Trung tá, Ths PHẠM VĂN PHONG, Học viên Hệ 5, Học viện Chính trị: Được tạo điều kiện tham gia vào các hoạt động xã hội rộng rãi hơn

 Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ có những chức năng, nhiệm vụ tương đồng, có sự giao thoa về đối tượng vận động. Việc hợp nhất các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tạo ra một cơ cấu thống nhất, giúp các tổ chức này phối hợp tốt hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị và xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng, phương tiện... trong công tác vận động, tập hợp quần chúng, đưa công tác này đi vào chiều sâu; tránh được tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, hình thức. Từ đó, có thể hình thành một lực lượng quần chúng rộng lớn và mạnh mẽ hơn trong việc thực hiện các chương trình, kế hoạch của Đảng và Nhà nước, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cùng với đó, việc sắp xếp, hợp nhất sẽ giúp giúp giảm thiểu sự phân tán trong tổ chức và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội. Một hệ thống tổ chức tập trung và thống nhất sẽ giúp MTTQ Việt Nam dễ dàng quản lý, chỉ đạo và triển khai các hoạt động vận động, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tập hợp quần chúng, giảm bớt sự chồng chéo trong các hoạt động của các tổ chức khác nhau. Khi các tổ chức này được hợp nhất vào MTTQ Việt Nam, các hội viên và các nhóm xã hội sẽ được tạo điều kiện tham gia vào các hoạt động xã hội rộng rãi hơn, từ đó phát huy sức mạnh của toàn xã hội trong việc xây dựng và phát triển đất nước. Việc tập hợp này giúp MTTQ Việt Nam nâng cao khả năng huy động nguồn lực từ quần chúng nhân dân, tiết kiệm chi phí, nhân lực và các nguồn lực vật chất, giúp tập trung vào các mục tiêu chung, mang lại hiệu quả cao hơn trong công tác vận động và tổ chức phong trào.

-----------------

Bà HOÀNG THANH HIỀN, xã Tân Lập, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn): “Đốt đuốc đi tìm cán bộ”

Đọc loạt bài của Báo Quân đội nhân dân tôi rất tâm đắc, vì vấn đề bài báo nêu đã phản ánh thực tế những bất cập về hoạt động của các tổ chức hội, đoàn thể quần chúng ở địa phương tôi hiện nay. Do đặc thù địa bàn có nhiều khó khăn nên những năm gần đây, đối tượng trẻ, có học thức hầu hết đều thoát ly ra ngoài làm ăn, công tác. Trong khi tổ chức đoàn, hội, quần chúng ở cơ sở thì nhiều, thành thử lãnh đạo xã luôn phải “đốt đuốc đi tìm cán bộ”. Nhưng để vận động được người biết việc, tâm huyết ra làm cán bộ phong trào cũng không đơn giản, thành thử, xảy ra tình trạng nhiều người năng lực còn hạn chế nhưng cũng được vận động đứng ra làm cán bộ phong trào; hoặc những người nhiệt tình, trình độ khá một chút là được giao ôm đồm, kiêm nhiệm nhiều vị trí.

Chính vì vậy, tôi rất ủng hộ chủ trương sáp nhập, tinh gọn bộ máy, các tổ chức quần chúng, đoàn thể lại. Cùng với việc tinh gọn, cần chú trọng việc tuyển chọn đầu vào, khi đó, chắc chắn chất lượng công tác từ cơ sở sẽ được nâng lên, người dân chúng tôi sẽ được hưởng lợi đầu tiên.

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh tham gia thực hiện công trình đường giao thông nông thôn tại xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: TTXVN

Ông NGUYỄN XUÂN HOA, xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc: Giúp Đảng lãnh đạo, chỉ đạo một cách đồng bộ hơn

Việc sắp xếp lại các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam là một bước đi quan trọng trong quá trình tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Tôi thấy rằng, hiện nay có một thực trạng đáng suy ngẫm: Mặc dù các tổ chức chính trị - xã hội có vai trò quan trọng trong việc tập hợp nhân dân, nhưng giữa các tổ chức này vẫn tồn tại sự rời rạc, thậm chí là chồng chéo nhiệm vụ. Điều này không chỉ làm giảm hiệu quả hoạt động mà còn gây lãng phí nguồn lực, kéo dài quy trình thực hiện các chủ trương, chính sách. Khi có quá nhiều tổ chức cùng đảm nhận các chức năng tương đồng, hệ quả tất yếu là khó tạo ra một sức mạnh tổng hợp.

Do đó cần có sự lãnh đạo tập trung, thống nhất để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức. Việc đưa các tổ chức này về trực thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ giúp Đảng lãnh đạo, chỉ đạo một cách đồng bộ hơn. Tuy nhiên, điều cần làm rõ là cơ chế vận hành mới sẽ như thế nào để bảo đảm sự kết nối từ Trung ương xuống địa phương.

--------------

Bà HOÀNG THỊ VINH, xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa: Xuống cơ sở nhiều hơn, lắng nghe nhân dân nhiều hơn

Tôi thấy loạt bài viết có đề cập đến tình trạng “mạnh ai nấy làm” của các tổ chức, khiến cho công tác vận động, hỗ trợ người dân đôi khi bị chồng chéo, thậm chí là thiếu hiệu quả. Tôi hoàn toàn đồng ý với điều này.

Ở địa phương tôi, có quá nhiều tổ chức hội, đoàn thể nhưng khi cần giải quyết vấn đề gì thì lại không biết phải tìm đến ai. Ví dụ, khi muốn tìm hiểu về các chính sách hỗ trợ cho người nghèo, gia đình có công với cách mạng, có thể tôi sẽ gặp cán bộ MTTQ, có thể gặp cán bộ Hội Nông dân, hoặc cán bộ Hội Phụ nữ... Nhưng đôi khi chính những người trong các tổ chức ấy cũng không rõ ai là người có trách nhiệm chính. Vậy thì việc sắp xếp lại bộ máy để có sự thống nhất hơn là rất cần thiết.

Với tôi, sắp xếp lại bộ máy là điều cần thiết, nhưng quan trọng nhất vẫn là phải làm sao để bộ máy gần dân hơn, phục vụ dân tốt hơn, chứ không phải chỉ là giảm số lượng trên giấy tờ. Tôi mong rằng, sau khi tinh gọn, những người làm công tác Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội sẽ xuống cơ sở nhiều hơn, lắng nghe nhân dân nhiều hơn.

Nhóm PV Phòng Biên tập CTĐ, CTCT (lược ghi)

Bài 1: Cơ sở khoa học và những căn cứ quan trọng

Bài 2: Bài toán đặt ra từ đòi hỏi của thực tiễn

Bài 3: Gọn đầu mối, giảm cấp trung gian, thêm gần dân, sát dân