng không cao.

Nhận thức rõ điều đó, một số địa phương đã quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ cho đối tượng này. Tuy nhiên, việc bồi dưỡng còn hình thức, chưa thành nền nếp; chưa tập trung trang bị những kiến thức, nội dung mà đối tượng cần. Nói cách khác, việc bồi dưỡng chỉ như "cưỡi ngựa xem hoa", đến cho có mặt, rồi "khi xong xuôi tất cả lại về". Thậm chí, nhiều địa phương chưa quan tâm đến phần việc này, để mặc cho các cấp ủy viên "tự bơi"... Điều đó dẫn đến hệ lụy là làm giảm năng lực lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng.

Đội ngũ cấp ủy viên cơ sở là người đồng bào DTTS rất cần tổ chức đảng các cấp đặc biệt quan tâm bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ công tác Đảng. Đảng bộ các địa phương có đông đồng bào DTTS, cấp ủy viên cơ sở là người DTTS cần chú trọng bồi dưỡng thường xuyên, nền nếp, bảo đảm tính kế hoạch và khoa học trong công tác tổ chức. Việc bồi dưỡng nhất thiết phải có nội dung, chương trình, phương pháp, hình thức đặc thù, phù hợp với nhóm đối tượng thì mới mang lại kết quả thực chất.

---------------------------------------------------------

Thạc sĩ NGUYỄN HẢI HÀ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ:

Chú trọng bồi dưỡng qua thực hành

Hiện nay, phần lớn cấp ủy viên cơ sở chưa được đào tạo bài bản về nghiệp vụ công tác Đảng nên thiếu hụt về kiến thức, kỹ năng; nhất là kỹ năng nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội; kỹ năng giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiến hành kiểm tra giám sát và xử lý kỷ luật đảng viên. Trong khi đó, chính các đồng chí cấp ủy viên cũng chưa đề cao trách nhiệm tự học, tự nghiên cứu. Do đó, khi cấp ủy viên thiếu kiến thức nền tảng, không vững lý luận, nắm phương phưởng về quy trình, nguyên tắc công tác Đảng nên gặp không ít lúng túng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; chất lượng, hiệu quả tham mưu cũng vì đó mà không hiệu quả.

Để đội ngũ cấp ủy cơ sở luôn “đúng vai, thuộc bài”, ngoài việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ công tác Đảng, các tổ chức đảng cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng qua thực hành. Thậm chí các đồng chí bí thư, phó bí thư giàu kinh nghiệm phải trực tiếp "cầm tay chỉ việc", hướng dẫn cấp ủy viên mới thực hiện các nhiệm vụ, các khâu, các bước của công tác tổ chức... Nói cách khác, thông qua các buổi thực hành đó, kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về công tác Đảng của cấp ủy viên mới từng bước được nâng lên.

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.